Ngành Hải quan kiến nghị sửa luật để tăng cường chống gian lận xuất xứ

23/08/2021 18:36

Theo Tổng cục Hải quan, công tác phối hợp, kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa tại cơ sở của doanh nghiệp, trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn còn chưa kịp thời, chưa có cơ sở dữ liệu để thực hiện. Do đó, Tổng cục đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

Tổng cục Hải quan cho biết, qua triển khai công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp quy định tại Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho thấy, quy định đã tương đối rõ ràng, là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan thực hiện.

Tuy nhiên, công tác phối hợp, kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa tại cơ sở của doanh nghiệp, trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn còn chưa kịp thời, chưa có cơ sở dữ liệu để thực hiện. Một số nội dung chưa được quy định cụ thể tại Điều này như nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan dẫn đến chồng chéo hoặc cơ chế phối hợp cung cấp trao đổi thông tin chưa chặt chẽ dẫn đến thiếu thông tin hoặc gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh của cơ quan Hải quan.

13-1629693228.jpeg
Ảnh minh hoạ

Từ những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP. Trong đó, cần bổ sung làm rõ quy định tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP theo hướng Bộ Công Thương nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc, cơ chế xác định gia công, chế biến đơn giản. Tổng cục Hải quan đề xuất phương án việc xác định gia công, chế biến đơn giản sẽ dựa trên nguyên tắc quan đồng thuận của các cơ quan là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ví dụ khi cần xác định một trường hợp cụ thể thì cơ quan chủ trì sẽ lấy ý kiến của các đơn vị còn lại.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể các tiêu chí của chứng từ chứng nhận xuất xứ không ưu đãi tương tự quy định tại Điều 15 Thông tư số 38/2018/TT-BTC để đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu và thống nhất thực hiện. Theo đó các tiêu chí bao gồm: Người xuất khẩu; Người nhập khẩu; Phương tiện vận tải; Mô tả hàng hóa, mã số hàng hóa; Số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa; Nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ xuất xứ hàng hóa; Ngày/tháng/năm cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Chữ ký trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Về các biện pháp chống gian lận xuất xứ tại Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP cần bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo hướng: Bộ Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức cấp chúng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để kịp thời chấn chỉnh các trường hợp cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không đúng quy định. Tăng cường theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ để tránh các trường hợp lợi dụng thực hiện hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa...

Đối với Bộ Tài chính: Thực hiện điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm xuất xứ đối với các trường hợp xác định có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tranh phòng chống gian lân, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hơn pháp; kết quả thực hiện và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/nganh-hai-quan-kien-nghi-sua-luat-de-tang-cuong-chong-gian-lan-xuat-xu-a143847.html

Bạn đang đọc bài viết "Ngành Hải quan kiến nghị sửa luật để tăng cường chống gian lận xuất xứ" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin