Ngày 25/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đưa chính sách BHYT sát với thực tế khám chữa bệnh
Sau quá trình xây dựng công phu, xin ý kiến rộng rãi các bên liên quan, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Nghị định này có một số điểm mới như: Bổ sung một số đối tượng tham gia; quy định tham gia theo hộ gia đình; không bắt buộc tham gia cùng thời điểm; quy định chi tiết hồ sơ, điều kiện, nội dung và mẫu hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho cơ sở y tế khám chữa bệnh thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí khám chữa bệnh; bổ sung quy định mới về công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Thông qua các đợt kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế nhận thấy có nhiều vướng mắc, tranh luận giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm y tế các cấp trong quá trình giám định, thanh toán bảo hiểm y tế như: Giao trần, giao quỹ, vi phạm chứng chỉ hành nghề, cơ cấu và giá dịch vụ y tế… Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là các bên chưa hiểu đúng, đầy đủ về văn bản hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm và hướng dẫn của Bộ Y tế, gây ra tranh luận kéo dài giữa các bên. Hội nghị lần này là dịp để các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm hiểu thống nhất một số quy định trong các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị: Các đại biểu tập trung thảo luận kỹ, lãm rõ các vướng mắc, giải pháp thực hiện. Lãnh đạo các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế, từ việc sử dụng thuốc, vật tư, chỉ định xét nghiệm, thường xuyên nắm thông tin về tình hình sử dụng quỹ để điều hành hợp lý. Cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp thường xuyên phối hợp, làm việc với các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh, chia sẻ thông tin kịp thời về tình hình sử dụng quỹ, giao và cấp kinh phí đầy đủ, giám định chính xác, nhanh, không để chậm, treo quyết toán kéo dài ảnh hưởng đến cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi về một số vướng mắc, giải pháp thực hiện về hợp đồng khám chữa bệnh; tạm ứng, thanh quyết toán; giao dự toán, nội dung, quy trình, thẩm quyền giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế; cung cấp, trao đổi, sử dụng dữ liệu điện tử.
Quá trình thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Luật Bảo hiểm y tế được ban hành năm 2008, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi ban hành năm 2015. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cũng ban hành nhiều văn bản quy định về đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, danh mục tỷ lệ, thanh toán vật tư, thuốc, dịch vụ, kỹ thuật… Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Việt Nam đến nay ước đạt 87% dân số. Tỷ lệ đóng góp quỹ Bảo hiểm y tế trong tổng chi y tế tăng qua các năm, góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực thi chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập…
Những quy định mới về mức đóng BHYT
Cụ thể, mức đóng BHYT hằng tháng được quy định như sau: Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
- Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác.
Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: Từ ngày 1/12/2018, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau:
Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Nghị quyết 125 của Chính phủ về về cải cách chính sách BHXH: Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về bảo hiểm y tế quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng nêu trên thì được hưởng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí quy định tại điểm a khoản 3 Điều 35 của Luật bảo hiểm y tế (nếu có) xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu.
Thành Chung