Nhận thế chấp bất động sản khủng, ngân hàng đối mặt áp lực nợ xấu lớn

08/04/2022 08:17

Mặc dù chuộng tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các ngân hàng có khối tài sản bất động sản thế chấp lớn phải đối diện với khoảng trống pháp lý và cả áp lực về tỉ lệ nợ xấu trong tương lai.

Tài sản nhiều, sức ép lớn

Mới đây, Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) đang tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá gần 1.100 tỉ đồng. Khối tài sản trên thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Bao gồm quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II và quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.

Chi nhánh ngân hàng ở nhiều địa phương khác cũng rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ như: BIDV Thừa Thiên - Huế phát mại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 1.100 m2 nằm tại đường Hùng Vương (TP. Huế) với giá khởi điểm hơn 99 tỉ đồng. Đây là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thanh Trang. Đầu năm BIDV cũng thông báo bán đầu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần thứ 10 và ngừng giảm giá so với lần 9.

1-1649380609.jpg

Agribank nhiều khả năng vẫn là ngân hàng có nhiều tài sản thế chấp là bất động sản nhất.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) rao bán lô đất 1.900 m2 có địa chỉ tại số 20 Trần Cao Vân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Đây là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới. 

Vietinbank Khu công nghiệp Bình Dương cũng đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền trên thửa đất rộng hơn 7.400 m2 tại đường Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Lục Kim Quân, giá khởi điểm được đưa ra là 230 tỉ đồng.

Thực tế, lượng bất động sản thế chấp tại 26 ngân hàng (chưa bao gồm Agribank) đã tăng 18% trong năm 2021 lên hơn 9,6 triệu tỷ đồng, chiếm 60% trong tổng tài sản thế chấp.

Agribank chưa công bố số liệu cuối năm 2021 nhưng nhiều khả năng vẫn là ngân hàng có nhiều tài sản thế chấp là bất động sản nhất. Trước đó, cuối năm 2020, số tài sản thế chấp bằng bất động sản tại ngân hàng này đã đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với những ngân hàng còn lại.

Tiếp theo là BIDV với số bất động sản thế chấp được định giá hơn 1,53 triệu tỷ đồng cuối năm 2021, tăng 18% so với năm 2020. Ngoài ra, 2 ngân hàng có TSBĐ bất động sản trên 1 triệu tỷ đồng là VietinBank (1,49 triệu tỷ), Vietcombank (1,16 triệu tỷ),…Tỷ trọng bất động sản trong các tài sản thế chấp của những ngân hàng trên thường ở mức 65-70%. 

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, ACB, Sacombank, Techcombank, VPBank, MB dẫn đầu về lượng tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Trong đó, ACB và Sacombank ưa chuộng bất động sản nhất khi loại hình tài sản bảo đảm này chiếm tỷ trọng đến 94% và 86%.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác có tỷ trọng tài sản bảo đảm bất động sản trên 80% như Eximbank (85%), VietABank (86%), Saigonbank (92%),…và xấp xỉ 80% như VietBank (76%), VietCapitalBank (78%).

Qua hàng loạt rao bán cho thấy, dù "cầm đằng chuôi" khi nhận tài sản thế chấp là bất động sản, thậm chí là nhiều bất động sản khủng, các nhà băng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu.

Đặc biệt những lô đất, dự án bất động sản lớn vướng vào tranh chấp pháp lý, liên quan đến vụ án hình sự, việc thanh lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục mới có thể bán được thành công. 

Nhanh chóng xử lý tài sản bất động sản để thu hồi nợ xấu

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời có tác dụng rất tích cực, số nợ xấu nhờ Nghị quyết 42 mà xử lý được là khoảng 380 nghìn tỷ đồng. Số lượng vốn rất lớn này được giải phóng, quay vòng tái tạo đầu tư cho nền kinh tế; việc xử lý các tài sản "đóng băng" cũng rất tích cực. Điều này có lợi ích với cả xã hội, ngành ngân hàng và nền kinh tế.

11-1649380609.jpeg

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

“Theo quy định sau 5 năm Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu hiệu lực. Chúng tôi thấy rằng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt cần có một đạo luật liên quan tới xử lý nợ xấu nói chung chứ không chỉ liên quan tới xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có báo cáo Chính phủ, báo cáo các cấp, Bộ Chính trị, Quốc hội để có thể nghiên cứu ban hành một đạo luật về xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này cũng cần có thời gian nghiên cứu khảo sát đánh giá. Trong khi đó, nếu không kéo dài Nghị quyết 42, việc xử lý một số khoản nợ xấu sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Đào Minh Tú thông tin thêm.

Chia sẻ với báo chí, TS Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) cho biết, xử lý nợ xấu thông qua việc rao bán tài sản đảm bảo là một biện pháp buộc phải làm trong thời điểm hiện nay, khi mà các ngân hàng cũng đang chịu nhiều sức ép. Đó là việc có thể 

Theo các chuyên gia, rao bán hay đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm tối ưu mà các ngân hàng thường lựa chọn để thu hồi nợ nhưng cũng là hoạt động khó khăn nhất. Để xử lý nợ xấu, thời gian tới các ngân hàng cần kiểm soát lại hoạt động cho vay với tàn sản thế chấp là bất động sản, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/nhan-the-chap-bat-dong-san-khung-ngan-hang-doi-mat-ap-luc-no-xau-lon.html

Bạn đang đọc bài viết "Nhận thế chấp bất động sản khủng, ngân hàng đối mặt áp lực nợ xấu lớn" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin