Nghiên cứu các vụ án tham nhũng thời gian gần đây đã được cơ quan điều tra chứng minh tội phạm “Đưa - Nhận hối lộ”, ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng thủ đoạn của tội phạm tham nhũng ngày một tinh vi, biến hoá khôn lường. Do đó, để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để hành vi đưa nhận hối lộ, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó giải pháp vô cùng quan trọng là quyết tâm phá án và sự liêm chính, mưu trí của lực lượng điều tra.
“Đưa - Nhận hối lộ” ngày một tinh vi, biến hoá khôn lường
Đưa - Nhận hối lộ là một dạng biểu hiện cụ thể của tham nhũng, hậu quả của nó rất nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ của các cơ quan công quyền.
Trước đây, việc xử lý được loại tội phạm này rất khó khăn, số đối tượng bị xử lý về tội danh này chưa nhiều, chỉ như phần nổi của tảng băng chìm, có nhiều vụ án tham nhũng lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu đưa nhận hối lộ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội danh khác. Cá biệt có những vụ chỉ khởi tố được người đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà không khởi tố được người nhận hối lộ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng các vụ án xử lý được các bị cáo về hành vi đưa nhận hối lộ ngày càng nhiều, cá biệt có những vụ đối tượng nhận hối lộ là lãnh đạo cấp cao (trong đó có những người mang quân hàm tướng, bộ trưởng, thứ trưởng...) với số tiền nhận hối lộ lên đến hàng chục tỉ đồng.
Điển hình như vụ “nâng khống kít xét nghiệm COVID-19 Việt Á” cơ quan chức năng đã khởi tố hàng chục cán bộ về tội “Nhận hối lộ”; Vụ án tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cơ quan chức năng đã khởi tố 7 bị can về tội "Nhận hối lộ" và 3 bị can về tội "Đưa hối lộ", trong đó có cả cán bộ mang hàm cục trưởng, thứ trưởng; đặc biệt, trong vụ án “”bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tai tại Cảnh sát Biển và Biên phòng, có đến 14 tướng lĩnh bị xử lý về tội “Nhận hối lộ”…
Nghiên cứu các vụ án này, chúng tôi nhận thấy hành vi đưa nhận hối lộ của các đối tượng ngày một biến hoá khôn lường bằng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi hòng che mắt các cơ quan chức năng, như:
1, Lập nhiều tài khoản, dòng tiền chuyển lòng vòng hòng xoá dấu vết.
Là một trong những thủ đoạn phổ biến được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi đưa nhận hối lộ trọng thời đại công nghệ phát triển như ngày nay. Chúng ta có thể thấy rõ nét nhất trong đại án Việt Á.
Theo đó, để trúng các gói thầu cung cấp vật tư, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống COVID-19 cho các cơ sở y tế, bệnh viện nhiều tỉnh thành, với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã chỉ đạo nhân viên công ty chi tới gần 800 tỷ đồng lại quả cho lãnh đạo các cơ sở y tế.
Điều đáng nói, việc chuyển tiền lại quả cho các cá nhân trong cơ sở y tế bằng thủ đoạn rất tinh vi. Cụ thể, sau khi các cơ sở y tế chuyển tiền mua kit test vào tài khoản chính của Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt chỉ đạo các đối tượng chuyển tiền lại quả qua tài khoản phụ của Công ty Việt Á, sau đó tiếp tục chuyển vào tài khoản cá nhân của em ruột Hồ Thị Thanh Thủy, vợ Phan Quốc Việt để chuyển cho các nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á.
Để tránh cho các quan chức bị phát hiện việc nhận tiền hối lộ, Phan Quốc Việt yêu cầu các nhân viên phụ trách vùng sau khi nhận được chuyển khoản sẽ rút tiền mặt rồi đưa cho các cá nhân trong cơ sở y tế công. Tiền lại quả đa số được quyết toán cá nhân, không đưa vào sổ sách kế toán theo dõi, kê khai, báo cáo thuế theo quy định. Cùng với đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh của các Công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á sử dụng 2 hệ thống phần mềm, sổ sách.
Bên cạnh đó, các đối tượng chủ động đối phó bằng việc sử dụng hệ thống quản trị mạng bảo mật rất cao, thành lập phòng IT với trên 10 chuyên gia để bảo mật thông tin, cũng như nhanh chóng xóa dữ liệu điện tử khi bị phát hiện, kiểm tra và bàn bạc, thống nhất khai báo nếu cơ quan điều tra triệu tập… gây nhiều khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu điện tử và điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
2, Chuyển tiền hối lộ thông qua các kênh riêng biệt.
Chiêu thức này được các đối tượng trong vụ án buôn lậu xăng dầu sử dụng rất tinh vi, mang tính khá chuyên sâu nghiệp vụ. Theo đó, các đối tượng hối lộ nhưng không gặp trực tiếp, mà quy định với nhau như là một điểm “hộp thư chết” và giao tiền bí mật. Một người đưa một cục tiền hằng tháng đến địa điểm bí mật để người khác đến nhận, hoặc chuyển tiền vào tài khoản thông nhau. Hoặc đưa những tài khoản thông nhau, ví dụ cho người này lập các tài khoản, ở bên cạnh gửi tiền là có tài khoản rút tiền ra, thủ đoạn rất tinh vi.
Cụ thể, để vận chuyển trót lọt hàng trăm triệu lít xăng dầu nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam, trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu và đồng phạm đã tìm cách mua chuộc các sĩ quan cảnh sát biển, bộ đội biên phòng trong đó có Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4) và Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) để giúp đỡ, bảo kê cho các tàu chở hàng lậu không bị kiểm tra, bắt giữ. Đổi lại, hàng tháng Hữu chi tiền hối lộ cho những người này.
Đáng nói, để đưa tiền hối hộ cho các đối tượng, Phan Thanh Hữu và các tướng lĩnh này bàn bạc và thống nhất nhờ Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu) hàng tháng chuyển cho của người thân của họ – như một kênh giao dịch riêng biệt.
Ngoài ra, Phan Hữu còn chỉ đạo cho Nguyễn Hữu Tứ liên hệ gặp Ngô Văn Thụy (cựu Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng Cục hải quan) để hối lộ. Ngoài việc đưa phong bì đựng tiền mặt cho Thuỵ, Tứ còn lập một tài khoản ngân hàng do Tứ đứng tên và chuyển tiền vào đó, sau đó Tứ đưa thẻ ATM tài khoản đồng thời cung cấp mật khẩu cho Thuỵ chủ động rút tiền.
3, Chuyển tiền hối lộ núp bóng những giao dịch dân sự, kinh tế.
Đây là một thủ đoạn không mới, được nhiều đối tượng sử dụng hòng che mắt cơ quan chức năng. Theo đó, trong vụ Việt Á, Phan Quốc Việt còn chỉ đạo chuyển khoản tiền lại quả cho các cá nhân từ tài khoản của em vợ mình đến số tài khoản theo chỉ định của các cá nhân trong cơ sở y tế đều ghi nội dung dưới dạng “thanh toán tiền mua hàng”, “nhờ thanh toán tiền mua hàng”.
Hay như trong vụ buôn lậu xăng dầu, Sau khi biết ông Phan Thanh Hữu bị bắt vào tháng 2/2021, nhóm cựu sĩ quan biên phòng bàn bạc thống nhất hợp thức hóa tiền hối lộ hàng tháng thành tiền trả nợ để đối phó cơ quan điều tra.
4, Những món quà tiền tỷ.
Điều này thấy rõ trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ của Phan Sào Nam và cá đồng phạm. Theo đó, trong quá trình bị điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; chi cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Khai với cơ quan điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… nhưng không nhận tiền. Do đó, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương…
Không thủ đoạn nào của tội phạm tham nhũng có thể qua mắt được lực lượng điều tra
Nếu như trước đây, hành vi “Đưa – Nhận hối lộ” chỉ đơn thuần là những giao dịch, trao đổi trực tiếp giữa kẻ đưa người nhận, thì nay thủ đoạn rất tinh vi, mang tính chuyên sâu nghiệp vụ, qua nhiều trung gian, hình thức đa đạng hơn rất nhiều… khiến cho công tác điều tra, truy vết tội phạm này vốn đã khó càng thêm khó.
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Nguyễn Văn Pha - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hòng che mắt cơ quan chức năng cũng là chuyện bình thường, đó thuộc về bản chất của tội phạm nhằm thích ứng, đối phó với tình hình. Một khi các thủ đoạn cũ bị các cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ có các thủ đoạn khác tinh vi hơn được các đối tượng nghiên cứu và vận dụng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu các lực lượng chức năng nêu cao bản lĩnh chiến đấu, quyết tâm phá án đến cùng, giữ gìn sự liêm chính thì không thủ đoạn nào của tội phạm có thể qua mắt họ được… Và phải khẳng định rằng sự liêm chính và mưu trí của lực lượng điều tra sẽ soi rọi mọi góc tối biến hóa khôn lường của tội phạm tham nhũng.
Ông Pha cũng chia sẻ thêm, pháp luật nước ta, nhất là Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, Chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán… về cơ bản đủ hành lang pháp lý để xử lý các tội phạm về tham nhũng nói chung, về các hành vi, đưa, nhận, môi giới hối lộ nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế trong hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng như pháp luật hình sự chưa quy định các hành vi làm giàu bất chính, hành vi tặng quà, nhận quà tặng không vì mục đích từ thiện… là tội phạm, phần nào gây khó khăn, cản trở nhất định cho việc xử lý các hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ.
“Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên nội luật hóa các hành vi làm giàu bất chính, hành vi tặng quà, nhận quà tặng không vì mục đích từ thiện… vấn đề này tôi được biết các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang nghiên cứu. Tôi cũng đồng tình về việc nếu pháp luật hình sự chưa quy định các hành vi nêu trên là tội phạm thì cũng gây những khó khăn, cản trở nhất định cho việc xử lý các hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ’’ – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.
Dù dành lời khen cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc lớn, đặc biệt phanh phui nhiều vụ nhận hối lộ lớn trong thời gian qua. Nhưng nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Nguyễn Văn Pha vẫn cho rằng với những vụ việc xảy ra quá lâu (như vụ buôn lậu xăng dầu) thì dường như các cơ quan còn làm hơi chậm. Việc một số sỹ quan cấp cao trong lực lượng cảnh sát biển, những người được giao canh gác, giữ gìn phên dậu của quốc gia trên biển mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như thế đã gây bất bình rất lớn trong nhân dân.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thực tiễn cho thấy, hành vi đưa hối lộ thường diễn ra kín đáo, bí mật, cả người đưa và người nhận hối lộ đều tìm cách che giấu, trốn tránh nên rất khó có người nhìn thấy, phát hiện để tố cáo, tố giác, xử lý. Để xử lý được hành vi nhận hối lộ thì rất cần lời khai của người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ. Nếu những người này không khai ra và cơ quan điều tra không thu thập thêm được các chứng cứ khác để chứng minh tội phạm thì hướng điều tra sẽ đi vào ngõ cụt.
Do đó, để nâng cao được việc phát hiện, xử lý hành vi đưa nhận hối lộ, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp:
1, Hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế bất cập trong hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng. Trong đó đặc biệt cần nghiên cứu bổ sung các quy định của BLHS về các hành vi làm giàu bất chính, hành vi tặng quà, nhận quà tặng không vì mục đích từ thiện… là tội phạm theo khuyến nghị của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên để làm cơ sở mở rộng việc việc xử lý các hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ.
2, Nghiên cứu ban hành chính sách đặc biệt, phù hợp nhằm khuyến khích người có hành vi phạm tội thành khẩn, hợp tác tích cực, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin liên quan cho các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, phá án.
3, Bồi dưỡng giáo dục trình độ nghiệp vụ và đạo đức để nâng cao đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ công tác trong các cơ quan tố tụng, đặc biệt đối với cơ quan điều tra, điều tra viên trong công tác điều tra phá án cần kiên quyết, bài bản, đúng quy định, nêu cao tinh thần "thượng tôn pháp luật", không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai;
4, Tăng cường các công tác quản lý kinh tế, quản lý hành chính có hiệu quả, trong đó phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, tăng cường cơ chế giám sát, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý để sao cho người có chức vụ quyền hạn muốn nhận hối lộ cũng không thể nhận và những người có liên quan muốn hối lộ cũng không thể hối lộ;
5. Và đặc biệt, cần tiếp tục duy trì quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực , tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng nói chung, hành vi đưa và nhận hối lộ nói riêng bằng những hình phạt nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, sao cho người có chức vụ quyền hạn không dám tham nhũng khi có cơ hội…