Qui định việc xác định chứng cứ dữ liệu điện tử chưa tương thích
Điều 11 Luật GDĐT sửa đổi quy định: “Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng”. Được hiểu là thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ phải thỏa mãn 2 điều kiện: phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử và phù hợp với pháp luật về tố tụng. Theo đó, nếu thông điệp dữ liệu đó không đáp ứng các tiêu chí về chứng cứ dữ liệu điện tử trong tố tụng thì không thể coi là chứng cứ, cho dù chứng cứ đó thỏa mãn được các tiêu chí của pháp luật về giao dịch điện tử.
Cũng theo điều khoản này, giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu “được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác”. Với việc đưa cụm từ “độ tin cậy” có thể nói Luật GDĐT, quy định về căn cứ để xác định giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu sẽ hạn chế sự vận dụng tùy nghi.
Trong khi đó quy định về cách xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự (khoản 3 Điều 99 BLTTHS 2015) căn cứ vào “cách khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”. Có thể thấy pháp luật TTHS không hoặc chưa sử dụng thuật ngữ “thông điệp dữ liệu” như pháp luật giao dịch điện tử. Mặc dù nếu vận dụng theo giải thích các thuật ngữ tại Điều 3 Luật GDĐT sửa đổi (“thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”. Còn “dữ liệu điện tử (là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự khác) được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử”…), có thể xác định nghĩa của “thông điệp dữ liệu” chính là “dữ liệu điện tử”, vì có sự tương thích với nội dung điều chỉnh tại khoản 1 và khoản 2 Điều 99 BLTTHS 2015.
Liên quan đến xác định giá trị chứng cứ dữ liệu điện tử theo Luật GDĐT sửa đổi, BLTTHS năm 2015 cũng chưa có quy định khái niệm “phương tiện điện tử” và “thiết bị lưu trữ dữ liệu điện tử”. Sự thiếu vắng về khái niệm và không đồng nhất về thuật ngữ sẽ làm khó chủ thể khi tham gia tố tụng. Ngoài ra , theo một số chuyên gia luật cho rằng, nội dung điều chỉnh về cách xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử trong BLTTHS có phần làm cho người sử dụng chứng cứ rất khó đánh giá bởi không thể biết được đâu là chứng cứ có giá trị cao, thấp hay ngang bằng nhau khi so sánh giá trị với nhau để sử dụng tranh tụng, buộc tội, gỡ tội hay kết tội hoặc làm căn cứ để đưa ra các quyết định, xử sự, hành vi tố tụng khác.
KSV VKSND huyện Đông Anh, Hà Nội phân tích chứng cứ điện tử. Ảnh VKSND huyện Đông Anh.
Còn nhiều thuật ngữ và khái niệm thiếu vắng, chưa rõ…
Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2015 và Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 cũng xác định “dữ liệu điện tử” là một trong các nguồn để thu thập chứng cứ trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính. Tuy nhiên, nếu như pháp luật TTHS không tìm thấy thuật ngữ “thông điệp dữ liệu” trong xác định chứng cứ, thì ngược lại thuật ngữ này được sử dụng trong pháp luật về TTDS và pháp luật về TTHC. Cụ thể tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật TTDS và tại khoản 3 Điều 82 Luật TTHC quy định về xác định chứng cứ: “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.
Như vậy nội dung điều chỉnh của điều luật trên, việc xác định chứng cứ trong TTDS và TTHC bị điều chỉnh bởi pháp luật về giao dịch điện tử. Hay nói cách khác các tiêu chí về xác định chứng cứ trong giao dịch điện tử là căn cứ để xác định chứng cứ trong giải quyết vụ án dân sự và hành chính. Sự điều chỉnh này tương thích với Điều 11 Luật GDĐT sửa đổi. Theo đó, việc xác định giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu trong các vụ án hành chính, dân sự hay giải quyết vụ việc được “căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác”.
Tuy nhiên, thế nào là “dữ liệu điện tử” và “thông điệp dữ liệu điện tử” thì Bộ luật TTDS và Luật TTHC đều chưa qui định rõ. Điều này sẽ làm khó chủ thể tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có chức năng khi xác định chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự, hành chính và vụ việc. Mặt khác, nếu như thông điệp dữ liệu trong TTDS và TTHC được nhận diện qua các hình thức thể hiện: trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax; thì trong Luật GDĐT sửa đổi (khoản 1 Điều 7), quy định việc nhận diện thông điệp dữ liệu còn được thể hiện qua các hình thức khác, như: văn bản điện tử, tài liệu điện tử, hợp đồng điện tử và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật.
Sự mở rộng về hình thức nhận diện thông điệp dữ liệu điện tử là sẽ làm phong phú nguồn chứng cứ khi thu thập nhưng sẽ làm khó cho đương sự và cơ quan có chức năng trong việc thu thập, khai thác chứng cứ để khiếu nại, khởi kiện và giải quyết vụ án, vụ việc khi mà còn nhiều thuật ngữ chưa được giải thích trong Luật GDĐT sửa đổi, như: Thế nào là hình thức “trao đổi dữ liệu điện tử”, “văn bản điện tử”, “tài liệu điện tử”…
Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024. (Ảnh minh họa).
Một vài đề xuất
Trong kỷ nguyên số ngày nay, dữ liệu điện tử đã trở thành một nguồn chứng cứ quan trọng giúp các chủ thể tham gia tố tụng phát hiện, tìm kiếm, khai thác, thu thập chứng cứ nhằm sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Từ những bất cập như đã phân tích ở trên , chúng tôi nêu ra một số đề xuất kiến nghị sau:
Một là, với việc đưa cụm từ “độ tin cậy” (mang tính định lượng – PV), vào quy định về căn cứ để xác định giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu (khoản 2 Điều 11 của Luật GDĐT), có thể nói pháp luật về giao dịch điện tử đã có sự thay đổi về chất, góp phần hạn chế được sự vận dụng tùy nghi khi xác định giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu trong TTHS. Tuy nhiên việc điều chỉnh này sẽ không có ý nghĩa, nếu như chứng cứ đó không được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật TTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự” (Điều 87 BLTTHS năm 2015). Nói như vậy để thấy rằng, việc sớm sửa đổi, bổ sung cụm từ “độ tin cậy” và “thông điệp dữ liệu” vào nội dung điều chỉnh tại Điều 99 BLTTHS 2015 là cần thiết.
Hai là, khác với pháp luật về TTHS, trong TTDS và TTHC việc xác định chứng cứ điện tử bị điều chỉnh bởi pháp luật về giao dịch điện tử (quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật TTDS và tại khoản 3 Điều 82 Luật TTHC). Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, Luật GDĐT sửa đổi sẽ khó tìm được sự thống nhất với pháp luật về TTDS và TTHC, nếu như không có văn bản dưới luật làm rõ nội hàm các thuật ngữ quy định trong Luật GDĐT sửa đổi: “trao đổi dữ liệu điện tử”, “văn bản điện tử”, “tài liệu điện tử”; và sự tương thích về nội hàm của các thuật ngữ “dữ liệu điện tử” và “thông điệp dữ liệu” được quy định trong TTDS và TTHC.
Ba là, từ sự bất cập trong các văn bản tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, theo chúng tôi cần sử dụng thống nhất và trong giải thích thuật ngữ “thông điệp dữ liệu” hay “dữ liệu điện tử”… đều là chứng cứ điện tử. Trong trường hợp này, chứng cứ điện tử được hiểu là những thông tin được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử mà con người có thể nhận biết được như chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự khác, được ghi nhận, thu thập được trong hồ sơ vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính phản ánh một cách khách quan, liên quan về sự kiện pháp lý hình sự, dân sự, hành chính và có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Bốn là, khi đề cập đến khái niệm hoặc thuật ngữ “dữ liệu điện tử” dưới góc độ là một trong các nguồn chứng cứ điện tử thì cũng cần quy định một cách tường minh hơn. Theo đó “dữ liệu điện tử” được hiểu là một trong các nguồn chứng cứ được quy định trong các bộ luật tố tụng, ở trạng thái tự nhiên, dữ liệu điện tử có trong các thiết bị, phương tiện điện tử, các khu vực lưu trữ khác hoặc được truyền đi, tiếp nhận từ các thiết bị, phương tiện điện tử, khi thông qua một phần mềm thích hợp, do chuyên gia thực hiện, trên các thiết bị và phương tiện điện tử tương thích thì các dữ liệu điện tử sẽ biểu hiện dưới dạng thông điệp giao tiếp có khả năng truyền tải thông tin như ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự mà con người có thể nhận biết được bằng các giác quan.