Người lao động mất quyền lợi do doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài: Cần xử lý nghiêm theo qui định pháp luật hình sự

16/08/2021 11:00

(Pháp Lý). Theo số liệu thống kê, đến nay tổng số tiền chậm đóng BHXH trên cả nước là gần 12.000 tỷ đồng, trong đó nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên chiếm  92,12%. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng, chây ỳ, trốn đóng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chế độ, quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội. Cá biệt ngay ở TP. Hà Nội vẫn có doanh nghiệp chậm đóng, chây ỳ, nợ đọng tiền đóng BHXH lên đến 15 tỷ đồng. Có doanh nghiệp cũng được thanh tra, kiểm tra nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục chây ỳ kéo dài.

111-1628736154.jpg
NLĐ Cty CP Ô tô 1-5 tập trung, căng băng rôn, hô hào khẩu hiệu đòi quyền lợi bảo hiểm tại Cty ở Tổ 53, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

Doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, chế độ, quyền lợi NLĐ bị “bỏ ngỏ”

Tháng 7/2021, Tạp chí Pháp lý nhận được đơn "kêu cứu" của đại diện hơn 100 người lao động làm việc tại Công ty CP Ô tô 1-5 (địa chỉ tại tổ 53, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) phản ánh về việc "trong quá trình làm việc đến khi kết thúc hợp đồng lao động, công ty đã không thực hiện đúng các nghĩa vụ thanh toán lương, đóng các khoản BHXH cho người lao động" theo đúng các quy định của luật lao động, luật An toàn vệ sinh lao động và luật BHXH. 

Theo phản ánh từ người lao động, Cty cổ phần Ô tô 1-5 đã không tuân thủ quy định pháp luật, không thanh toán đúng thời hạn, nợ lương người lao động rất nhiều tháng nay, có người bị nợ ít cũng 2-5 tháng, người bị nợ nhiều lên đến 14 tháng. Không những vậy, Công ty cổ phần Ô tô 1-5 mới chỉ đóng BHXH đến tháng 8/2016, nên đến nay, tổng số nợ BHXH của Công ty đã lên tới gần 15 tỷ đồng trong đó tiền gốc chưa đóng hơn 8,1 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh hơn 6,8 tỷ đồng

Trong thư “kêu cứu” gửi tới các cơ quan chức năng, người lao động Cty CP Ô tô 1/5 khẩn thiết đề nghị:  “Cty thực hiện chi trả lương, đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Do công ty không thực hiện đóng BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật, vì vậy, trong suốt quá trình làm việc, khi ốm đau, bệnh tật, kể cả bệnh nghề nghiệp, người lao động đều phải tự bỏ tiền túi để điều trị”- tập thể người lao động ký vào đơn đề nghị giải quyết thực trạng trên.

Trường hợp ông Trịnh Văn Tạo – một công nhân có thâm niên 27 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 chia sẻ: “Công ty không đóng BHXH nên người lao động bị tước hết các quyền lợi về BHXH là điều rất khó chấp nhận. Hơn 2 năm qua, tôi vẫn chờ đợi từng ngày để được cầm trên tay cuốn sổ hưu..”.

Gắn bó hơn 20 năm làm việc tại Công ty, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, chỉ vì bị nợ BHXH mà bản thân chị khốn khổ vô cùng, bệnh tật đi bệnh viện thì không có BHYT, bị cho nghỉ việc nhưng cũng chẳng có trợ cấp thất nghiệp. “Cống hiến bao nhiêu năm, nhưng thứ chúng tôi nhận lại chẳng là gì? Mọi quyền lợi về BHXH đều không có. Điều chúng tôi cần lúc này là Công ty đưa ra lộ trình trả hết nợ BHXH cho chúng tôi”- chị Hoa nói. Đây có lẽ cũng là nguyện vọng của nhiều công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 ở thời điểm hiện tại.

Trao đổi với báo chí về vấn đề nợ lương, BHXH, ông Trần Thành Nam- Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Ô tô 1-5 cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng lộ trình đến ngày 15/9 sẽ trả toàn bộ nợ lương còn lại cho người lao động. 

Trao đổi với Phóng viên,  Bà Nguyễn Hải Hà, đại diện theo ủy quyền của tập thể công nhân Cty CP Ô tô 1/5 cho biết: Hiện nay do giãn cách xã hội phòng chống covid , nên chúng tôi vẫn chờ thông tin theo cam kết của lãnh đạo Cty. Trong trường hợp Cty không giữ đúng cam kết hoặc không đáp ứng yêu cầu thanh toán BHXH trước 30/9/2021 , chúng tôi buộc phải gửi đơn ra tòa. Hiện chúng tôi đã mời luật sư và chuẩn bị các thủ tục pháp lý để khởi kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Liên quan đến tình trạng nọ đọng BHXH kéo dài tại Cty CP Ô tố 1/5, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 30/6/2021, Công ty CP Ô tô 1-5 mới đóng BHXH cho người lao động đến hết tháng 8/2016. Năm 2019, Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh tới kiểm tra và năm 2020, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng đã kiểm tra và 2 lần có văn bản đôn đốc nợ bảo hiểm Công ty CP Ô tô 1-5. Qua rà soát, tổng số tiền bảo hiểm doanh nghiệp nợ là gần 15 tỷ đồng, trong đó tiền gốc chưa đóng là hơn 8,1 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh là hơn 6,8 tỷ đồng. 

Mặc dù đã có nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng, tuy nhiên đến thời điểm này Cty vẫn chưa bị xử lý vi phạm hành chính và xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật.

Liên quan tới câu chuyện nợ lương, BHXH của người lao động tại Công ty Cổ phần Ô tô 1-5, mới đây Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản số 2106/UBND-TKBT, giao Sở Lao động, Thương binh & Xã hội phối hợp với UBND huyện Đông Anh và các đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý theo quy định để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tại Công ty CP Ô tô 1-5, báo cáo UBND Thành phố các vấn đề vượt thẩm quyền

Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội yêu cầu BHXH thành phố cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc đóng BHXH đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần tập hợp hồ sơ, tài liệu đối với các đơn vị có hành vi nợ đóng, trốn đóng, gian lận BHXH để chuyển cơ quan Công an xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Luật đã qui định đầy đủ chế tài, vì sao chậm xử lý ?

Trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều công ty đã chậm đóng, nợ đọng  hay "trốn đóng BHXH", dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, công ty có thể bị phạt tiền từ 36 - 40% trên tổng số tiền phải đóng BHXH đối với hành vi không đóng BHXH cho người lao động. Tương tự với đó, đối với hành vi trốn đóng BHXH công ty có thể bị phạt tiền từ 100 - 140 triệu đồng theo quy định của Nghị định trên.

Khoản 1, Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 khẳng định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN và người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật”. Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH là những hành vi bị nghiêm cấm tại Bộ luật Hình sự, Luật BHXH.

Theo quy định pháp luật hiện hành đối với việc trốn đóng BHXH hiện nay, các doanh nghiệp đã bị áp dụng các chế tài mạnh mẽ, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 88/2015), danh nghiệp còn phải chịu chế tài hình sự là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo Điều 216 BLHS 2015, phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.

112-1628736184.jpg
 BLHS 2017 đã bổ sung một số tội danh liên quan đến vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH

Trường hợp nếu hành vi trốn đóng BHXH đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, công ty còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Luật sư Trần Đại Ngọc cho rằng: Mặc dù chế tài đối với các hành vi này đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra đang gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Có thể kể đến như doanh nghiệp chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối, dùng thủ đoạn khác bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH.

Để bảo vệ quyền lợi của mình trong lĩnh vực BHXH bắt buộc, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định. Người lao động có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp như tổ chức công đoàn, luật sư để tham vấn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Kiến nghị 

Trước thực trạng nợ đọng, trốn đóng hiện nay có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên theo BHXH Việt Nam, biện pháp xử lý hình sự vẫn chưa được thực hiện (ngoài một số trường hợp doanh nghiệp chuyển tiền trả nợ trong quá trình điều tra của cơ quan công an). Nguyên nhân là do, việc thực thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng gặp nhiều khó khăn như: báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị, đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu...

Bên cạnh đó, một số cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH như: Hợp đồng lao động bản chính, bản lương tất cả nhân viên của đơn vị, yêu cầu về xác định giám định viên tư pháp của cơ quan BHXH, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm...

Hiện nay, pháp luật về BHXH chưa có quy định về nợ BHXH, dẫn đến cơ quan BHXH phải tự xây dựng, ban hành các hướng dẫn về quản lý nợ, phân tích tình hình nợ và có giải giáp cụ thể để giảm nợ. Vì vậy, biện pháp thu hồi, giảm nợ hiệu quả nhất hiện nay vẫn là cơ quan BHXH chủ động, thường xuyên đôn đốc, nắm bắt đơn vị, doanh nghiệp nhằm hạn chế nợ phát sinh, thu hồi nợ, thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng. Đồng thời, cơ quan Tòa án nhân dân, Công an cần có giải pháp triển khai tích cực quy định về xử lý hình sự tội trốn đóng; pháp luật BHXH cần sửa đổi, bổ sung các quy định về nợ nêu trên.

Thực tế cho thấy, chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Vì vậy, mặc dù BHXH và Công đoàn các cấp đã chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo điều 216 của Bộ luật Hình sự. Từ thực trạng trên, đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở để tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH.

Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH của các DN, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của pháp luật. Thực thi pháp luật BHXH nghiêm minh được coi là liều thuốc đặc trị đối với các doanh nghiệp, đơn vị cố tình để nợ đọng, chây ỳ chậm đóng BHXH kéo dài, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động hiệu quả hơn.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Người lao động mất quyền lợi do doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài: Cần xử lý nghiêm theo qui định pháp luật hình sự" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin