Ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao, kết quả công tác năm sau cao hơn năm trước.

Một Hội nghị triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân

Trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 3.115 vụ án, tăng 64% so với nhiệm kỳ trước. Viện Kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố 148 vụ án, tăng 7,2%; trực tiếp hủy 702 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án (tăng 13,4%); qua đó góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo Chỉ thị công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, toàn ngành tiếp tục thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới- Trách nhiệm, kỷ cương-Thực chất, hiệu quả” và tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ thực hiện nhiều giải pháp trong tất cả các lĩnh vực công tác, tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu: Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; xác định công tác cán bộ là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát; tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đẩy mạnh công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành luật; tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật; mở rộng hợp tác quốc tế; chú trọng bảo đảm các điều kiện để toàn Ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Tăng cường việc luân chuyển, biệt phái, điều động cán bộ, nhằm tạo môi trường phấn đấu, thử thách rèn luyện cán bộ qua thực tiễn. Quyết tâm kiện toàn mạnh mẽ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời, kiện toàn toàn diện để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; xác định lộ trình cụ thể, đổi mới đảm bảo tính liên thông, liên kết; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương, địa phương và các bộ, ban, ngành hữu quan, tạo sự thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202101/nganh-kiem-sat-nhan-dan-thuc-hien-nghiem-chu-truong-cua-dang-ve-cai-cach-tu-phap-va-phong-chong-tham-nhung-309050/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin