Nguyễn Ngọc Tư gieo những yêu thương vào tuổi thơ mộc mạc

13/08/2016 09:34

Từ những câu chuyện nhẹ nhàng, thủ thỉ như lời tâm sự của đứa bé con trước cuộc sống muôn màu, nhà văn đất Mũi đã gieo vào lòng người đọc nhiều vang âm trong trẻo.

Xa xóm Mũi là một trong số ít tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư viết cho thiếu nhi. 11 truyện ngắn trong cuốn sách là mười một mảng màu sống động của cuộc sống. Xen giữa những ồn ào, tấp nập của phố thị nườm nượp người xe; là tiếng nói cười rổn rảng của những xóm ấp nghèo luôn ấm áp, đượm tình người. Phảng phất, đâu đó là một ánh mắt buồn xa xăm đến nao lòng.

Nơi đất Mũi thân thương ấy có nụ cười giòn tan của cậu bé tinh nghịch, chiều chiều vẫn lẻn đi tắm sông cùng chúng bạn. Đau đáu với ánh mắt của chú bé bị bỏ rơi năm nào nơi công viên vắng lặng mơ về một gia đình. Và ta cũng chẳng thể quên được bát canh bầu nấu tép bạc ngọt lịm từ đầu lưỡi của nội. Món canh giản dị nhưng quyến luyến con người ta hơn tất thảy cao lương mỹ vị trên đời.

Dường như Nguyễn Ngọc Tư đã nâng niu những kỷ niệm ấu thơ của mình một cách rất cẩn thận để gói ghém vào con chữ. Chị “Tư Cà Mau” đã viết bằng cả tâm hồn của người miền Tây hồn hậu, chất phát. Trong những con chữ giản dị mà chan chứa tình người, bạn đọc nhỏ sẽ thấy cả một vùng sông nước mênh mang hiện ra trước mắt.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của người nghèo và những số phận bất hạnh. Dù viết cho thiếu nhi, tác giả vẫn muốn dành cho những đứa trẻ nghèo, những em bé kém may mắn một phép màu và rất nhiều hy vọng. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong truyện ngắn cảm động Xa xóm Mũi với nghị lực phi thường của Đức.

[caption id="attachment_146097" align="aligncenter" width="388"] Tập truyện ngắn Xa xóm Mũi của Nguyễn Ngọc Tư.
Tập truyện ngắn Xa xóm Mũi của Nguyễn Ngọc Tư.[/caption]

Cơn sốt bại liệt đã cướp đi của cậu đôi chân, nhưng không làm nao núng lòng ham học của cậu bé. Nhưng xóm Mũi không có trường cấp 2, lẽ nào Đức lại phải bỏ dở việc học? Thương đứa cháu hiếu học, ngoại đã bán cả chiếc xuồng be mười, “người bạn” mà ông gắn bó bao năm, để Đức có thể ra huyện đi học. Chẳng cần bà Tiên hay ông Bụt, phép màu đã đến với cậu bé từ tình thương bao la của ông ngoại. Một thứ phép màu giản dị mà ấm áp đượm tình thân.

Nhớ đến Nguyễn Ngọc Tư, người ta thường nhớ đến những chơi vơi trong Cánh đồng bất tận, những khắc khoải đến tội nghiệp của Sông, hay nỗi buồn miên man trong Đảo. Nhưng đọc Xa xóm Mũi, người đọc sẽ gặp một Nguyễn Ngọc Tư rất khác, trong trẻo và hồn nhiên với những nỗi buồn của con trẻ. Nhà văn như muốn gửi đến những độc giả nhí của mình một thông điệp tràn trề hy vọng rằng: cuộc sống có ra sao, hãy cứ mỉm cười và bước tiếp.

Một số truyện ngắn trong cuốn Xa xóm Mũi, được tác giả viết cách đây 20 năm. Thời đó, máy tính còn hiếm, điện thoại thông minh vẫn chưa ra đời, nhưng lối sống ồn ào, tấp nập của thành phố dường như đã khiến người ta dần xa rời những gì là thân thuộc. Trong những ngôi nhà kín cổng cao tường, chợt thấy bóng ngoại lầm lũi đợi con cháu tan trường, tan sở. Muốn nấu một món ăn bình dị để gợi nhớ về quê hương, nguồn cội nhưng chỉ nhận lại được những cái lắc đầu. Ta bỗng thấy sao mà thương đến thế!

Xa xóm Mũi là những trải nghiệm, những bài học yêu thương đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Còn với người lớn, chúng ta sẽ tìm thấy diều gì? Có thể gấp sách lại ai đó sẽ thấy thoáng giật mình bởi bản thân ta đã vô tâm quá đỗi

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Ngọc Tư gieo những yêu thương vào tuổi thơ mộc mạc" tại chuyên mục Sách hay. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin