Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm

Từ năm 2013-2020, Tòa án nhân dân tối cao tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, trao đổi nghiệp vụ với các Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết án tham nhũng. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về công tác xét xử tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cũng như công tác thu hồi tài sản. Trong các văn bản này, Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Tòa án các cấp tập trung làm tốt một số công việc như:

Khi xét xử tội phạm tham nhũng phải xem xét toàn diện nội dung vụ án, áp dụng đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người phạm tội tham nhũng, bên cạnh việc xử lý tội phạm cần chú trọng đến công tác thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, bị truy tố về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Khi xét xử các hành vi phạm tội về tham nhũng mà theo quy định của Bộ luật hình sự cần áp dụng hình phạt bổ sung thì kiên quyết áp dụng; đồng thời, áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Thông qua công tác xét xử các tội phạm về tham nhũng, phát hiện có sự buông lỏng trong công tác quản lý thì ngoài việc quyết định xử phạt đối với bị cáo, các Tòa án phải có kiến nghị cơ quan hoặc tổ chức để xảy ra tham nhũng áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Trường hợp qua việc xét xử mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra, truy tố thì Hội đồng xét xử phải xem xét để ra quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý); trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202105/nang-cao-chat-luong-xet-xu-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-nghiem-trong-phuc-tap-du-luan-xa-hoi-quan-tam-309564/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin