Quảng Ninh ra quyết định vì hoàn cảnh “đặc thù”: Đặc thù hay đặc quyền, đặc lợi của một nhóm?

(Pháp lý) - Theo một nguồn tin của Phóng viên Pháp Lý, thời gian gần đây, tỉnh Quảng Ninh có ra 2 văn bản với những quy định riêng để quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, và Bái Tử Long. Với lý giải trên báo chí: Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên cả thế giới chỉ có một nên cần để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, bảo vệ hình ảnh của Vịnh… Điều đáng nói là một số quy định quản lý đó chưa được cấp thẩm quyền cho phép thậm chí trái với các quy định pháp luật hiện có.

Ban hành Quyết định vì hoàn cảnh đặc thù?!

Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh có nội dung: “Đối với các trường hợp SGTVT đã đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015 đang triển khai thi công, yêu cầu SGTVT báo cáo UBND tỉnh xem xét từng trường hợp để giải quyết, chỉ cho vận chuyển khách du lịch, không cấp phép cho tàu ngủ đêm” và Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 quy định tạm thời về quản lý hoạt động tầu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có nội dung:“Tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 (mười lăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 (hai nhăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long”. Hay“ Đối với tàu đóng mới, sửa chữa lớn (chu kỳ kiểm tra 5 năm) phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu”.

[caption id="attachment_138720" align="aligncenter" width="410"]Tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long.[/caption]

Ngay sau quy định này được ban hành đã gây bức xúc cho hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn dân đang kinh doanh tại các địa điểm du lịch trên.

Trên báo chí, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lý giải: “Chủ trương trên cũng là nhằm mục đích nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời cũng để đảm bảo tính thẩm mỹ, mỹ quan của con tàu cho tương xứng với vị thế của một danh lam tầm cõ quốc tế như Vịnh Hạ Long. Việc thay thế tàu mới cũng nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác du lịch quản lý và khai thác tốt hơn hiệu suất của từng con tàu. Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác du lịch chủ yếu vẫn hoạt động theo hình thức ăn đong. Trung bình một con tàu, mới chỉ lấp đầy chưa tới 40% ghế. Tức là hiệu quả rất thấp. Tình trạng trên dẫn tới nhiều hệ lụy xấu như: có 1-2 khách tàu vẫn phải chạy; nhiều chủ tàu phải siết khách bằng cách nấu ăn trên tàu, bắt chẹt, chèo kéo khách để bù lại chi phí… làm xấu xí hình ảnh môi trường du lịch chung.

Khẳng định trên báo chí, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, mình đang làm vì môi trường chung, không vì lợi ích nhóm nào cả. Không dừng lại ở đó, vị lãnh đạo này còn cho biết thêm, để hợp lý hóa hơn nữa văn bản đã ban hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Cục đường thủy nội địa (Bộ GTVT) và đã nhận được sự thống nhất từ đơn vị này. “Trong ngày một, ngày hai sẽ ban Thông tư hướng dẫn Nghị định 111/2014/NĐ – CP, trong quản lý đối với tàu vận chuyển khách tại các điểm tham quan đặc biệt như Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh”.

Chuyên gia nói gì về quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh?

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp) là người được những người dân tin tưởng và chuyển hai văn bản đến xin ý kiến. Ông Sơn nhận định với Pháp Lý: Đây là trường hợp nhức nhối, báo chí nên vào cuộc ngay. Và ông Sơn đã phân tích rất cụ thể về những nội dung sai trái của Quyết định 4088 và Quyết định 3625 của UBND tỉnh Quảng Ninh từ góc độ đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản này.

Thứ nhất, đối chiếu với các quy định hiện hành do Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ban hành thì Quyết định 4088 có những điểm sai trái như sau:

- Tại điều 1 của Quyết định 4088 đã đưa ra quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của tàu, chủ tàu… trong khi đó, pháp luật hiện hành không giao cho UBND cấp tỉnh quy định về điều kiện hoạt động của tàu, chủ tàu. Mặt khác, nếu hiểu đây là điều kiện kinh doanh thì quy định này trái với Luật đầu tư 2014. Theo đó, thẩm quyền này được giao cho cơ quan Trung ương (từ Chính phủ trở lên). Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà Luật không cấm, tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, lựa chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành nghề kinh doanh. Rõ ràng, nội dung nêu trên của Quyết định 4088 đã trái với một loạt luật, Nghị định hiện hành.

- Quy định về điều kiện an toàn, kỹ thuật tại Điều 4 của Quy định tạm thời cũng trái với Luật giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi 2014), trái với Luật đầu tư 2014 cũng như trái với quy định của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật đầu tư và NGhị định số 111/2014 của Chính phủ về niên hạn sử dụng phương tiện thủy…

- Nội dung Quyết định 4088 về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Điều 5) không phù hợp với Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (sửa đổi 2014). Đồng thời nội dung này cũng trái quy định của Luật đầu tư 2014.

- Quy định về phân loại tàu du lịch, xếp hạng tàu lưu trú, cấp phép cho tàu du lịch; điều kiện hoạt động của cảng, bến, trách nhiệm của chủ cảng, bến của Quyết định 4088 trái với Luật du lịch 2005, Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (sửa đổi 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Ngoài ra, Quyết định 4088 có một số quy định khác cần được xem xét, thảo luận để xác định căn cứ pháp lý như quy định về nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, về chuyển tải khách; trách nhiệm của chủ tàu du lịch; quy định về thực hiện cam kết để được hoạt động phục vụ khách du lịch; màu sơn tàu…

- Căn cứ pháp lý của Quyết định 4088 cũng không đầy đủ, tôi thấy khá lạ lùng khi một Quyết định của UBND cấp tỉnh mà chỉ căn cứ vào 07 Luật do Quốc hội ban hành, không hề căn cứ vào văn bản nào của Chính phủ và các bộ quản lý ngành quy định về vấn đề liên quan.

[caption id="attachment_138721" align="aligncenter" width="410"]Khách du lịch tham quan khu nuôi trồng ngọc trai trên vịnh Hạ Long (ảnh minh họa) Khách du lịch tham quan khu nuôi trồng ngọc trai trên vịnh Hạ Long (ảnh minh họa)[/caption]

Nhìn rộng ra, một số ý kiến còn cho rằng, đối chiếu với những quy định tại điều 14, điều 33 của Hiến pháp 2013 thì một số nội dung của Quyết định 4088 còn có dấu hiệu vi hiến.

Thứ hai: Đối với Quyết định số 3625/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh, cũng do Phó chủ tịch Lê Quang Tùng ký, tôi thấy quyết định này có sai sót rất cơ bản là đặt ra các quy phạm pháp luật trong một văn bản hành chính cá biệt mà Luật ban hành văn bản QPPL đã cấm. Có thể lấy ví dụ những nội dung mang tính quy phạm của Quyết định 3625: “dừng đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ”; “thu hồi giấy phép hoạt động”, “chỉ cho phép vận chuyển khách du lịch, không cấp phép cho tàu ngủ đêm”…

Ngoài ra, nội dung của Quyết định 3625 có dấu hiệu không phù hợp với quy định của Chính phủ, của Bộ GTVT về niên hạn sử dụng, vật liệu đóng tàu thủy lưu trú, ảnh hưởng quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Với những sai trái nêu trên, Quyết định 3625 cần phải được hủy bỏ toàn bộ - ông Sơn kiến nghị.

Và ngày 25/02/2016 Cục kiểm tra văn bản đã tổ chức một cuộc họp tại Bộ Tư pháp với sự tham gia của nhiều Bộ, Ngành và các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp nhằm phân tích làm rõ và đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật nói trên. Theo thông tin nhận được, là tại cuộc họp, tất cả các đại diện tham gia đều thống nhất cho rằng, Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 và Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 có nhiều nội dung vừa vi hiến, vừa trái các Luật và trái các quy định của Chính phủ, của các Bộ.

Đặc thù hay đặc quyền đặc lợi của một nhóm?

Trao đổi với phóng viên Pháp lý, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho hay: Trước đây đã có một số tỉnh ban hành văn bản với lý do là hoàn cảnh “đặc thù”. Ở Hà Tĩnh, Nghệ An có các văn bản quy định “tỉnh ta uống bia ta”, lý do mà đơn vị này đưa ra là do đó là sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, họ đóng góp cho ngân sách nhiều nên tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút đầu tư, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm của họ là tất nhiên. Ở Đà Nẵng, thành phố này có các quy định như tạm dừng đăng ký thường trú vào nội thành với "người không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự", “học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày”; “tạm dừng đăng ký mới với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ” với lý do yêu cầu quản lý của thành phố là đặc biệt. Việc ra văn bản như vậy khi đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện có, đều thấy những sai trái nhất định.

Quảng Ninh chỉ là một trong nhiều địa phương ban hành văn bản trái luật với lý do “đặc thù” địa phương. Họ nhìn nhận giữa thực tế địa phương và tự ra văn bản. Dưới con mắt nhà chuyên môn, thì nhà nước pháp quyền không cho phép những quy định trái với chuẩn chung đó tồn tại. Mặt khác, thì đây cũng là dịp để nhìn lại các quy định làm chuẩn chung đã phù hợp với thực tế hay chưa?

Dư luận cho rằng, Quảng Ninh đã lạm dụng đặc thù để chèn lợi ích nhóm vào văn bản, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh này đã phủ nhận – PV. TS Lê Hồng Sơn cho biết thêm: Khi làm việc với người dân, doanh nghiệp, VPLS tôi thấy có ý kiến cho rằng, các quyết định trên nhằm hạn chế các doanh nghiệp khác đang hoạt động, làm khó các doanh nghiệp mới để tạo ra môi trường trống cho các doanh nghiệp lớn cho thêm tàu thuyền vào. Tôi cho rằng, tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp hoạt động, du lịch văn minh, hiện đại là tốt. Tuy nhiên nếu lợi dụng việc đó, ban hành văn bản chính sách để “thanh trừng” bóp chết các doanh nghiệp khác là điều đáng lên án.

Quy định của Quảng Ninh đã có hơn 3 tháng. Hơn 30 đoanh nghiệp và rất nhiều người dân đã kiến nghị nhưng đã hơn 3 tháng trôi qua mà Quảng Ninh không xem xét lại quyết định của mình. Tôi cho rằng đó là sự vô cảm. Gần đây nhất Bộ Tư Pháp “tuýt còi” và để Quảng Ninh sửa đổi. Bộ cũng đã có những gợi ý cho Quảng Ninh, đó là nếu có đề xuất đặc biệt cần có đề án trình chính phủ và Quốc hội để quyết, không thể tự quyết như vậy… Hai văn bản trên tác động đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp và rất nhiều người dân nên cần xử lý nhanh. Thế nhưng Quảng Ninh đã chậm xử lý điều này càng khiến dư luận và giới chuyên môn thêm nghi vấn về “lợi ích nhóm” khiến Quảng Ninh chần chừ trong việc hủy bỏ các văn bản này.

Trước tình hình như vậy, TS Lê Hồng Sơn kiến nghị: Theo quy định hiện hành, việc khắc phục hậu quả (nếu có) cũng như việc xem xét trách nhiệm của những cán bộ, công chức có liên quan đến việc tham mưu, ban hành hai quyết định nêu trên cần phải được thực hiện nghiêm túc, không để hậu quả “cú sốc pháp lý” này làm mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền, tác động xấu, gây “điểm nóng” ở Quảng Ninh.

Vụ việc cũng là bài học kinh nghiệm quan trọng đối với Quảng Ninh và nhiều địa phương khác. Đó là khi ban hành những văn bản pháp luật tác động rộng rãi đến người dân thì cần lấy ý kiến của họ. Khi tiếng nói người dân có trong chính sách, pháp luật sẽ tránh tình trạng văn bản vừa ban hành đã vấp phải sự phản đối.

Trước luồng ý kiến cho rằng, khi hoạt động chi tiêu công bị siết chặt, có thể dẫn đến hiện tượng nảy nở các văn bản của địa phương để tận thu của người dân và doanh nghiệp. Tiến sĩ Sơn cho rằng: Đó không phải là hiện tượng mới mẻ, trước đây đã có nhiều địa phương cố tình ban hành những văn bản đặt ra những khoản phí và lệ phí trái luật… Trung ương đã nắm bắt và giải quyết vấn đề này và có quy định cấm các địa phương tự đặt ra các loại thuế, phí hành dân.

Minh Hải

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin