Ông Trump có bị luận tội nếu 'cản trở công lý'?

The New York Times ngày 16.5 đưa tin rằng Tổng thống Trump trong cuộc gặp hồi tháng 2 đã yêu cầu Giám đốc FBI James Comey "bỏ qua" vụ điều tra mối liên hệ giữa cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và phía Nga. Chi tiết này được ông Comey ghi lại trong một bản ghi nhớ về cuộc gặp giữa hai người. Ông Comey mới đây bất ngờ bị ông Trump sa thải dẫn đến việc xuất hiện những ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ đang đứng trên pháp luật và cản trở công lý.

Tổng thống Trump bị cáo buộc gây cản trở công lý khi sa thải Giám đốc FBI James Comey, người đang lãnh đạo cuộc điều tra liên quan đến chiến dịch của ông Trump
Tổng thống Trump bị cáo buộc gây cản trở công lý khi sa thải Giám đốc FBI James Comey, người đang lãnh đạo cuộc điều tra liên quan đến chiến dịch của ông Trump)

Vụ việc khiến cho giới chức Mỹ dậy sóng giữa thời điểm ông Trump chịu một số chỉ trích khác, trong đó có cáo buộc tiết lộ thông tin tình báo mật cho quan chức Nga. Nhà Trằng quả quyết thông tin do báo giới đăng tải về 2 vụ việc này là hoàn toàn sai sự thật.

Theo CNN, "cản trở công lý" là một tội liên bang đề cập đến những hành động gây ảnh hưởng, gây trở ngại, làm sai lệch việc thi hành luật một cách thích hợp trong thời gian việc thi hành đó đang diễn ra. Theo phóng viên và cũng là cựu công tố viên liên bang Jeffrey Toobin của CNN, nếu những lời ông Comey mô tả trong bản ghi nhớ của mình là sự thật thì chắc chắn hành động của ông Trump là cản trở công lý.

Tổng thống Donald Trump đã đề nghị ông James Comey, khi còn đương chức giám đốc FBI, chấm dứt điều tra về mối quan hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Nga, theo bản ghi nhớ của ông Comey.

Tuy nhiên, một cựu công tố viên khác là ông Andrew McCarthy thì cho rằng còn quá sớm để phán xét như vậy. Theo ông, một công tố viên không thể đưa ra quyết định chỉ dựa trên một lời đồn trong một bản ghi nhớ chưa được công khai và không ai biết bối cảnh khi đó là gì. "Bạn không chỉ phải chứng mình rằng người đó biết rõ điều họ làm là phạm luật mà còn phải chắc là người đó hành động với mục đích xác định là nhằm gây tổn hại đến quá trình điều tra", ông McCarthy giải thích.

Người mới nhất kêu gọi luận tội ông Trump là hạ nghị sĩ Al Green (bang Texas). Ông cho rằng việc ông Trump cách chức giám đốc FBI khi cơ quan này đang điều tra cáo buộc Nga gây ảnh hưởng giúp ông Trump thắng cử là hành động hăm dọa và cản trở. Ông Green nói rằng cần phải ngay lập tức luận tội ông Trump để chứng minh rằng không ai có thể đứng trên luật pháp, theo Fox News.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cần cẩn trọng hơn về vấn đề luận tội. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo rằng các quan chức đòi luận tội ông Trump đang góp phần đồn thổi vấn đề mà không có bằng chứng cụ thể. "Ông ấy đã vi phạm những quy tắc nào? Nếu bạn không có cơ sở, bạn sẽ chỉ góp phần đồn đại vấn đề thôi", bà Pelosi nói.

 Một số nghị sĩ kêu gọi luận tội Tổng thống Trump để chứng minh rằng không ai có thể đứng trên luật pháp
Một số nghị sĩ kêu gọi luận tội Tổng thống Trump để chứng minh rằng không ai có thể đứng trên luật pháp)

Bên cạnh đó, việc luận tội một tổng thống cũng là quá trình hết sức nhiêu khê. Việc luận tội phải dựa trên những căn cứ xác đáng. Theo điều 2 trong Hiến pháp Mỹ, "Tổng thống, Phó tổng thống và toàn bộ công chức Mỹ đều có thể bị buộc từ chức nếu bị luận tội và kết tội phản quốc, hối lộ hoặc các tội hình sự nghiêm trọng và vi phạm luật". Nếu Quốc hội Mỹ muốn phế truất Tổng thống Trump, cần phải có bằng chứng về việc ông phạm phải những hành động trên.

Tội phản quốc và hối lộ được Hiến pháp và luật pháp quy định cụ thể nhưng tội "hình sự nghiêm trọng và vi phạm luật " lại bị cho là rất mập mờ. Giới chuyên gia luật cho rằng những người muốn xúc tiến luận tội cần tập trung điều tra về một tội danh và làm rõ việc làm đó sai trái như thế nào, bên cạnh đó còn phải tìm ra những bằng chứng xác thực.

Quá trình luận tội sẽ bắt đầu tại Hạ viện sau khi các nghị sĩ đưa ra bản nghị quyết luận tội với những điều khoản xác thực. Nếu muốn phế truất tổng thống, nghị quyết luận tội cần được đa số nghị sĩ thông qua. Tuy nhiên, với việc Hạ viện đang do phe Cộng hòa kiểm soát và có 5 ghế trống, nghị quyết luận tội cần toàn bộ 193 nghị sĩ Dân chủ và 23 nghị sĩ Cộng hòa khác đồng ý.

Reuters ngày 13.5 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey giữ im lặng trước báo chí, đồng thời úp mở rằng ông có băng ghi âm các cuộc trò chuyện giữa hai người.

Tiếp đó, nghị quyết cần được 2/3 nghị sĩ tại Thượng viện phê chuẩn. Trừ khi ông Trump phạm một tội danh nào đó thật sự nghiêm trọng, khả năng ông bị phế truất là không cao, tờ Time nhận định.

Trước nay, chỉ mới có 2 tổng thống bị luận tội là ông Andrew Johnson vào năm 1868 với cáo buộc liên quan vụ cách chức Bộ trưởng Chiến tranh và ông Bill Clinton năm 1998 vì cáo buộc khai man trước đại bồi thẩm đoàn liên bang. Trường hợp của Tổng thống Richard Nixon dù bị cáo buộc cản trở công lý nhưng không được tính vì ông từ chức trước khi vụ luận tội được đem ra toàn Hạ viện bỏ phiếu. Cả ông Johnson và Clinton đều thuộc đảng Dân chủ và phải đối mặt với sự kiểm soát của phe Cộng hòa ở lưỡng viện khi đó nhưng vẫn không bị phế truất do Thượng viện bác bỏ kiến nghị luận tội.

Theo Thanhnien

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin