Vụ án nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 đã được đưa ra xét xử. Đây là vụ việc điển hình về những công chức giữ chức vụ thấp nhưng quyền hạn lớn, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vụ án đặt ra những vấn đề về chế độ trách nhiệm, về kiểm soát quyền lực của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong giai đoạn hiện nay.
Đối tượng chủ mưu Nguyễn Thị Kim Anh được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Phòng phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng vào tháng 3/2019 và chuyến đi đến Vĩnh Phúc là chuyến công tác đầu tiên của người này trên cương vị mới. Ngay từ lần đầu được “ra sân”, Kim Anh đã quyết định “chơi lớn”, làm đến cùng để có tiền. Trong thời gian rất ngắn từ cuối tháng 5/2019 đến ngày 12/6/2019, đối tượng này đã cùng đồng phạm tận dụng tối đa vị trí công tác, thời gian thanh tra để công khai dọa dẫm, vòi tiền của rất nhiều đơn vị và cá nhân. Cơ quan điều tra đã chứng minh, bốn cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng gồm Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Kim Liên, Đặng Hải Anh và Nguyễn Thị Thùy Linh đã cưỡng đoạt số tiền lên đến hơn 2,15 tỷ đồng của 54 doanh nghiệp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản do UBND các xã, thị trấn huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư.
Hành vi vi phạm pháp luật của nhóm công chức được các cơ quan điều tra làm rõ, cụ thể là tổ chức thanh tra không đúng đối tượng, lẽ ra phải thanh tra cấp huyện song lại tự ý thanh tra cấp xã, ở tất cả 29 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường. Thu, nhận tài liệu không lập biên bản. Biên bản làm việc ghi yêu cầu thu hồi số tiền sai phạm hoặc đình chỉ hoạt động với mục đích đe dọa, trong khi biên bản dự thảo lại ghi quản lý theo tài liệu mật. Sau khi các đơn vị nộp tiền thì Đoàn công tác xé bỏ biên bản. Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên không có thẩm quyền yêu cầu thu hồi tiền nhưng lại ghi trong biên bản là yêu cầu thu hồi tiền. Các đối tượng không kiểm tra thực tế tại hiện trường thi công mà chỉ dựa vào hồ sơ thi công, hồ sơ thanh quyết toán rồi áp đặt ý chủ quan của cá nhân để kiến nghị giảm trừ về khối lượng, đơn giá, biện pháp và giải pháp thi công với số tiền lớn. Chúng nêu các lỗi vi phạm về điều kiện năng lực của đơn vị thi công, từ đó kiến nghị đình chỉ hoạt động xây dựng đối với doanh nghiệp từ 3 - 12 tháng, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu thu hồi số tiền vi phạm hoặc yêu cầu loại khi quyết toán đối với công trình chưa quyết toán… Chúng không chấp nhận cho các nhà thầu giải trình về các lỗi vi phạm. Kim Anh và Hải Anh nói với chủ đầu tư, doanh nghiệp là muốn được giảm nhẹ hoặc bỏ lỗi vi phạm trong dự thảo biên bản làm việc thì phải đưa tiền cho Đoàn thanh tra. Khi trao đổi, Kim Anh và Hải Anh viết ra giấy hoặc đánh số tiền phải nộp trên máy tính cá nhân cho họ xem, sau đó xóa đi, rất ít khi nói ra bằng lời để tránh việc ghi âm.
Kim Anh đã gặp, bàn bạc riêng với từng người (Hải Anh, Thùy Linh), thống nhất việc thu tiền và ăn chia số tiền thu được của các đơn vị bị kiểm tra. Quá trình thanh tra, Hải Anh yêu cầu nhà thầu phải nộp số tiền từ 1 - 5% giá trị xây lắp, thi công tùy theo giá trị hợp đồng. Đối với các đơn vị do Thùy Linh kiểm tra phát hiện lỗi vi phạm, Kim Anh trực tiếp yêu cầu họ phải nộp số tiền theo tỷ lệ 5% trên giá trị hợp đồng đối với nhà thầu tư vấn; 0,15% đối với các nhà thầu thi công; sau đó tính toán rồi chia cho Thùy Linh 1/3 tổng số tiền thu được. Đối với các đơn vị do Kim Anh kiểm tra về điều kiện năng lực, đối tượng này tự đặt ra mức thu là 5% với các nhà thầu tư vấn; 0,15% đối với các nhà thầu thi công. Kim Anh tự quyết định hưởng 1/2 tổng số tiền thu được, còn 1/2 dùng để chi phí chung cho Đoàn thanh tra, nhưng không nói cho các thành viên khác trong Đoàn thanh tra biết.
Mặc dù kiểm tra chưa xong, nhưng do thời gian Đoàn thanh tra làm việc sắp kết thúc nên Hải Anh đã báo cáo và thống nhất với Kim Anh làm được đến đâu thì mời đơn vị thi công lên giải trình đến đó. Khi làm việc với anh Đỗ Ngọc Yên, đại diện Công ty Đức Trung vào ngày 11/6/2019, Hải Anh không nghe giải trình mà nói: “Thôi thế này cho nhanh nhé” và đánh số “240” trên máy tính cá nhân, quay sang nói với anh Yên: “Anh làm 06 công trình bên chú”, ý nói anh Yên phải nộp 240 triệu đồng. Anh Yên không đồng ý, giải trình với Hải Anh thì Hải Anh nói: “Các ông không cãi lại được với tôi đâu”, đồng thời đánh số “210” vào máy tính, ý nói anh Yên phải nộp 210 triệu. Anh Yên nói phải về báo cáo Công ty thì Hải Anh hẹn sáng ngày 12/6/2019 lên làm việc và nói Đoàn thanh tra sắp về Hà Nội, nếu không nộp tiền nhanh thì xuống Hà Nội mà giải trình.
Trước đó, doanh nghiệp này đã phải nộp một khoản tiền nên họ rất bức xúc và đã làm đơn tố cáo với Cơ quan công an. Tương tự, khi làm việc với anh Trần Văn Hiệp, đại diện công ty Hải Thành, Hải Anh gõ vào bảng excel trên máy tính là con số “80”, ý nói anh Hiệp phải nộp 80 triệu đồng, anh Hiệp không đồng ý, nói sao đòi cao thế, Hải Anh lại đánh số “70”, rồi “60”, anh Hiệp không đồng ý nói “vẫn nhiều quá”, Hải Anh đánh số “50” và nói: “Thế này là tạo điều kiện lắm rồi”, ý nói anh Hiệp phải nộp 50 triệu đồng.
Mấy ngày sau không thấy anh Hiệp đến, Hải Anh gọi điện cho thoại cho kế toán xã Yên Lập nhờ thông báo cho anh Hiệp đến làm việc để đòi bằng được số tiền 50 triệu đồng. Đối tượng Nguyễn Thị Kim Anh trực tiếp kiểm tra rất nhiều hồ sơ và thu tiền từ các doanh nghiệp. Việc kiểm tra rất qua quýt, thậm chí không thèm kiểm tra. Khi kiểm tra công trình Trường tiểu học Phú Thịnh, Kim Anh chỉ đứng từ xa quan sát, kết thúc kiểm tra cũng không lập biên bản. Sau đó, Kim Anh nói với chị Lê Thị Liên, kế toán xã Phú Thịnh: “Nếu muốn bỏ qua, giảm nhẹ lỗi vi phạm của các nhà thầu thì phải nộp tiền cho Đoàn thanh tra theo tỷ lệ 5% giá trị hợp đồng đối với nhà thầu tư vấn; 0,15% đối với nhà thầu xây lắp phần hồ sơ năng lực”.
Một trường hợp khác, Kim Anh chiếm đoạt 50 triệu đồng của anh Mai Xuân Nghệ, Giám đốc Công ty Thanh Trúc cũng sử dụng “công thức nộp tiền”. Sáng ngày 11/6/2019, anh Nghệ nộp phong bì cho Kim Anh và nói: “Công ty em chỉ có 50 triệu đồng thôi mong chị xem xét giúp đỡ”. Kim Anh mở máy tính cá nhân, sau đó lấy giấy bút viết lên tờ giấy số “75” rồi khoanh tròn. Anh Nghệ trình bày hoàn cảnh công ty khó khăn thì Kim Anh viết số “65” rồi khoanh tròn. Anh Nghệ nài nỉ: “Công ty chỉ có 50 triệu đồng thôi, chị cầm giúp”. Kim Anh mới đồng ý nhận và nói: “Ừ được thôi em về đi”. Nhiều cuộc ngã giá thương lượng diễn ra theo cách như thế và phần thắng luôn thuộc về các thành viên Đoàn thanh tra. Tổng số 54 nhà thầu với vài trăm hợp đồng xây dựng đã bị “làm tiền” một cách trắng trợn và vô cùng uất ức.
Vào lúc 15h ngày 12/6/2019, tại phòng làm việc ở tầng hai, dãy nhà hai tầng của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Tường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt quả tang Đặng Hải Anh đang nhận 90 triệu đồng của một đại diện doanh nghiệp. Cùng thời điểm trên, tại phòng làm việc tầng ba trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, lực lượng công an bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Anh nhận 68 triệu đồng từ một nhân viên kế toán xã. Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Kim Anh, Hải Anh tại UBND huyện Vĩnh Tường, Cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ thêm số tiền 484,2 triệu đồng, máy tính cá nhân và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Nguyễn Thị Kim Anh và đồng bọn đã bị trừng trị theo quy định của pháp luật(1). Thượng tá Nguyễn Đỗ Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, người trực tiếp điều tra vụ việc cho biết, quá trình bắt quả tang hành vi cưỡng đoạt của nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng rất kỳ công. Sau khi nhận thông tin tố cáo từ đơn thư hữu danh và nặc danh, cùng phản ánh dư luận về hoạt động của Đoàn thanh tra, Cơ quan công an nhận thấy nhóm này đang thu tiền rầm rộ vì thời gian thanh tra sắp hết. Các đối tượng thậm chí không đủ thời gian xem hết mấy trăm tập hồ sơ, chúng chỉ đọc lướt và nêu ra các sai phạm giống nhau. Ban giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc trực tiếp chỉ đạo vụ án với tinh thần khẩn trương, tuyệt đối giữ bí mật, không đánh động đối tượng, nhờ đó đã bắt quả tang các đối tượng đang nhận tiền.
Qua điều tra cho thấy, số tiền các đối tượng cưỡng đoạt chưa kịp chia cho những người khác ngoài Đoàn thanh tra. Kim Anh đã có thời gian làm Phó phòng Tiếp công dân trước khi chuyển sang làm Phó trưởng Phòng phòng, chống tham nhũng, đã tham gia một số chuyến công tác với tư cách là thành viên các đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng. Phải chăng thời gian này Kim Anh đã tích lũy được kinh nghiệm, thủ đoạn và “kỹ năng moi tiền” để áp dụng triệt để ở vị trí công tác mới? Thượng tá Nguyễn Đỗ Hùng cho biết, ban đầu Kim Anh không nhận tội, nhưng sau đó tỏ ra thành khẩn và hợp tác trong điều tra. Ngoài việc chiếm đoạt tiền trực tiếp của đại diện các doanh nghiệp và thông qua kế toán các xã, thị trấn, Kim Anh khai còn trực tiếp thu tiền của sáu người đại diện doanh nghiệp khác, nhưng những người có tên trên và chủ các doanh nghiệp đều không thừa nhận việc nộp số tiền cho Kim Anh như Kim Anh đã khai, do đó không đủ cơ sở xác định Kim Anh đã chiếm đoạt tiền của những đơn vị, cá nhân này.
Vụ việc cho thấy, các đối tượng sử dụng “chiêu thức” tinh vi để moi tiền doanh nghiệp. Chúng vòi tiền thông qua cán bộ kế toán các xã, đòi chia theo tỷ lệ phần trăm. Kim Anh từng nói với ông Trần Hanh, kế toán xã Tân Tiến: “Đoàn thanh tra không làm việc với các nhà thầu tư vấn, chỉ làm việc với UBND xã, muốn giải trình sau này về Bộ Xây dựng giải trình, nếu không nộp tiền, Đoàn thanh tra sẽ xử lý các nhà thầu và xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư”. Nhóm cán bộ thanh tra thúc ép cán bộ xã phải thu tiền cho chúng bằng mọi giá. Do quá bức xúc, một số cán bộ kế toán xã và doanh nghiệp đã tố cáo hành vi vi phạm của Đoàn thanh tra.
Điều đáng suy ngẫm ở đây là Kim Anh và đồng phạm có trình độ, hiểu biết pháp luật, chỉ vì động cơ vụ lợi, những người này đã bất chấp pháp luật tổ chức thanh tra tràn lan, yêu cầu các đơn vị thu hồi số tiền trái quy định pháp luật, uy hiếp, cưỡng ép các đơn vị bị thanh tra phải nộp tiền để bỏ qua vi phạm hoặc không bị yêu cầu thu tiền, quy định mức tiền phải nộp và tỷ lệ ăn chia… Hành vi của nhóm đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng, do vậy cần phải xử lý bằng bản án thật nghiêm khắc. Trong vụ án này, người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là ông Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, của Thanh tra Bộ Xây dựng. Người này không biết Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra công trình, dự án nào, chưa yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra gửi văn bản, hồ sơ liên quan đến hoạt động thanh tra; chưa báo cáo định kỳ theo kế hoạch giám sát cho người ra quyết định thanh tra và không có hồ sơ, tài liệu về Đoàn thanh tra lưu vào hồ sơ giám sát. Thanh tra Bộ Xây dựng đã đưa ra quy định nhiệm vụ giám sát: “Người giám sát phải làm việc trực tiếp với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra ít nhất 2 lần/đoàn vào khoảng giữa và trước khi kết thúc thanh tra”. Tuy nhiên, trong vụ việc này người giám sát hoàn toàn bị bịt mắt. Việc bố trí nhân sự giám sát theo kiểu “cơm chấm cơm”, sử dụng người cùng cơ quan (Thanh tra Bộ Xây dựng) giám sát nhau không trái với Luật Thanh tra, song không đem lại một chút hiệu quả nào. Đó là một nguyên nhân dẫn đến những công chức cấp thấp như Kim Anh tha hồ làm mưa làm gió, mặc sức vi phạm mà không có ai nhắc nhở, răn đe.
Ngày 01/9/2021, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên án đối với 4 bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản theo điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo bản án của Tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh bị tuyên phạt 15 năm tù giam; bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thời hạn 5 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. Bị cáo Đặng Hải Anh bị xử phạt 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên bị xử phạt 3 năm tù giam; đồng thời, bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thời hạn 3 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. Bị cáo Nguyễn Thùy Linh bị xử phạt 2 năm 3 tháng tù giam. Hội đồng xét xử cũng tuyên bố tịch thu toàn bộ số tiền liên quan đến việc thực hiện tội phạm.
Hội đồng xét xử nhận định việc các doanh nghiệp dùng tiền để xin bỏ qua lỗi vi phạm là không đúng, pháp luật không cho phép sử dụng tiền để giải quyết cho nên việc đưa tiền là không phù hợp quy định của pháp luật. Khi các doanh nghiệp bị các thành viên Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng uy hiếp thì lẽ ra phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vụ việc này để lại bài học đắt giá về công tác giám sát hoạt động của thanh tra chuyên ngành. Do đó, thời gian tới, cần bổ sung quy định pháp luật về chỉ định một cơ quan độc lập giám sát hoạt động thanh tra kể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuộc thanh tra. Bên cạnh đó, HĐND, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện thanh tra nhân dân cần tham gia giám sát các hoạt động thanh tra chuyên ngành để bảo đảm khách quan, công tâm, phòng ngừa tham nhũng.
Trong thực tiễn, có không ít doanh nghiệp muốn được thanh tra, kiểm toán, kiểm tra để khép lại hồ sơ. Nếu thanh tra xác định chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát không có vi phạm, mà thực tế là có vi phạm, hồ sơ chứng từ sẽ được hợp thức hóa, các cơ quan thanh tra sau đó không cần thanh tra nữa. Không ít trường hợp Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, thanh tra chuyên ngành công bố kết luận là không có vi phạm, nhưng Cơ quan điều tra phát hiện ra vi phạm, khởi tố vụ án, truy tố bị can thì các cơ quan thanh tra liên quan có phải chịu trách nhiệm pháp luật không, pháp luật về thanh tra cần quy định cụ thể nội dung này. Pháp luật thanh tra cũng phải xác định rõ hơn trường hợp nào thì nhắc nhở, hướng dẫn; trường hợp nào phải xử phạt. Vì trong thực tiễn các đoàn thanh tra ít khi áp dụng biện pháp nhắc nhở, chủ yếu dùng hình thức xử phạt.
Về xử lý cán bộ vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc đồng thời với lực lượng Công an, kịp thời xử lý về Đảng đối với một số cán bộ lãnh đạo của Thanh tra Bộ Xây dựng. Dư luận cho rằng, những người chịu trách nhiệm về công tác cán bộ của Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm pháp lý thích đáng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng phụ trách công tác thanh tra phải từ chức ngay, hoặc bị buộc phải từ chức.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Trong vụ việc này, nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều đơn vị, tổ chức với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi của nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng gây mất lòng tin của nhân dân đối với ngành thanh tra, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh PCTN. Bản án nghiêm minh của Tòa án là bài học cảnh tỉnh đối với những cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người được Nhà nước trao quyền nhưng lại lợi dụng quyền hạn, vị trí công tác để nhũng nhiễu, trục lợi, vi phạm pháp luật.
Theo noichinh.vn