Sáng 29/12, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tổ chức hội thảo về nâng cao vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Việt Nam.
Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Hội thảo là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu trong chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, cụ thể là “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mua bán người”.
Phát biểu trong phần khai mạc, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam thông tin: “Trong những năm vừa qua, tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành một vấn nạn, có xu hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam”.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xuất hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.
Mặt khác, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn.
Phụ nữ và trẻ em, chiếm hơn 85% nạn nhân mua bán người, cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch.
“Chính vì vậy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này”, ông Quyền bày tỏ.
Trên thực tế, có thể thấy bước đầu các Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước cũng như các Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội đã tổ chức tốt việc thực hiện Trung tâm trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của tội mua bán người.
Tuy nhiên, do đây là loại tội phạm phức tạp, mang tính xuyên biên giới, đòi hỏi sự phối hợp cao với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, nên công tác trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực này phần nào còn hạn chế, cần được tiếp tục cải thiện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ hỗ trợ được hiệu quả và chất lượng hơn.
Trước thực trạng đó, sự kiện được diễn ra mục đích chính là xác định những khó khăn của nạn nhân bị mua bán trong việc tiếp cận dịch vụ pháp lý.
Bên cạnh đó thảo luận về những cách thức nhằm thúc đẩy quyền tiếp cận dịch vụ pháp lý cho nạn nhân bị mua bán.
Đặc biệt là chia sẻ các thực tiễn tốt trong sàng lọc nạn nhân bị mua bán và các thực tiễn tốt trong công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán.
Theo thống kế của Cục C02: từ năm 2016 - 11/2019, Lực lượng Cảnh sát hình sự đã xác định 2.814 nạn nhân, trong đó 75% từ Trung Quốc trở về; 51,88% nạn nhân được giải cứu; 48,11% nạn nhân tự trở về.
Theo thống kê của Cục A08, từ ngày 01/01/2016- 30/09/2020, Cục A08 đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xác minh 179 trường hợp nạn nhân bị mua bán theo đề nghị của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó xác minh, xác định 174 trường hợp (nữ chiếm 95%) là nạn nhân bị mua bán, 05 trường hợp chưa xác minh được do đương sự cung cấp thông tin không chính xác nên không có cơ sở để xác minh, xác định nạn nhân, trong đó số nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc là 111 người, Campuchia 25 người, Malaysia 13 người.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/nang-cao-vai-tro-tro-giup-phap-luat-cho-nan-nhan-bi-mua-ban-nguoi-a538481.html