Những “khoảng trống” pháp lý về cổ phần hóa DNNN cần “bịt” sớm

04/07/2017 12:16

(Pháp lý) - Bản chất của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là hoạt động trong những ngành nghề có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Do đó, doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn cần và phải đảm bảo cho sự hoạt động và phát triển bền vững. Ưu điểm của công ty cổ phần chính là sự phân phối cả về lợi ích lẫn rủi ro cho các cổ đông thật sự có năng lực điều hành và tiềm năng kinh tế. Do đó, nếu cổ phần hóa DNNN thành tư nhân hóa hay “gia đình hóa” thì lợi ích dễ tập trung còn rủi ro lại khó phân phối. Nguy cơ tác động xấu đến kết cấu kinh tế, lũng đoạn kinh tế có thể xảy ra.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Pháp lý xin trân trọng đăng tải những phân tích rất xác đáng và sâu sắc của chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong xung quanh những khoảng trống pháp lý về cổ phần hóa DNNN hiện nay. Và kiến nghị các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cần thiết để chặn tiêu cực, tham nhũng trong cổ phần hóa DNNN hiện nay.

Nhiều câu hỏi đặt ra từ việc cổ phần hóa Điện Quang?

Báo chí thông tin: Sau 18 năm công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) với 5 năm cuối làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đến 2010 bà Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm lên làm Thứ trưởng Bộ Công thương nhưng vẫn sở hữu số cổ phần rất lớn tại doanh nghiệp này (hơn 1.68 triệu cổ phần tương đương 4,91% vốn DQC trị giá 102 tỉ đồng). Thời gian đầu làm Thứ trưởng, bà Thoa được phân công phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ - là đơn vị quản lý trực tiếp Công ty bóng đèn Điện Quang. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, bà Thoa không còn phụ trách Vụ này nữa.

Ngoài ra, một loạt người thân trong gia đình bà Kim Thoa cũng đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong DQC với số cổ phần lớn, thậm chí lớn hơn cả số cổ phần của bà.

Báo cáo quản trị của DQC cho thấy, tại thời điểm tháng 11/2007, gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đã nắm giữ 13,5% vốn DQC và tính đến 31/12/2016 con số này đã tăng lên thành 41,4%.

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2005 và trải qua nhiều lần mua đi bán lại cổ phần, đến nay Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần nào tại DQC nữa. Tháng 9/2014, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoàn tất thoái vốn nhà nước tại DQC với hơn 3,9 triệu cổ phiếu trị giá 179 tỉ đồng, đánh dấu việc cổ phần hóa hoàn toàn Điện Quang.

Xoay quanh vụ việc này, thời gian qua, báo chí liên tục đăng tải các ý kiến của các chuyên gia đề nghị như: Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần”, “xác minh nguồn gốc tài sản”, “kiểm soát mối quan hệ gia đình của quan chức”; Cần thanh kiểm tra xem cổ phần hóa tại Điện Quang có diễn ra minh bạch? Người thân của bà Thoa nắm giữ các vị trí quan trọng trong DQC có đúng quy trình và đúng luật?... Đó là rất nhiều câu hỏi được đặt ra đề nghị làm rõ.

 Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang
Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang)

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu tại Điện Quang của bà Thoa và các thành viên trong gia đình. Đặc biệt là quá trình sau khi SCIC thoái vốn, bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang hồi năm 2014 theo hình thức thỏa thuận chứ không đấu giá công khai.

Mặc dù nhấn mạnh về việc cổ phần hóa DNNN cần tránh biến DNNN trở thành doanh nghiệp của một người, tức là có một cổ đông thâu tóm hết. Nhưng ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới DNNN lại cảnh báo: “Điều này vẫn có thể xảy ra vì pháp luật chưa cấm”.

Ở một khía cạnh khác của vụ việc, phần đông giới chuyên gia, luật sư đều cho rằng: Việc bà Thoa với cương vị lãnh đạo cao tại Bộ Công thương nhưng lại là cổ đông lớn, có tài sản lớn ở Điện Quang là không chấp nhận được, cần phải xem lại lỗ hổng lớn của quy định luật pháp xung quanh hoạt động cổ phần hóa DNNN hiện nay .

Trên đây là một số góc nhìn ban đầu của giới chuyên gia. Mặc dù kết luận điều tra cuối cùng thuộc về Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng cùng các cơ quan hữu quan mới có thể làm sáng tỏ được sự việc. Nhưng từ vụ việc riêng lẻ này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra nhiều “khoảng trống, kẽ hở” pháp lý về cổ phần hóa DNNN hiện nay, từ đó đề xuất nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để ngăn chặn cá nhân trục lợi, tiêu cực, tham nhũng.

“Thâu tóm cổ phần” – phải luật hóa để chặn tiêu cực

Theo tìm hiểu của Phóng viên, cụm từ “thâu tóm cổ phần” chưa được định nghĩa và quy định trong bất cứ một văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, có thể hiểu thâu tóm cổ phần là việc một cổ đông có được số lượng cổ phần “khổng lồ” để giữ vai trò kiểm soát và chi phối doanh nghiệp.

Những biểu hiện của việc “thâu tóm” mới chỉ được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp 2014 ở mức độ thâu tóm giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Còn vấn đề thâu tóm cổ phần của cổ đông trong cùng một doanh nghiệp thì chưa có điều luật cụ thể nào điều chỉnh.

Liên quan đến lĩnh vực cổ phần hóa DNNN, Nghị định 59/2011 cho phép nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa với số lượng không hạn chế (không hề có một mức giới hạn nào) chỉ trừ một số đối tượng khi doanh nghiệp phát hành cổ phần lần đầu và có niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Mặc dù pháp luật về cổ phần hóa DNNN không cấm thâu tóm cổ phần nhưng không có nghĩa mọi hành vi thâu tóm đều đúng luật. Bản chất nằm ở phương pháp thâu tóm, có chính đáng hay không?

Nếu một cổ đông có được lượng cổ phần cực kỳ lớn nhưng bằng con đường công khai, minh bạch, bằng năng lực bản thân và khả năng kinh tế thật sự thì việc thâu tóm này hoàn toàn được chấp nhận và đáng học hỏi. Tuy nhiên nếu hành vi thâu tóm được triển khai trên một loạt thủ thuật, thủ đoạn không chính đáng như: lách kẽ hở của pháp luật, dùng quyền lực gây sức ép hoặc mua chuộc các cổ đông khác phải chuyển nhượng cổ phần (trái ý muốn, không tự nguyện)…thì rõ ràng đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Khoản 4 Điều 3 Luật Canh tranh 2004).

 TS. kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với Phóng viên Pháp lý
TS. kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Trong doanh nghiệp cổ phần hóa, người lao động là bộ phận dễ bị gây sức ép hoặc mua chuộc để bán lại cổ phần nhất. Người lao động với ưu thế là một bộ phận đông đảo được pháp luật cho phép mua cổ phần với giá bán bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất. Quy định này rất dễ tạo điều kiện cho việc lãnh đạo hay người thân của lãnh đạo doanh nghiệp đứng đằng sau “âm thầm” thu gom lại cổ phần từ người lao động (bằng cách gây sức ép, mua chuộc…). Như vậy, một chính sách phúc lợi cho người lao động lại có nguy cơ giúp chuyển lợi ích sang nhóm khác.

“Thâu tóm mà trái với đạo đức kinh doanh sẽ bị quy về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và sẽ bị xử lý theo Nghị định số 120/2005 Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh” – TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Rõ ràng, nếu không có cách nhìn bao quát và liên kết giữa các văn bản pháp luật, sẽ không hiểu được bản chất pháp lý của hành vi thâu tóm và không tránh khỏi việc chỉ nhìn nhận hành vi thâu tóm ở góc độ đạo đức kinh doanh.

Theo ông Phong, việc không quy phạm hóa hành vi thâu tóm cổ phần là một “lỗ hổng” của pháp luật. Tuy nhiên, cần quy định để kiểm soát chứ không thể ngăn chặn. Bởi gia tăng cổ phần trong doanh nghiệp là quyền làm giàu chính đáng của mỗi người.

Vậy làm sao để kiểm soát được hành vi thâu tóm cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp mà không vi phạm quyền làm giàu của các cổ đông? “ Bằng cách liệt kê các hành vi thâu tóm cổ phần bị cấm, kết hợp quy định giới hạn tỉ lệ cổ phần được phép mua đối với nhà đầu tư trong nước!” – TS. Nguyễn Minh Phong hiến kế.

Cần lý giải thêm, thâu tóm cổ phần doanh nghiệp chính là một cấp độ nhỏ của thâu tóm doanh nghiệp khi M&A, Luật Doanh nghiệp 2014 đã đưa ra các mức trần đề giới hạn quá trình M&A. Chẳng hạn như: cấm các trường hợp hợp nhất, sáp nhập mà theo đó công ty hợp nhất, sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan…Vậy, chẳng có lý gì khi chúng ta không cho cái “cấp độ nhỏ” này một mức giới hạn phù hợp.

Ông Phong lo ngại nếu không làm ngay những việc trên, thì nguy cơ thâu tóm cổ phần bất chính, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến độc quyền kinh tế và phục vụ lợi ích nhóm sẽ còn xảy ra.

Đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc công khai, minh bạch

Công khai, minh bạch khi cổ phần hóa DNNN là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng, nếu được đảm bảo xuyên suốt quá trình cổ phần hóa sẽ tránh được hiện tượng “thâu tóm không chính đáng”, làm thất thoát vốn nhà nước, phục vụ lợi ích nhóm… Đồng thời sẽ giúp cho việc cổ phần hóa được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực cả về kinh tế lẫn năng lực quản lý, điều hành.

Muốn thu hút nhiều nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư chiến lược, thì cách thức quan trọng và hiệu quả nhất là niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. Pháp luật hiện hành cũng quy định điều đó, tuy nhiên lại theo hướng: chỉ doanh nghiệp nào có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán mới phải niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Nếu “nhóm lợi ích” nào đó không muốn thu hút nhà đầu tư bên ngoài để phục vụ ý đồ riêng của mình thì sao? Đương nhiên là họ sẽ tìm cách “lách” quy định này. Bằng cách “hợp pháp hóa” báo cáo tài chính, “đi đêm” với tổ chức định giá để hạ giá trị thực của doanh nghiệp xuống thật thấp. Như vậy vừa không phải niêm yết công khai, vừa dễ bề thâu tóm được nhiều cổ phần vì doanh nghiệp được định giá càng thấp thì giá trị mỗi cổ phần càng bị hạ xuống. Nếu đấu giá công khai trên Sàn chứng khoán, sẽ rất khó “gom” được lượng cổ phiếu “khủng”, bởi vì đấu giá sẽ giúp cho giá trị của cổ phiếu tăng lên rất nhiều so với mức khởi điểm.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Mặc dù pháp luật về cổ phần hóa DNNN không cấm thâu tóm cổ phần nhưng không có nghĩa mọi hành vi thâu tóm đều đúng luật. Bản chất nằm ở phương pháp thâu tóm, có chính đáng hay không?

Nếu một cổ đông có được lượng cổ phần cực kỳ lớn nhưng bằng con đường công khai, minh bạch, bằng năng lực bản thân và khả năng kinh tế thật sự thì việc thâu tóm này hoàn toàn được chấp nhận và đáng học hỏi. Tuy nhiên nếu hành vi thâu tóm được triển khai trên một loạt thủ thuật, thủ đoạn không chính đáng như: lách kẽ hở của pháp luật, dùng quyền lực gây sức ép hoặc mua chuộc các cổ đông khác phải chuyển nhượng cổ phần (trái ý muốn, không tự nguyện)…thì rõ ràng đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Khoản 4 Điều 3 Luật Canh tranh 2004).

Không công khai, minh bạch, không thu hút các nhà đầu tư bên ngoài sẽ làm cho quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm trễ. Bằng cách này một cá nhân lãnh đạo là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể kéo dài vị trí của mình. Từ đó sử dụng quyền lực “cấp tốc” thu gom cổ phần cho bản thân và gia đình, sau đó chờ thời cơ thích hợp bổ nhiệm người nhà vào những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp. “Điều này có thể thấy được qua cơ cấu nhân sự của không ít các doanh nghiệp đang hoặc sau cổ phần hóa” – TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.

Từ thực tế đó, ông Phong đề xuất: Một là không nên có giới hạn tài chính nào trong việc niêm yết các doanh nghiệp cổ phần hóa trên Sàn chứng khoán. Hai là phải có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ quá trình cổ phần hóa DNNN, như thành lập hẳn một Ban kiểm tra, giám sát. Pháp luật hiện hành thể hiện rất rõ lỗ hổng này khi chỉ quy định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, nhưng lại bỏ trống một Ban kiểm tra, giám sát riêng biệt.

Ba là, về vấn đề chế tài xử lý vi phạm: Hiện nay, các vi phạm về cổ phần hóa DNNN được quy định lẻ tẻ tại các văn bản liên quan, ví dụ như Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này. Cách quy định rải rác như vậy không thể hiện được tính nghiêm khắc của pháp luật và quyết tâm của Nhà nước trong xử lý vi phạm về cổ phần hóa DNNN. Do đó, bên cạnh việc tăng mức độ nghiêm khắc của các chế tài xử lý lên gấp nhiều lần, cũng cần phải quy định tập trung trong văn bản pháp luật riêng biệt về cổ phần hóa DNNN.

Nếu thực hiện được những điều chỉnh trên, nguyên tắc công khai, minh bạch trong cổ phần hóa DNNN mới có thể được đảm bảo, góp phần kiểm soát được việc thâu tóm cổ phần, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân, biến doanh nghiệp nhà nước thành công ty gia đình một cách bất hợp pháp.

Xử lý như thế nào nếu lãnh đạo sai – “không chịu thoái vốn” trong quá khứ?

Quay lại với vụ việc tài sản gia đình Thứ trưởng Kim Thoa, thời gian đầu lên làm Thứ trưởng, bà Kim Thoa được giao phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công thương, đây là đơn vị quản lý trực tiếp DQC. Có ý kiến cho rằng nếu đối chiếu với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, thì có căn cứ để khẳng định bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm pháp luật, mà cụ thể là vi phạm Điều 37 của Luật:

“Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”; “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: Ở đây có hai cái sai, cái sai thứ nhất thuộc về Bộ Công thương đã bổ nhiệm bà Thoa vào vị trí đó mà “không chịu” biết đến Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005. Cái sai thứ hai là về phía bà Thoa, cũng “không chịu” làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần của mình sang cho người khác.

“Mặt khác, cần điều tra làm rõ quá trình bà Thoa phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ, có sử dụng quyền của mình để can thiệp tạo lợi ích cho DQC hay không? Từ đó mới có biện pháp xử lý chính đáng”, ông Phong cho biết thêm.

Kết mở

Bản chất của các DNNN là hoạt động trong những ngành nghề có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Do đó, doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn cần và phải đảm bảo cho sự hoạt động và phát triển bền vững. Ưu điểm của công ty cổ phần chính là sự phân phối cả về lợi ích lẫn rủi ro cho các cổ đông thật sự có năng lực điều hành và tiềm năng kinh tế. Do đó, nếu cổ phần hóa DNNN thành tư nhân hóa hay “gia đình hóa” thì lợi ích dễ tập trung còn rủi ro lại khó phân phối. Nguy cơ tác động xấu đến kết cấu kinh tế, lũng đoạn kinh tế có thể xảy ra.

Từ những phân tích rất xác đáng và sâu sắc nêu trên của TS. Nguyễn Minh Phong, mong rằng các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý cần khẩn trương vào cuộc, làm rõ và có những sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cần thiết để chặn tiêu cực, tham nhũng trong cổ phần hóa DNNN hiện nay.

Phân tích và đề xuất của TS. Nguyễn Minh Phong:

Muốn thu hút nhiều nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư chiến lược, thì cách thức quan trọng và hiệu quả nhất là niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. Pháp luật hiện hành cũng quy định điều đó, tuy nhiên lại theo hướng: chỉ doanh nghiệp nào có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán mới phải niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Nếu “nhóm lợi ích” nào đó không muốn thu hút nhà đầu tư bên ngoài để phục vụ ý đồ riêng của mình thì sao? Đương nhiên là họ sẽ tìm cách “lách” quy định này. Bằng cách “hợp pháp hóa” báo cáo tài chính, “đi đêm” với tổ chức định giá để hạ giá trị thực của doanh nghiệp xuống thật thấp. Như vậy vừa không phải niêm yết công khai, vừa dễ bề thâu tóm được nhiều cổ phần vì doanh nghiệp được định giá càng thấp thì giá trị mỗi cổ phần càng bị hạ xuống. Nếu đấu giá công khai trên Sàn chứng khoán, sẽ rất khó “gom” được lượng cổ phiếu “khủng”, bởi vì đấu giá sẽ giúp cho giá trị của cổ phiếu tăng lên rất nhiều so với mức khởi điểm.


Văn phòng Trung ương Đảng ngày 16/2 có công văn nêu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan đến vấn đề nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tin liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Kim Thoa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự Đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Tuệ Lâm

Bạn đang đọc bài viết "Những “khoảng trống” pháp lý về cổ phần hóa DNNN cần “bịt” sớm" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin