Điều đặc biệt là bốn trên năm cuốn sách dưới đây đều được viết dựa trên câu chuyện có thật về gia đình của chính các tác giả.
Bố con cá gai - Jo Chang In
Được xuất bản năm 2000 nhưng cuốn sách Bố con cá gai vẫn là một trong những câu chuyện cảm động nhất về tình cha con lấy đi nước mắt của hơn hai triệu người dân Hàn Quốc.
Nhân vật chính trong cuốn sách là Jeong Ho Yeon, vốn là một nhà thơ trẻ đầy triển vọng nhưng phải từ bỏ nghiệp văn chương để nuôi gia đình và chăm sóc người con nhỏ bị bệnh máu trắng. Sau bao gian khổ, khi người con đã được cứu sống thì anh lại phải từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư gan hành hạ.
Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã tạo một tiếng vang lớn trong nền văn học Hàn Quốc và ngay lập tức được chuyển thể thành bộ phim truyền hình nổi tiếng Daddy Fish.
Bố con cá gai được Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc, đến nay đã bán được hơn hai triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Một chỗ trong đời - Annie Ernaux
Một chỗ trong đời là câu chuyện về cuộc đời người cha nhưng dưới ngòi bút của một cô con gái, qua lối viết giản dị, mộc mạc nhưng cũng vô cùng tự nhiên. Người cha ấy từ nông dân trở thành công nhân, và sau cùng là chủ một tiệm cà phê kiêm cửa hàng tạp phẩm.
Ông làm việc cật lực, luôn chú ý đến cách nói của mình trước đám đông để rũ bỏ bản chất nông dân trong mình mà bước vào thế giới tri thức, tiểu tư sản. Nhưng ông không bao giờ được thế giới mới ấy công nhận, và khoảng cách giữa cha và con gái ngày càng xa cách.
Annie Ernaux viết những mẩu chuyện vụn vặt về cha mình bằng lời lẽ lạnh lùng và hờ hững nhất. Nhưng có lẽ điều đó phản ánh đúng bản chất của cha cô, người luôn tự hào rằng dù mình có thô kệch quê mùa nhưng đã nuôi dạy con gái mình thành công.
Tác phẩm Một chỗ trong đời được trao giải thưởng văn học thường niên của Pháp Renaudot năm 1984.
Nhật ký bố béo - Jim Gaffigan
Có một ông bố luôn phải đau đầu làm thế nào để bố trí giường ngủ cho năm đứa trẻ trong một căn hộ có hai phòng ngủ, hay vật lộn với những đứa nhóc mỗi khi đến giờ ăn.
Qua lời kể hóm hỉnh, Nhật ký bố béo hé lộ về chính đời sống gia đình của diễn viên hài Jim Gaffigan, rất sinh động, gần gũi và đáng yêu.
Đôi khi tác giả Gaffigan có những nhận xét vô cùng thú vị qua cách nhìn của một ông bố. Đối với “bố béo”, nhà trẻ và quán rượu chính là nơi “đều có những kẻ la hét ầm ĩ và có những người không biết đi bô”.
Đây cũng giống như một cuốn nhật ký lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất Jim muốn dành tặng cho bố mình, cũng như thay lời cám ơn tới người vợ hết mực tài năng của mình.
Ba ơi, mình đi đâu? - Jean - Louis Fournier
Chăm sóc hai đứa trẻ tật nguyền vừa là gánh nặng đối với nhà văn kiêm diễn viên truyền hình người Pháp Jean - Louis Fournier vừa là nỗi đau khôn xiết của một người làm cha. Đằng sau những câu chữ chua chát và tàn nhẫn là tình thương yêu vô bờ bến của người cha dành cho hai con trai tội nghiệp.
Ba ơi, mình đi đâu? không chỉ đơn thuần là lặp lại câu nói vu vơ hàng ngày của đứa con nhỏ mà còn là thông điệp vĩ đại, dù con có là ai thì cha vẫn sẽ luôn ở bên con mãi mãi.
Ba ơi, mình đi đâu? được trao giải Femina năm 2008 cho “một cuốn sách hướng con người đến cái thiện” và đứng vững trong bảng xếp hạng best-selling suốt nhiều tuần liên tiếp.
Hãy cười lên các con - Frank Bunker Gilbreth Jr. và Ernestine Gilbreth Carey
Cuốn sách Hãy cười lên các con dựa trên câu chuyện có thật của một gia đình người Mỹ do chính hai trong số mười hai người con kể lại. Cha của Frank và Ernestine là một nhà khoa học luôn đi tiên phong trong việc cải thiện chất lượng lao động và nghiên cứu hiệu năng.
Ông luôn muốn các con tự biết chăm sóc cho bản thân mình và các em nhỏ hơn, đứa lớn chăm đứa bé, và phải luôn tận dụng thời gian cũng như sức lao động. Kèm theo những mẩu chuyện cảm động là nhiều tình huống dở khóc dở cười mỗi khi gia đình đông con này đi nghỉ mát hay tổ chức các sự kiện tập thể.
Hãy cười lên các con là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim Hollywood khi nhiều bộ phim nổi tiếng được xây dựng dựa trên tác phẩm này, điển hình nhất như Nhà có một tá con và hai phần đầu của series Ở nhà một mình.
Theo Zing