Nhận diện những vi phạm pháp luật trong cổ phần hoá DNNN qua các vụ án, vụ việc nổi cộm gần đây.

23/11/2021 14:19

(Pháp lý) - Nhiều hành vi vi phạm pháp luật làm thất thoát vốn nhà nước trong quá trình cổ hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được các cơ quan chức năng chỉ ra trong quá trình thanh, kiểm tra và cả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến cổ phần hoá DNNN. Có những điểm chung  trong hầu hết các vụ, việc  thường liên quan đến công tác thẩm định giá sai giá trị thực tế, xác định sai giá trị doanh nghiệp, tạo rào cản hạn chế nhà đầu tư… khiến giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thấp hơn nhiều lần giá trị thực tế , hoặc ngược lại cao hơn nhiều giá trị thực của DN…Hậu quả là nhiều vụ việc cổ phẩn hóa khiến tài sản nhà nước bị thất thoát hoặc rơi vào tư nhân….

61-1628321851.jpg

Cần thu hồi lại tài sản cho nhà nước và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng việc CPH DNNN để trục lợi

Định giá thấp giá trị doanh nghiệp, bỏ ngoài giá trị doanh nghiệp nhiều tài sản trái quy định

Về nguyên tắc cổ phần hoá là cần tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình và cả tài sản vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như: giá trị lợi thế quyền sử dụng đất, thương hiệu doanh nghiệp, lợi thế thương mại, bản quyền, uy tín, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền…

Tuy nhiên, thực tế từ các vụ sai phạm cho thấy, phần lớn đều mắc lỗi trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, như: không tính giá trị lợi thế quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, các giá trị tài sản vô hình bị bỏ qua… khiến giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thấp hơn nhiều lần gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình như trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco 1) và các đơn vị liên quan mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố hôm 2/8/2021 đã cho thấy rõ điều này. 

Theo đó, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, trong quá trình cổ phần hóa, Hội đồng thành viên Tổng công ty đã có hành vi bỏ ngoài giá trị doanh nghiệp một số tài sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cụ thể theo tìm hiểu, tháng 11/2019, UBKT Thành ủy Hà Nội thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Phạm Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa, người đại diện phần vốn nhà nước tại Cienco 1 vì có liên quan đến sai phạm của Ban cán sự đảng Bộ GTVT.

Ông Phạm Dũng có những vi phạm, khuyết điểm như tham mưu cho Bộ GTVT ban hành Quyết định số 3166 phê duyệt giá trị doanh nghiệp, trong đó xóa khoản nợ phải thu khó đòi số tiền 185 tỷ đồng nhưng không thực hiện xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ các khoản nợ phải thu, phải trả.

Ngoài ra, việc xác định giá trị quyền sử dụng 4 lô đất tại Long An, Tiền Giang, TP HCM và Pleiku bằng giá trị tạm tính, chưa sát với thực tế; phương án chưa được Bộ GTVT và Bộ Tài chính phê duyệt.

image002-1628321884.jpg

Các đối tượng Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai, Lê Văn Long (từ trái qua phải). (Ảnh: Bộ Công an)

Liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco 1) và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam, ông Phạm Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Cấn Hồng Lai, nguyên Tổng Giám đốc và Lê Văn Long, nguyên Kế toán trưởng. Cả 3 bị can cùng bị khởi tố, bắt giam về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Hay như trường hợp cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, thông báo Kết luận thanh tra số 989/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam; việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Nhựa y tế (Mediplast), Tổng công ty cổ phần Y tế (Danameco); việc sáp nhập Công ty cổ phần Nhựa y tế vào Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam cũng cho thấy,

Khi xác định giá trị doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần, Ban chỉ đạo cổ phần hóa không chỉ đạo, kiểm tra, xác định lại các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán phát sinh tăng hoặc giảm, so với giá đang hạch tóan trên sổ kế toán.

Cơ quan này cũng không báo cáo Bộ Y tế về giá trị tăng thêm của cổ phiếu Mediplast từ 25.200 đồng/cổ phiếu lên 29.484 đồng/cổ phiếu và không xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thực hiện chưa đúng quy định, phản ánh không chính xác giá trị doanh nghiệp.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến đó là vụ cổ hoá hãng phim truyện Việt Nam, một thương hiệu gần 60 năm, sở hữu hàng trăm bộ phim gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước nhưng đuợc định giá 0 đồng, hàng nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp; Hay sai phạm trong thẩm định, định giá cổ phần cảng Quy Nhơn… cũng cho thấy những bất cập trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đáng chú ý, quá trình kiểm toán, Kiển toán Nhà nước đã phát hiện ra nhiều trường hợp sai phạm. Theo đó, Phó tổng Kiển toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên từng cho biết, từ năm 2017 cho đến nay, quá trình CPH DN nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…

Tạo rào cản hạn chế nhà đầu tư 

Việc bán cổ phần lần đầu đối với các DNNN thực hiện cổ phần hoá trong thời gian qua được quy định cụ thể tại các Thông tư số 40/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trước đó là Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần và Thông tư số 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC. Mới đây nhất là Thông tư số 32/2021/TT-BTC vừa có hiệu lực từ 1/7/2021.

Theo đó,  căn cứ phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban chỉ đạo cổ phần hóa chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa triển khai phương án bán cổ phần lần đầu theo các phương thức: bán đấu giá công khai; thỏa thuận trực tiếp; bảo lãnh phát hành, đảm bảo phù hợp với cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần. 

Thông tư số 196/2011/TT-BTC và Thông tư số 40/2018/TT-BTC quy định, Phương thức bán đấu giá công khai được áp dụng trong trường hợp bán đấu giá ra công chúng;  Phương thức thoả thuận trực tiếp được áp dụng trong trường hợp bán cho các nhà đầu tư chiến lược trước hoặc sau khi bán đấu giá công khai...

Quy định mới nhất tại Thông tư số 32/2021/TT-BTC, phương thức bán đấu giá được áp dụng trong các trường hợp bán đấu giá công khai ra công chúng, bao gồm cả số lượng cổ phần người lao động , tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp từ chối mua và số cổ phần nhà đầu tư chiến lược không đăng ký mua hết số cổ phần chào bán theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt ; Bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư chiến lược đáp ứng tiêu chí lựa chọn thực hiện đăng ký mua cổ phần và tổng số cổ phần các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua lớn hơn số cổ phần dự kiến bản cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt . 

Phương thức thoả thuận trực tiếp được áp dụng trong trường hợp sau bán cho nhà đầu tư chiến lược trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần hoặc các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần với số lượng bằng hoặc nhỏ hơn số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt…

Theo quy định, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, tính chất ngành nghề kinh doanh và yêu cầu mở rộng phát triển doanh nghiệp, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược. Điều đáng nói việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền trong nhiều vụ việc cho thấy vẫn còn tình trạng chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Điều này dẫn đến tiêu cực tạo rào cản để hạn chế nhà đầu tư.

63-1628321934.jpg

Công ty IPC đã bổ sung thêm tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần không có cơ sở

Minh chứng điển hình nhất là trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco 1) và các đơn vị liên quan, ông Dũng đã tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải ban hành Văn bản số 15169 về thoái vốn, trong đó đưa ra các tiêu chí hạn chế nhà đầu tư, dẫn đến chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký để thực hiện bán thỏa thuận, không thực hiện bán đấu giá.

Hay như trong vụ cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, Cơ quan thanh tra đã chỉ ra rằng việc xây dựng, phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã không cụ thể điều kiện, tính chất ngành nghề kinh doanh cảng biển. Do đó, Công ty Hợp Thành đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển.

Đặc biệt trong vụ sai phạm cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV công nghiệp Tân Thuận (IPC), cơ quan chức năng cũng xác định, công ty IPC đã bổ sung thêm tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Công ty IPD là không có cơ sở, không phù hợp với Nghị định 59/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ (Kết luận số 14/KL-TTTP-P6, Thanh tra TP Hồ Chí Minh).

Lợi dụng tranh thủ CPH để thâu tóm đất 

Đáng nói, nhiều trường hợp cổ phần hóa chỉ nhằm vào đất đai, nơi nhiều doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn, nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành. Liên tục những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui vừa qua cho thấy những chiêu trò “hô biến” đất công thành đất tư là những minh chứng cụ thể cho điều này.

Theo đó, những doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng doanh nghiệp tư nhân để thành lập những doanh nghiệp liên doanh (pháp nhân mới) với vốn góp là những khu đất vàng được nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng. Đồng thời tận dụng chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đất công dần ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bằng con đường chuyển nhượng cổ phần lòng vòng về tay tư nhân.

image004-1628321978.jpg
Nhiều trường hợp cổ phần hóa chỉ nhắm vào đất đai

Điển hình như vụ 'biến mất' 4.500m2 đất công tại số 14 đường Phú Châu sau quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV dệt may Gia Định vào cuối năm 2015 vừa được Thanh tra TP.HCM đã chuyển cơ quan công an làm rõ hồi tháng 1/2021.

Theo đó, khu đất trên được UBND TP HCM xác lập quyền sở hữu nhà nước cho Công ty TNHH MTV dệt may Gia Định vào năm 2007. Năm 2015, UBND TP.HCM phê duyệt khu đất trên là tài sản cố định cho Công ty TNHH MTV dệt may Gia Định làm cơ sở giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa với yêu cầu: phải quản lý sử dụng đúng mục đích, phải ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…

Sau khi cổ phần hóa (vào cuối năm 2015), Công ty TNHH MTV dệt may Gia Định trở thành công ty cổ phần Dệt may Gia Định. Lúc này cổ đông nhà nước chỉ còn giữ 49% vốn điều lệ, 51% còn lại được bán cho cổ đông bên ngoài.

Tuy nhiên, đến tháng 8-2016, khi lãnh đạo mới của Công ty cổ phần dệt may Gia Định bắt tay vận hành doanh nghiệp, kiểm tra lại "tài sản" thực thì phát hiện tài sản là khu đất tại số 14 đường Phú Châu lại đang thuộc… Công ty cổ phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Gia Định quản lý, sử dụng.

Hay, trong vụ Sabeco, bằng chiêu trò thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân sau đó lợi dụng chủ trương cổ phần hoá, thoái vốn của Chính phủ, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) đã rơi Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh - doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất này…

Những trường hợp trên chỉ là cái tên mới nhất nối dài danh sách các vụ, việc sai phạm trong cổ phần hóa liên quan đến đất đai.

Biện pháp nào để ngăn chặn?

Thiết nghĩ, chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là một chủ chương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nếu không quản lý, giám sát chặt quá trình cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ rất dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nuớc 

Do đó, để ngăn chặn các hành vi sai phạm trong quá trình cổ phần hoá DNNN, hạn chế thất thoát, cần tăng tính minh bạch thông qua việc công khai quá trình mua bán cổ phần. 

Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn, hội đồng giám sát quá trình định giá DNNN và cổ phần hoá cần có sự tham gia của các cơ quan tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia độc lập để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời thanh tra và Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc để giám sát quá trình cổ phần hoá.

Đặc biệt, phải xác định trách nhiệm cá nhân trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, cần khẩn trương rà soát, khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến cổ phần hoá, thoái vốn DNNN; các quy định trong thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất… bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Xuân Trường
 

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện những vi phạm pháp luật trong cổ phần hoá DNNN qua các vụ án, vụ việc nổi cộm gần đây." tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin