Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật báo chí, nhà báo liên tiếp bị hành hung?

27/03/2016 14:52

Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật báo chí sửa đổi, trong khi nhà báo liên tiếp bị hành hung ngay giữa thủ đô là rất nghiêm trọng.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội sau khi theo dõi nhiều bài viết đăng tải về việc nhà báo liên tiếp bị hành hung trên phapluatplus.vn.

Qua vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cùng nhiều phóng viên báo chí liên tiếp bị hành hung làm dấy lên vấn đề bảo vệ nhà báo trong xã hội hiện nay. Phải hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có quy định về việc bảo vệ nhà báo dẫn đến việc diễn ra nhiều vụ nhà báo bị hành hung như báo chí đã phản ánh?.

Hiện nay, chúng ta đã có nhiều quy định pháp luật để có thể bảo vệ cho các nhà báo, chẳng hạn Luật báo chí 1989 có quy định tại khoản 4 Điều 15 rằng, Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Sau khi Luật báo chí 1989 được sửa đổi bổ sung năm 1999 thì quy định trên vẫn được ghi nhận tại điểm đ khoản 1 Điều 15.

Bộ luật hình sự cũng có những quy định về bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công dân, theo đó tính mạng sức khỏe của công dân nói chung (trong đó có các nhà báo) được nhà nước ghi nhận và bảo hộ, người nào có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo các tội danh được quy định tại Chương XII Bộ luật hình sự, như: Tội giết người Điều 93, tội Đe dọa giết người Điều 103, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác Điều 104. Qua đó, có thể thấy pháp luật hiện hành đã có những quy định đủ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhà báo.

Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật có thể bảo vệ cho các nhà báo nhưng đây chỉ là những điều luật áp dụng chung cho toàn dân mà còn thiếu những quy định cụ thể mà trong đó đối tượng được bảo vệ là nhà báo, chúng ta có thể thấy cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ mà bị chống đối thì đối tượng chống đối đó có thể bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ” hay “Vì lý do công vụ của nạn nhân” cũng là một tình tiết tăng nặng khi xử lý hình sự, tuy nhiên hành vi chống đối lăng mạ, xúc phạm nhà báo diễn ra hằng ngày nhưng khó có thể xử lý vì còn thiếu chế tài, có chăng là xử lý hành chính, nhưng cũng rất ít trường hợp bị xử lý.

Hiện nay, nhìn chung các cơ chế thực thi cũng như các quy định cụ thể để trực tiếp bảo vệ sức khỏe tính mạng, tài sản và hoạt động của các nhà báo còn hạn chế, dẫn đến việc nhà bảo không được bảo vệ đầy đủ theo tinh thần của Luật báo chí: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.” (điểm đ khoản 1 Điều 15 Luật báo chí sửa đổi 1999).

[caption id="attachment_137683" align="aligncenter" width="410"]Trước đó, phóng viên Quang Hải, báo điện tử VTCNews cũng bị nhân viên nhà hàng Queen Bee hành hung và "giam lỏng" trong nhiều giờ. Trước đó, phóng viên Quang Hải, báo điện tử VTCNews cũng bị nhân viên nhà hàng Queen Bee hành hung và "giam lỏng" trong nhiều giờ.[/caption]

Việc bảo hộ hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo nhìn chung mới ở mức hình thức mà chưa có những cơ chế hữu hiệu để bảo vệ tác nghiệp của nhà báo, quyền của các nhà báo trong hoạt động báo chí không phải bao giờ cũng đi liền với nghĩa vụ của những đối tượng khác.

Nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gây thương tích nhưng mức độ xử lý chưa đúng theo quy định của pháp luật, trong việc xử lý các đối tượng đôi khi còn chưa tương xứng với hành vi, qua đó thiếu sự răn đe đối với các đối tượng cản trở hoạt động của nhà báo qua việc hành hung gây thương tích xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhà báo.

Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung ngay trên địa bàn thủ đô, trong khi Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật báo chí sửa đổi là một vụ việc rất nghiêm trọng, cần điều tra xử lý nghiêm minh ba đối tượng côn đồ theo đúng quy định của pháp luật để răng đe các hành vi đe dọa, hành hung, khủng bố, truy sát làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhà báo đang ngày càng gia tăng.

Theo Phapluatplus

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật báo chí, nhà báo liên tiếp bị hành hung?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin