Nhà báo điều tra: Gian nan hành trình dấn thân vì công lý

26/06/2018 15:20

(Pháp lý) - Báo chí điều tra chống tiêu cực, ở một khía cạnh nào đó cũng là cách mà báo chí phản ánh việc thực thi pháp luật trong cuộc sống, đưa pháp luật vào cuộc sống. Điều tra là một công việc đầy hiểm nguy đối với các Nhà báo khi phải đi nhiều nơi để xâm nhập thực tế, đến những điểm nóng để thu thập thông tin, tư liệu, tiếp cận sự kiện, nhân vật “đặc biệt” và thường xuyên đối diện với những “đòn trả thù” từ đối tượng... Phía sau mỗi tác phẩm báo chí điều tra được đăng tải là cả một hành trình gian nan, hành trình dấn thân vì công lý của các nhà báo. Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Pháp lý có cuộc trò chuyện với những vị lãnh đạo cơ quan báo chí, những Nhà báo về chuyện nghề, về kỷ niệm vui buồn khi dấn thân điều tra.

Nhà báo Trịnh Ngọc Hoàn – Tổng Biên tập Tạp chí Giao thông vận tải: Nhà báo chân chính phải biết đấu tranh với cái xấu và tiêu cực

Tạp chí Giao thông Vận tải thời gian qua “nổi tiếng” bởi quyết định của Tổng Biên tập Trịnh Ngọc Hoàn và Ban Biên tập Tạp chí này khi đồng ý để nhà báo Dương Hằng Nga (Trưởng Văn phòng đại diện khu vực miền Trung, Tây Nguyên) viết loạt bài phản ánh những sai phạm của Công ty NoVa Bắc Nam 79 tại Đà Nẵng do Vũ “nhôm” đứng đầu. (Vũ “nhôm” hiện nay đã bị bắt).

Trong câu chuyện cởi mở với chúng tôi, Nhà báo Trịnh Ngọc Hoàn chia sẻ: Năm 2017, trong sự bình lặng vốn có của thành phố đáng sống nhất cả nước, Đà Nẵng như có “sóng ngầm”, đáng chú ý là “sóng ngầm” ở dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước. Dự án này đã được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội từ năm 2015, tuy nhiên sau đó đã bị “chìm xuồng”. Được nhân dân gửi gắm, cung cấp thông tin, Nhà báo Dương Hằng Nga đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập để vào cuộc điều tra và viết loạt bài báo phản ánh những dấu hiệu bất thường, dấu hiệu vi phạm pháp luật của Dự án.

Ở góc độ trực tiếp, Dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông bởi vì toàn bộ vật liệu xây dựng cho dự án đã bị xử phạt trong quá trình khai thác cát tại Cửa Hội. Chính sự khai thác không tuân thủ quy luật dòng chảy đã làm sai lệch luồng lạch gây mất an toàn trong giao thông đường thủy. Hơn nữa, Khu đô thị Quốc tế Đa Phước nằm ở vị trí chiến lược ảnh hưởng tới an toàn hàng không và an toàn hàng hải. Sau loạt hai bài về những nội dung liên quan trực tiếp đến ngành giao thông vận tải, nhiều cơ quan, đơn vị và nhân dân Đà Nẵng tin tưởng gửi gắm, chia sẻ nhiều thông tin tới Tòa soạn về những “mờ ám” xung quanh Dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước. Nhà báo Dương Hằng Nga tiếp tục dấn thân khai thác nhiều “góc khuất” của Dự án.

 Tổng Biên tập Tạp chí Giao thông Vận tải Trịnh Ngọc Hoàn chia sẻ với  Phóng viên Pháp lý
Tổng Biên tập Tạp chí Giao thông Vận tải Trịnh Ngọc Hoàn chia sẻ với Phóng viên Pháp lý)

Ngay sau khi hai bài báo đầu tiên được đăng tải, phía Công ty NoVa Bắc Nam 79 do ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ Nhôm) khi đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên đã gửi đơn đến nhiều các cơ quan chức năng phản ánh việc Tạp chí Giao thông Vận tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Công ty và cá nhân ông Vũ.

Tiếp nhận ý kiến phản ánh của Công ty, cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan chức năng sau đó đã có những buổi làm việc với Tạp chí Giao thông Vận tải nhằm làm rõ nội dung các bài báo. Kiên quyết bảo vệ lập trường, bảo vệ các chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ việc, Ban Biên tập Tạp chí Giao thông Vận tải đã giải trình đầy đủ với các cơ quan chức năng về những thông tin “lùm xùm” xung quanh Dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty NoVa Bắc Nam 79 là chủ đầu tư ảnh hưởng đến môi trường, an ninh - an toàn hàng hải và hàng không. Cũng thời điểm này, Tòa án Nhân dân quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng đã ba lần đứng ra hòa giải giữa hai bên, tuy nhiên chỉ có một lần phía Công ty có cử người đến nhưng lại không phải người chính thức của Công ty. Sau đó, tòa đã quyết định đình chỉ vụ việc.

Bằng nhiều biện pháp tích cực, Ban Biên tập sau đó đã gửi công văn đề nghị Hội Nhà báo lên tiếng bảo vệ Nhà báo Hằng Nga. Mặt khác, Tòa soạn kiên quyết bảo vệ thông tin, chứng cứ tài liệụ và không gỡ bài viết đã đăng tải trên Tạp chí Giao thông Vận tải điện tử. Vụ việc này đã gây không ít khó khăn cho Tạp chí Giao thông Vận tải mà còn gây “khó khăn” trực tiếp cho nữ Nhà báo chống tiêu cực, phanh phui những góc khuất ở các dự án của “Khu đô thị Quốc tế Đa Phước”. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Nhà báo Dương Hằng Nga bị cơ quan chức năng Đà Nẵng ngăn cản xuất cảnh sang Myanmar tác nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ chăm sóc bố chồng ốm ở TP. HCM, chị Nga cũng bị gọi lên, gọi xuống, thậm chí điều tra viên đến cả phòng bệnh nhân để... “làm việc”, nhiều lần chị bị triệu tập đến Tòa rồi lại về không, vì nguyên đơn đứng tên khởi kiện chị “vắng mặt”. Tâm lý căng thẳng, áp lực đè nặng khi nhà báo phanh phui tiêu cực lại bị tố cáo ngược. Khi Nhà báo thực hiện nhiệm vụ được phân công theo chức năng báo chí, tức là thể hiện lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân thì lại bị công khai ngăn trở hoạt động chính đáng của nghề nghiệp cũng như cuộc sống riêng.

Liên quan đến vụ việc này, Hội Nhà báo Việt Nam sau khi kiểm chứng cũng đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ khi nhà báo Dương Hằng Nga khi bị cấm xuất cảnh. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam đã mời Chi hội trưởng Chi hội Tạp chí Giao thông Vận tải lên làm việc nhằm có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Nhà báo tác nghiệp.

Qua sự việc này, cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với những người làm báo chúng tôi. Nhân kỷ niệm ngày truyền thông của nghề báo, tôi muốn gửi đi một thông điệp chia sẻ cùng các đồng nghiệp rằng: Nhà báo chân chính phải biết đấu tranh với cái xấu và tiêu cực.

Nhà báo Nguyên Long – Ban Thời sự - Chính trị , Đài Tiếng nói VN: Nghề báo điều tra cần nắm chắc ba nguyên tắc tối thiểu

Trong chặng đường dài làm báo tôi đã gặp và có cơ hội tác nghiệp cùng khá nhiều đồng nghiệp nữ. Trong số đó, người tôi ấn tượng nhất là nữ Nhà báo Nguyên Long – Ban Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam. Dù chị đã ở cái tuổi ngoài 40 nhưng tôi biết chị là phóng viên thích “xung trận”. Khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, hầu như tỉnh nào chị cũng đặt chân đến và chị thường chọn những nơi núi cao, vùng sâu, vùng xa , thậm chí cả những nơi chưa có “điện lưới quốc gia” phủ sóng ...

Nhà báo Nguyên Long (phải) trao đổi cùng chuyên gia kinh tế trong một Hội thảo
Nhà báo Nguyên Long (phải) trao đổi cùng chuyên gia kinh tế trong một Hội thảo)

Chia sẻ về những công việc gian nan, vất vả từ kinh nghiệm viết bài điều tra, chống tiêu cực, chị cho biết về 3 nguyên tắc tối thiểu cần có: Một là biết 10 chỉ nói nhiều nhất tới ba; Hai là phải luôn biết mình đang làm gì và mình là ai; Ba là phải luôn biết rằng "đằng sau" ta là ai.

Lý giải về những nguyên tắc này, Nhà báo Nguyên Long tâm sự: Lý do đơn giản lắm, Thứ nhất, vì sao biết 10 chỉ nói tới 3 ? Bởi vì phải tìm hiểu, nghiên cứu, nắm kỹ vụ việc. Bằng mọi cách có được thật nhiều thông tin chính thống, thông tin gốc (làm điều tra phải chấp nhận dấn thân. Làm điều tra chỉ mất thêm tiền và tổn hao tới sức khỏe bản thân nhưng cái có được là thỏa mãn “đam mê”...). Chỉ nói tới 3 thôi, để đảm bảo rằng vẫn còn rất nhiều thông tin “đắt giá hơn” chưa được tung ra. Đó là vũ khí lớn nhất để bảo vệ chính mình, và cũng là vũ khí để dành cho phía “đằng sau” là ai mà mỗi nhà báo điều tra phải dành công sức, trí tuệ và sự dầy công trường kỳ tìm hiểu.

Từ kinh nghiệm khi viết loạt bài phóng sự điều tra về đại công trường ở HG, Nhà báo Nguyên Long đã từng nhận 01 công văn đóng dấu đỏ do CVP UBND tỉnh này gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu kỷ luật nhà báo Nguyên Long vì tội "vu khống, ăn tiền doanh nghiệp, làm ảnh hưởng uy tín địa phương và cá nhân các đ/c lãnh đạo tỉnh ... May mà có đủ hồ sơ chứng minh vì biết phòng thân "có 10 mới nói 3”, và tiếp tục đề xuất lãnh đạo viết tiếp để bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín cơ quan.

Thứ 2, vì sao phải biết mình là ai ? Vì không ít "nhà báo nhớn" vừa mới vào nghề đã thấy nổi trên mặt 4 từ "quyền lực thứ tư", đôi khi nhầm tưởng mình là quan tòa, tài phán, quy tội... Xin nhớ, mình chỉ là 1 tay cầm bút, cầm ghi âm, máy ảnh, máy quay để ghi lại sự việc đang và sẽ diễn ra. Không có chức năng khác, kiểu như "dàn dựng" hay "tua lại" những thông tin, dữ liệu đã trượt qua, tuột mất...Đơn giản, mình chỉ có chức năng tìm hiểu và thông tin, không là điều tra viên!

Chia sẻ kinh nghiệm sau khi thực hiện phóng sự điều tra về "quặng tặc" ở tỉnh X, vài lần nhận công văn khẩn của cơ quan chức năng yêu cầu "gặp gỡ, trao đổi thông tin", với rất nhiều câu hỏi đại loại như: "em đã điều tra được những gì... có văn bản đó không cung cấp cho anh...". Chỉ 1 câu duy nhất: "Em chỉ tìm hiểu, nắm bắt thông tin người dân phản ánh, thấy hiện tượng như thế nên thông tin thế. Điều tra là chức năng của các anh, rất mong được các anh vào cuộc điều tra, làm rõ...". Yếu tố hoạt ngôn để đối phó với các tình huống đối chất, thậm chí dọa dẫm là vô cùng cần thiết…)

Thứ 3, vì sao phải biết "đằng sau" ta là ai? Điều này đặc biệt quan trọng. Bởi, khi làm điều tra chống tiêu cực, đằng sau các loại "tặc" là 1 thế lực "vô hình" nhưng hết sức... thế lực (mafia có, ....sức mạnh của quyền, tiền,... của sự uy hiếp tính mạng). Vậy "đằng sau" ta là ai ? Trước hết, đó là cơ quan, tổ chức , đồng nghiệp và gia đình người thân ... Và, nếu bạn đang đấu tranh bảo vệ nhân dân, nhân dân sẽ ở sau bạn. Nhà báo điều tra nhất thiết phải có "đằng sau" để đối trọng với "đằng sau". Để "đằng sau" của bạn mạnh hơn, thì con số 7 còn lại của "có 10 mới nói 3" là thứ vũ khí lợi hại. Nó có thể làm công cụ "nếu thế này thì thế kia", thậm chí là sự đổi ngược tình thế kiểu "biến không thành có" (bất nhất), hay chí ít là sự chấp nhận "im lặng ngọt ngào".

Với tất cả những thứ "hậu thuẫn" đó, chỉ có sự thật, tôn trọng sự thật mới bảo vệ được mình và uy tín của tổ chức. Trong điều tra, "một nửa sự thật không còn là sự thật", và nhà báo luôn cẩn trọng không để "sai một ly đi vạn dặm"... Báo chí chỉ có chức năng thông tin, phản ánh sự thật!

Nhà báo Trần Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban đại diện báo Nông thôn ngày nay khu vực Bắc Miền Trung: Phản ánh “trúng” nguyện vọng của nhân dân- nhà báo không đơn độc

Sinh năm 1985 ở mảnh đất nghèo của tỉnh Nghệ An, những khó khăn của thời thơ ấu với gánh xôi của mẹ dường như đã khiến trái tim của nhà báo Trần Ngọc Thọ có sức đồng cảm sâu nặng với người nông dân. Những bài viết của anh chủ yếu thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng nhằm bảo vệ quyền lợi cho những nông dân, ngư dân… dễ bị chèn ép, tổn thương. Nông dân phải gồng mình “cõng” đủ thứ thuế, phí mà tiếng nói của họ chưa thực sự được coi trọng, tiếp thu. Nông dân còn nghèo, còn thiếu sự hỗ trợ để chống đỡ lại rủi ro của thiên tai, thị trường. Thế nhưng, đâu đó, còn những doanh nghiệp “bạch tuộc”, cá nhân, đơn vị thiếu lương tâm, sẵn sàng trục lợi trên lưng người nông dân, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người nông dân, ngang nhiên xây biệt phủ trên đất nông, lâm, nghiệp…

Nhà báo Trần Ngọc Thọ đạt giải B Báo chí Quốc gia năm 2016
Nhà báo Trần Ngọc Thọ đạt giải B Báo chí Quốc gia năm 2016)

Các vụ việc tiêu cực mà nhà báo Trần Ngọc Thọ và đồng nghiệp của mình “xới”lên ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Những bài báo được dày công điều tra, thu thập chứng cứ và được đánh đổi bằng sự hiểm nguy, đôi khi là tính mạng. Trong đó có những vụ việc anh và nhóm Phóng viên báo Dân Việt đã “nổ” phát súng đầu tiên, tuyên chiến với cái xấu, cái ác.

Khi thực hiện loạt phóng sự điều tra “Tàu 67 mắc cạn” – tác phẩm đạt giải B Báo chí quốc gia năm 2016 giành cho báo điện tử (không có giải A), nhà báo Trần Ngọc Thọ không thể quên hình ảnh ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bỏ biển một năm để toàn tâm lo hoàn thành thủ tục vay vốn ngân hàng, ôm 20 kg hồ sơ nhưng vẫn không thể vay được vốn đóng tàu vỏ thép theo chủ trương của Nghị định số 67/NĐ-CP. Hình ảnh ấy đã thôi thúc anh có mong muốn đeo đuổi đến tận cùng sự thật, muốn “vạch mặt” những hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu và gian lận hòng trục lợi trên lưng ngư dân một cách tinh vi và trắng trợn. Những lo lắng và hoàn cảnh khó khăn của những ngư dân đơn độc như anh Phạm Đạo ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, mong muốn chính đáng vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được nhà báo Trần Ngọc Thọ và đồng nghiệp tập hợp lại. Từ việc đồng cảm, đau xót trước tình cảnh khó khăn của ngư dân khi khó khăn tiếp cận chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, anh và đồng nghiệp đã tìm ra những “bóng đen” đã làm sai chủ trương, chính sách, đã đưa thép phục vụ xây dựng các công trình vào trà trộn làm thép đóng tàu, khiến tàu nhanh chóng bị hỏng hóc, gỉ sét, nguy hiểm cho tính mạng của ngư dân.

Sau khi loạt bài của báo Dân Việt phát hành, các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, VTV cùng vào cuộc phản ánh… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm trước những thông tin về loạt vỏ tàu thép trị giá hàng chục tỷ đồng đóng bằng thép nhưng mới ra khơi đã hỏng. Có thể nói, những người ngư dân đã vỡ òa hạnh phúc khi nỗi oan ức của họ được giải quyết kịp thời, trong đó nhờ công lớn của nhà báo Trần Ngọc Thọ và đồng nghiệp.

Đáng nói là, để bóc trần được những thủ đoạn bóc lột ngư dân tinh vi, nhà báo Trần Ngọc Thọ đã đối mặt với không ít nguy hiểm, không ít đe dọa và sự ngăn trở trên hành trình tiếp cận “sự thật”. Có vụ việc khác, hàng trăm số điện thoại “lạ” gọi cho anh và các phóng viên đang trực tiếp tác nghiệp, hù dọa, xưng danh thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, xin xỏ, mong bỏ qua, trong đó có cả các nhà báo. Khi đương đầu với tiêu cực, cái xấu, bản thân anh, gia đình, vợ con đều bị đe dọa… Nhưng Trần Ngọc Thọ vẫn chọn tiếp tục dấn thân như anh đã từng chọn nghề báo để trọn vẹn tâm nguyện được trở thành một con người sống có ý nghĩa, anh chọn nghề báo không vì hai chữ “kim tiền”.

Trên cương vị Phó Trưởng ban Đại diện báo Nông thôn ngày nay khu vực Bắc Miền Trung, anh đã được người dân tin tưởng, “trao” nhiều tin tức quý, là những tin tức bị bưng bít bởi nhiều thế lực ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. “Cứ để họ viết xem có làm được gì không” – đó là tin nhắn mà anh và đồng nghiệp nhận được khi thực hiện kỳ đầu tiên phóng sự “Công ty Trung Đô san bằng 32 ha đất rừng, xây nhà máy nghìn tỷ không phép”. Tự tin có “ô che không nhỏ”, Công ty này đã làm một việc động trời, ngang nhiên thách thức làm việc tổn hại đến lợi ích của nông dân, đó là một dự án mới được chấp thuận đầu tư về chủ trương chưa thỏa thuận với dân đã tự ý cho máy ủi, máy đào, máy xúc san bằng 32 ha đất trồng thông của nông dân. Những “bàn tay” giúp Công ty Trung Đô ngang nhiên vi phạm pháp luật là những câu hỏi để người đọc tự trả lời sau khi vụ việc được phát hiện ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mới đây.

Mới đây, Nhà báo Ngọc Thọ cùng đồng nghiệp cũng đã phanh phui lên án hành động tàn phá hang động thạch nhũ triệu năm trầm tích tuyệt đẹp, phá hoại một di sản thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho Thanh Hóa. Hay vụ việc đại úy công an huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) Phạm Văn Công “được anh em tạo điều kiện” để xây dựng biệt phủ 5.000m2 không phép, được “xử lý” hời hợt bởi chính quyền địa phương, bằng sự vào cuộc sắc sảo và dám “hỏi thật, hỏi thẳng” của nhà báo đã buộc chính quyền nơi đây phải dùng “mắt thường” để nhận rõ sai phạm, tiến đến đập bỏ, phá hủy biệt phủ trái phép.

Đa dạng về thông tin, uyển chuyển trong cách thể hiện, mỗi phóng sự điều tra chống tiêu cực, tham nhũng của nhà báo Trần Ngọc Thọ là những câu chuyện đậm sâu tính nhân văn và cá tính của một nhà báo dấn thân bất chấp khó khăn thử thách. Có những bài viết dù nói về một vụ việc nhức nhối nhưng khiến độc giả không khỏi bật cười bởi cách phóng viên “moi” thông tin từ nhà quản lý. Có cả những giọt nước mắt mặn mòi của người nông dân và niềm vui sướng của họ khi tìm lại được lẽ công bằng, niềm tin nhờ những bài báo của Trần Ngọc Thọ. Những bài báo của anh đã chứng minh vai trò tiên phong của báo chí, nhà báo trong cuộc đấu tranh với giặc nội xâm hết sức cam go, phức tạp. Anh còn mong muốn facebook của anh là tờ báo, là diễn đàn mà việc “like” và share của cộng đồng mạng sẽ giúp nhà báo không đơn độc trong hành trình loại trừ các xấu, cái ác, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Các giải thưởng Nhà báo Trần Ngọc Thọ đạt được:- Giải B Báo chí quốc gia thể loại Báo điện tử (không có giải A) với tác phẩm “Tàu 67 mắc cạn” năm 2016 .

- Giải C Giải báo chí Phòng,chống tham nhũng quốc gia (không có giải A).

- Giải A Giải Báo chí Toàn quốc về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

- Và nhiều giải thưởng khác

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực: Dặm dài gian nan

Tham nhũng, tiêu cực luôn gắn liền với quyền lực. Cho nên trong bất kỳ xã hội nào, một khi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hữu hiệu thì tham nhũng đương nhiên vẫn còn đất sống, còn tiếp tục hoành hành. Điều đó lý giải vì sao công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam những năm gần đây tuy đã mang lại nhiều kết quả khả quan làm nức lòng người dân, nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức tồn tại cần tháo gỡ.

Báo chí với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xét về mặt khách quan, cản ngại lớn nhất vẫn là tiếp cận, khai thác nguồn tin. Bởi trong hầu hết vụ việc liên quan, việc phát hiện, nắm bắt thông tin để đưa lên mặt báo thường do nguồn tin riêng của phóng viên hoặc tòa soạn chứ hiếm khi được cơ quan chức năng cung cấp. Trong khi đối tượng tham nhũng, tiêu cực lại thường nắm giữ chức vụ lãnh đạo “trăm mưu nghìn kế” để lẩn tránh báo chí. Mặc dù quyền tác nghiệp của báo chí và trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Luật Báo chí 1999 và Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, nhưng cho đến nay, chưa hề có quan chức nào bị xử lý kỷ luật vì “không cung cấp thông tin cho báo chí”. “Bận họp”, “xuống cơ sở” và “chuyền bóng” trách nhiệm phát ngôn cho người khác là những chiêu thường được áp dụng của các “công bộc” mỗi khi muốn tránh né báo chí. Đồng thời, việc cố tình diễn giải tùy tiện, sai lệch quy định pháp luật để phục vụ ý đồ riêng nhằm bưng bít thông tin cũng thường được áp dụng. Vì vậy “săn tìm” thông tin trong các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đôi lúc là một hành trình gian nan, đơn độc của Phóng viên/cơ quan báo chí, phải đối diện với không ít trở ngại, thậm chí nguy hiểm.

Một thách thức trở ngại lớn khác đối với báo chí trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đó là “sự im lặng đáng sợ”. Thực tế, không ít vụ việc sai phạm báo chí phát hiện, đưa thông tin công khai, chính xác, được dư luận quan tâm theo dõi nhưng rốt cuộc chỉ nhận được sự im lặng của đối tượng bị phản ánh và cơ quan thực thi pháp luật, sau đó dần bị “chìm xuồng”.

Phát biểu tại Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã có nhận định xác đáng: “Lâu nay chúng ta có hạn chế là cơ quan Nhà nước rất ít phát hiện tham nhũng. Báo chí phát hiện nhiều nhưng không xử lý được. Vì vậy, báo chí phát hiện rồi thì cơ quan Nhà nước phải làm sao xử lý được”.

Nắm giữ quyền lực và lượng lớn của cải vật chất bất minh, kẻ tham nhũng có khả năng biến hóa và sẽ không từ một thủ đoạn nào nhằm triệt hạ những nhà báo dũng cảm trực diện đấu tranh. Một tâm thế sáng, một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, không khuất phục trước cường quyền, không bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, luôn tỉnh táo, thận trọng khi tác nghiệp là những yếu tố không thể thiếu đối với người làm báo dấn thân đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ, lập trường kiên định, nhất quán của cơ quan chủ quản báo chí, không lùi bước, thỏa hiệp trước cái xấu, cái ác. Có như thế, báo chí mới có thể phát huy sức mạnh, thể hiện đầy đủ chức năng phản biện, định hướng dư luận, tích cực chống tham nhũng, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.

Thành Chung – Duy Thái

Bạn đang đọc bài viết "Nhà báo điều tra: Gian nan hành trình dấn thân vì công lý" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin