Năm 2018, ngành Hải quan tiếp tục nhiều giải pháp tăng cường thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, toàn ngành hải quan đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp tăng cường thu và chống thất thu Ngân sách Nhà nước.

1

Trong quý I/2018, toàn ngành Hải quan thu ngân sách được 68.027 tỷ đồng, đạt 24,04% dự toán, đạt 23,2% chỉ tiêu phấn đấu năm 2018. Tổng cục Hải quan cũng thể hiện quyết tâm triển khai quyết liệt các giải pháp, phấn đấu cả năm 2018 thu đạt và vượt chỉ tiêu 293.000 tỷ đồng.

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, toàn ngành hải quan đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp tăng cường thu và chống thất thu Ngân sách Nhà nước (NSNN). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao các đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/01/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2018 của ngành do Bộ Tài chính giao.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Năm 2018, ngành Hải quan tiếp tục nhiều giải pháp tăng cường thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước

Bên cạnh đó, toàn ngành Hải quan đã tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành theo phương thức quản lý mới như: Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển; Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng hàng không; Đề án quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; Đề án thu thuế và thông quan 24/7… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu NSNN.

Tập trung rà soát, chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những doanh nghiệp khai báo giá thấp, đột biến, đã phát hiện vi phạm; thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục Quản lý rủi ro về giá (định kỳ và đột xuất) kèm theo các mức giá phù hợp với sự biến động giá thực tế để làm cơ sở so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo xác định dấu hiệu nghi vấn ban đầu để thực hiện tham vấn trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc kiểm tra sau thông quan theo quy định, nhằm kịp thời xử lý, ấn định thuế các trường hợp khai báo trị giá không đúng quy định.

Chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng mô hình, bố trí lực lượng để thực hiện công tác tham vấn giá theo nội dung sửa đổi tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC khắc phục tình trạng bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng nghi vấn về trị giá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện những sai sót về công tác tham vấn, kiểm tra sau thông quan qua đó khắc phục và chấn chỉnh việc thực hiện công tác quản lý giá tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Thực hiện rà soát cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để phát hiện, kịp thời có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn phân loại thống nhất đối với các trường hợp áp dụng mã số, mức thuế không đúng quy định. Trong đó tập trung việc kiểm tra, rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu cần đáp ứng các điều kiện để được áp dụng mức thuế ưu đãi, ưu đãi đặc biệt; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện các tài liệu HS như Chú giải chi tiết HS, tuyển tập ý kiến phân loại, xây dựng sổ tay nghiệp vụ về phân loại hàng hóa... làm cơ sở để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất trong công tác phân loại hàng hóa.

Rà soát công tác miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế theo quy định của Pháp luật thuế. Phát hiện sai sót, vi phạm trong công tác miễn, giảm, hoàn thuế trong đó tập trung kiểm tra các dự án, các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế có sự khác biệt giữa Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế khắc phục những sơ hở bất cập trong thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành trong đó cần tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hóa khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế...

Ngoài ra, toàn ngành Hải quan đã tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo đến 31/12/2018 đạt 100% chỉ tiêu giao theo Quyết định 866/QĐ-TCHQ.

Theo Congly

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin