Quyền của bị cáo và việc bị cáo đề nghị không công bố bản án

23/11/2018 11:40

(Pháp lý) - Mới đây, ngay trong ngày đầu (ngày 12/11/2018) xét xử sơ thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ có liên quan đến hai tướng ngành công an , khi được chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo có những kiến nghị gì, bị cáo Phan Văn Vĩnh đề nghị không công bố bản án lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Từ đề nghị của bị cáo Vĩnh, hiện đang có ý kiến tranh luận trái chiều. Xung quanh sự kiện này, bạn đọc quan tâm muốn tìm hiểu qui định pháp luật có liên quan đến quyền của bị cáo theo qui định mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và những qui định liên quan đến việc công khai hoặc không công khai bản án của Tòa án.

Về một số quyền mới của bị cáo trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015

image001Quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiến hành tố tụng. Trước kia bị can, bị cáo mặc nhiên bị coi là có tội, nên quyền của họ bị thu hẹp rất nhiều. Khắc phục những bất cập của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã có những quy định cụ thể, rõ ràng và mở rộng quyền của bị can, bị cáo, bảo đảm tính công bằng trong việc thực thi pháp luật hình sự.

Quyền của bị cáo được quy định tại khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015. Theo đó, bị cáo có những quyền sau đây: a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; b) Tham gia phiên tòa; c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa; đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa; h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa; k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án; l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa; m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật."

Có thể thấy, so với quy định tại Điều 50 BLTTHS năm 2003, bị cáo có một số quyền mới sau:

Một là, quyền được “Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”. Thường thì những chứng cứ, tài liệu, đồ vật này có ý nghĩa gỡ tội cho bị cáo, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc chứng minh những tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do vậy, Hội đồng xét xử khi nhận được các chứng cứ, tài liệu, đồ vật do bị cáo cung cấp thì phải tiến hành kiểm tra, đánh giá khách quan để xác định các chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó có phải là chứng cứ trong vụ án hay không? và giá trị của nó trong việc xác định sự thật của vụ án.

[caption id="attachment_201075" align="aligncenter" width="400"] Các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỉ tại phiên tòa sơ thẩm
Các bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỉ tại phiên tòa sơ thẩm[/caption]

Hai là, quyền “Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa”. Việc đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa sẽ làm tăng tính chủ động cho bị cáo, giúp bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình được tốt hơn, việc hỏi cũng như đối chất trực tiếp tại phiên tòa sẽ là căn cứ quan trọng làm cho việc xét xử được khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Ba là, quyền được “Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa”.

Bốn là, bị cáo còn có “Các quyền khác theo quy định của pháp luật”. Những quyền này sẽ được thể hiện rõ sau khi các văn bản hướng dẫn có hiệu lực.

Các bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin

Theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2017), thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đó phải được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Theo đó, các bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án gồm:

- Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động.

- Quyết định giải quyết việc dân sự có hiệu lực pháp luật, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết việc dân sự.

- Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

- Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND đã có hiệu lực pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Ba trường hợp không được công khai bản án của Tòa

Đáng lưu ý, cũng theo qui định tại Nghị quyết nêu trên, các bản án, quyết định sau sẽ không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án:

- Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử kín.

- Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình Tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật; Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư; Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này.

- Bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.

Với những qui định mới liên quan đến quyền của bị can , bị cáo và những nguyên tắc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, thì việc HĐXX sơ thẩm chấp thuận (hoặc không chấp thuận) đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh cần căn cứ vào các qui định của pháp luật tố tụng hình sự và quy định tại Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2017).

Mọi hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải được bảo đảm thực hiện khách quan, công bằng, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền của bị can, bị cáo được pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Bên hành lang Quốc hội chiều 13/11, trả lời báo chí, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết: "Việc nêu đề nghị là quyền của bị cáo, còn trách nhiệm của toà án là tuân thủ pháp luật, không có ngoại lệ".

Còn theo ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TPHCM: Sau khi có hiệu lực pháp luật, bản án mới được xem xét công bố trên cổng thông tin điện tử theo quy định. "Nếu liên quan đến bí mật đời tư cá nhân thì mới không công bố, còn những nội dung về đường hướng xét xử, quan hệ tranh chấp thì vẫn công bố”.

Về vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng đang được xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Phú Thọ, bà Thúy nói rõ thêm: Khi nào bản án có hiệu lực pháp luật thì mới xem xét tới việc có đưa lên Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh Phú Thọ hay không. Bởi thực tế có những bản án chưa có hiệu lực có thể bị tuyên huỷ, người liên quan chưa có tội thì không thể công khai.


Trả lời PLO.VN, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, khẳng định việc HĐXX không cho công khai bản án theo yêu cầu của bị cáo Phan Văn Vĩnh là trái luật.

Ông Quế cho rằng bị cáo có quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS, còn công khai bản án là để toàn dân giám sát việc xét xử của tòa án. Ngay cả trong trường hợp vụ án được xét xử kín thì bản án vẫn phải được tuyên công khai. Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao nhấn mạnh đòi hỏi của bị cáo Phan Văn Vĩnh là phi lý. Bởi trong các vụ án (trừ những trường hợp được phép từ chối - PV) đều công khai bản án; công khai bản án là việc của tòa, không liên quan gì đến quyền con người.

Hà Trang

 

Bạn đang đọc bài viết "Quyền của bị cáo và việc bị cáo đề nghị không công bố bản án" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin