Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan

Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Thời gian qua, việc triển khai nghiêm túc Chương trình phối hợp số 07 ngày 7-4-2015 giữa 6 cơ quan về giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đem lại những kết quả tích cực. Nội dung giám sát việc thực hiện cải cách hành chính thuế và hải quan tập trung vào việc thu nhận phản ánh thực tế của các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã, những tổ chức đại diện cho cộng đồng kinh doanh; thu thập các đánh giá về tình hình thực hiện, tác động của Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

 Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị)

Nhờ những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nên thu ngân sách nhà nước năm 2017 của ngành thuế đạt 1.019.041 tỷ đồng (bằng 105,2% dự toán); ngành hải quan đạt 297.082 tỷ đồng (tăng 5,04% so với năm 2016); góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hơn 560.000 doanh nghiệp, lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Năm 2017, riêng khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 32,3% cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan từ Trung ương tới cơ sở, qua đó đạt những bước tiến quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế; nâng cao hiệu lực hiệu quả; hội nhập quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời củng cố và duy trì ổn định chính trị; quốc phòng - an ninh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 3 năm liên tiếp (2014-2016), Bộ Tài chính luôn được xếp thứ 2 trong bảng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như: Công tác xây dựng chính sách thuế chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế, thiếu phản biện, lắng nghe; còn những lỗ hổng lớn về chính sách, dẫn đến làm môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ....

Các đại biểu dự Hội nghị đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp.

Với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển nền kinh tế của đất nước, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, thúc đẩy công tác cải cách hành chính thuế, hải quan. Bên cạnh những kết quả đã được ghi nhận, còn tồn tại nhiều khó khăn trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính như: Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan; một bộ phận cán bộ, công chức thuế và hải quan tinh thần trách nhiệm chưa cao, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu hiện đại hóa, thiếu cập nhật chính sách mới và ứng dụng công nghệ thông tin…

Bên cạnh việc tiếp tục cải cách về thể chế, Bộ Tài chính cũng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, quan trọng là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa việc thực hiện kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hải quan điện tử; đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp…

Theo Noichinh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin