Nhiều dự án công sản bị chuyển nhượng: Làm rõ...đúng, sai

Trước hết phải làm rõ làm sao Vũ "nhôm" có được các dự án công sản đó? Việc chuyển nhượng đó là đúng hay sai?...

Bộ Công an đang điều tra 9 dự án và 31 nhà đất công sản liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ "Vũ nhôm". Thanh tra Chính phủ xác định các dự án được giảm 10% tiền sử dụng đất là sai phạm.

Trong số các dự án trên, hiện có dự án đất, nhà công sản đã được chuyển nhượng sang tên cho người khác, có dự án bị chuyển đổi công năng, cho thuê lại và cũng có dự án Đà Nẵng đang thương lượng để lấy lại...

 Vũ "nhôm" và những dự án đình đám tại Đà Nẵng. Ảnh: TTO
Vũ "nhôm" và những dự án đình đám tại Đà Nẵng. Ảnh: TTO)

Vấn đề cộng đồng và xã hội quan tâm là sẽ phải xử lý với những dự án, nhà công sản này như thế nào? Quyền lợi của các bên giải quyết ra sao để vừa đảm bảo được nguyên vẹn tài sản của nhà nước nhưng vẫn không khiến những người tham gia bị thua thiệt?

Nhìn vào vụ việc, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành chỉ ra mấy vấn đề.

Vấn đề đầu tiên, theo ông Đực, không chỉ nhìn vào việc giảm 10% tiền sử dụng đất, đây là số tiền rất nhỏ so với những nguy cơ thất thoát rất lớn từ các thương vụ mua bán, sang, nhượng đất công thành đất tư.

"Nguy cơ này tôi từng nói rất nhiều lần, đó là nguy cơ Nhà nước sẽ bị thất thoát, bị thua thiệt từ 2-5 lần khi thực hiện việc mua, bán đất công sản mà không theo cơ chế đấu giá công khai, tự chỉ định nhà đầu tư. Đây là kẽ hở và cũng là nguy cơ sai phạm rất lớn.

Vụ chuyển nhượng đất giữa Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Tp.HCM) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đang gây tranh cãi gần đây là vì lý do này.

Dư luận rất bức xúc, vì doanh nghiệp này đã được chuyển nhượng hơn 30ha đất công sản tại huyện Nhà Bè, mà nhiều người đã nói đây là thương vụ "vàng" bán với "giá bèo".

Chưa nói tới việc định giá chuyển nhượng như thế là cao hay thấp, đúng hay sai nhưng rõ ràng, cái sai lớn nhất ở đây là việc chuyển nhượng trái phép đất công sản cho tư nhân. Và nguy cơ thất thoát lớn cũng chính là ở chỗ này.

Tương tự, trong vụ Vũ "nhôm" cũng vậy, trước hết phải làm rõ việc chuyển nhượng đồng loạt hàng chục dự án, vài chục nhà công sản cho Vũ "nhôm" là đúng hay sai? Vũ "nhôm" có được các dự án đất công sản này bằng cách thức nào? Có thông qua đấu giá hay không?", ông Đực chỉ rõ.

Theo ông Đực sau khi xác định được việc chuyển nhượng mấy chục dự án đất công sản trên có vi phạm pháp luật không, các cơ quan điều tra sẽ phải tiếp tục đi tìm đúng sai trong từng thương vụ mua bán cụ thể.

"Phải tìm hiểu rõ cách thức mua bán của từng thương vụ giữa Vũ "nhôm" với các đối tác diễn ra như thế nào? Có dấu hiệu móc ngoặc, bắt tay, cấu kết, bán đất công sai luật để cùng nhau trục lợi hay không...? Việc này cơ quan Công an sẽ phải điều tra và làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm thì phải đưa ra truy tố trước pháp luật", ông Đực nói tiếp.

Về quyền lợi của những người tham gia mua, thuê lại các dự án của Vũ "nhôm", Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cũng cho rằng sẽ dựa trên kết luận điều tra của cơ quan Công an.

"Rất khó đưa ra được lời giải chung cho cả mấy chục dự án công sản đã bị bán, chuyển nhượng, sang tên cho người khác. Chỉ sau khi điều tra từng thương vụ, cơ quan Công an sẽ xác định được lỗi thuộc về bên bán hay bên mua, hay có lỗi ở cả hai... Trên cơ sở đó sẽ xác định phương án xử lý với từng dự án cụ thể", vị Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho biết.

Cuối cùng, nếu xác định được việc mua, bán, chuyển nhượng tại các dự án công sản trên là sai phạm thì giải pháp xử lý đối với những dự án này nên được thực hiện như thế nào?

Ông Đực cho biết, các hình thức bán chỉ định đất công, đổi đất lấy hạ tầng (BT), đổi đất thu tiền của BT trả cho dân... đều là những hình thức có nguy cơ tham nhũng, trục lợi rất lớn. Có dự án gây thất thoát tới cho ngân sách nhà nước tới vài chục, vài trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.

Ông Đực cho rằng, những hình thức trên đều phải chấm dứt ngay.

"Trở lại trường hợp những dự án công sản liên quan tới Vũ "nhôm", chúng ta cũng không thể chấp nhận những hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã được thực hiện nếu đó là những hợp đồng vi phạm pháp luật.

Cũng giống như vụ việc giữa Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, khi đã xác định có sai phạm bắt buộc phải hủy hợp đồng, ai sai người đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, kể cả việc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có", ông Đực nói.

Ông Đực nhấn mạnh, việc chấp nhận các hợp đồng chuyển nhượng bất hợp pháp và cho phép các bên thực hiện khắc phục hậu quả là đi lại sai lầm cũ, là nguy cơ gây thất thoát kinh khủng cho ngân sách. Do đó, dự án sai phải thu hồi và xử lý theo đúng pháp luật.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin