Mùa hè khó quên của Samsung: Bê bối tham nhũng, bão tố chính trường và lợi nhuận kỷ lục

04/08/2017 09:12

Một năm sau sự cố Galaxy Note 7 liên tục phát nổ, Samsung tiếp tục bị cuốn vào cơn bão khiến Tổng thống Hàn Quốc phải từ chức. Vậy tại sao hãng này vẫn đạt doanh thu kỷ lục như vậy?

Ảnh Bloomberg.
Ảnh Bloomberg.)

“Một con ngựa thì sống được bao lâu?”

Vào một ngày thứ 6 của tháng 6, Jay Y. Lee, người chủ thực sự của tập đoàn Samsung lại mất thêm một buổi trưa nữa tại Tòa xử án trung tâm quận Seoul, nghe tòa hỏi về những đặc điểm của loài ngựa. Ông Lee phải ra hầu tòa vì tội hối lộ và tham ô, một phần trong vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất vào tháng 3 vừa qua.

“Còn tùy vào đó là loại ngựa đua hay…”

Căn phòng xử án nằm ở tầng 5 và không có cửa sổ. Luật sư, nhà báo và cả dân chúng, cũng như phần lớn đất nước đều đang chăm chú theo dõi phiên tòa. Người đứng người ngồi và ai cũng mồ hôi nhỏ giọt. Lee cùng đoàn đội của mình phải liên tục nhấp nước và lau mồ hôi không ngơi tay.

“Không phải là 20 năm à? Tuổi thọ tối đa là 20 năm và thể lực đỉnh cao trong khoảng năm thứ 8 đến năm thứ 10, đúng chứ?”

“Vâng. Tôi cũng nghĩ như vậy, thưa tòa”

Lee và các đồng nghiệp bị buộc tội hối lộ cựu Tổng thống Park và một người bạn của bà để lo trót lọt vụ sáp nhập 2 công ty của Samsung - vụ làm ăn giúp Lee củng cố vị thế của mình trong tập đoàn. Khoản hối lộ này là Vitana V, một con ngựa đưa dòng thuần chủng có giá 800.000 USD, đi kèm 17 triệu USD quyên góp cho quỹ của người bạn đó. Bà này có một cô con gái sẽ tham gia bộ môn đua ngựa tại Olympic 2020. Các giám đốc của Samsung coi “món quà” này chỉ đơn thuần là sự ủng hộ khát vọng chiến thắng trên đấu trường Olympic của nước nhà và phủ nhận mọi cáo buộc hối lộ.

 Lee Jae Yong (hay được phương Tây biết đến dưới cái tên Jay Y. Lee) Thái tử của tập đoàn Samsung
Lee Jae Yong (hay được phương Tây biết đến dưới cái tên Jay Y. Lee) Thái tử của tập đoàn Samsung)

Được Lee Byung Chull sáng lập vào năm 1938, Samsung ngày nay là một tập đoàn gồm 60 công ty thành viên, bao gồm các lĩnh vực đóng tàu, xây dựng, bảo hiểm và quảng cáo. Ngoài ra họ còn có vài đội bóng đá và bóng chày, cùng một công viên rộng 30 dặm vuông nằm phía nam thủ đô Seoul được đặt tên là Everland.

Samsung Electronics Co., Ltd là công ty con đặc biệt bởi nó chiếm hơn 2/3 giá trị thị trường của Samsung. Bên trong nó, những cơn giận dữ và phẫn nộ đang âm ỉ. Tuy vẫn tự tin với trình độ công nghệ của mình nhưng công ty này đang phải vật lộn để thay đổi văn hóa thứ bậc trong tư duy làm việc, đề cao sự gắn bó, cống hết không mệt mỏi đã tồn tại từ khi thành lập tập đoàn. Lối văn hóa này rất phù hợp với một công ty sản xuất phần cứng nhưng ban lãnh đạo biết rằng, nó sẽ phải thay đổi nếu Samsung muốn cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong các lĩnh vực như dịch vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Sự thay đổi đó có xảy ra hay không, phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phiên tòa xét xử Lee. Cơn nhồi máu cơ tim vào năm 2014 của Lee Kun Hee, con trai người sáng lập Lee Byung Chull và là cha của Jay Lee, càng làm cho tình hình trong gia đình thêm rối ren và nhen nhóm một cuộc khủng hoảng.

Khác với tập đoàn phương Tây có hệ thống cổ phiếu theo thứ bậc giúp gia đình sáng lập bảo vệ được quyền lực, số cổ phần của gia tộc họ Lee trong tập đoàn Samsung không phải là quá lớn và bị phân tán lẻ tẻ trên khắp 60 công ty con. Điều này khiến cho việc thừa kế và quản lý tập đoàn của Jay Lee sé gặp rất nhiều khó khăn nếu Lee Kun Hee qua đời. Để được pháp luật cho phép sáp nhập một cách thuận lợi và nhanh chóng đồng thời tái cơ cấu hệ thống sở hữu cổ phần của gia tộc mà không gặp nhiều phiền toái, Jay Lee đành lấy ngựa làm quà vậy mà cuối cùng vẫn phải ra đứng trước vành móng ngựa.

 Quyền sở hữu trong gia tộc họ Lee hết sức phức tạp.
Quyền sở hữu trong gia tộc họ Lee hết sức phức tạp.)

Tuy nhiên, Samsung không phải là tập đoàn dễ bị ảnh hướng. Dù sự cố với Galaxy Note 7 mới được dẹp yên lại tới bê bối liên quan đến hối lộ, Samsung vẫn thu được lợi nhuận kỷ lục nhờ siêu phẩm Galaxy S8.

Vào tháng 5 vừa qua, tập đoàn này còn trở thành đối tác sản xuất chip xử lý cho chính đối thủ của mình là Apple và Qualcomm. Yoon Jong Shik, giám đốc phụ trách dự án tự tin tuyên bố: “Một khi chúng tôi quyết định gây dựng một công ty mới, chúng tôi chắc chắn sẽ thu được thành công, tối đa chỉ trong 10 năm”. Trong vai trò này, Samsung sẽ vừa phải sản xuất chip cho chính mình, vừa phải đảm bảo chất lượng chip sản xuất cho đối thủ.

Đây là một bước đi chiến lược nhưng có sáng suốt hay không, chúng ta khó có thể đoán trước bởi với tình hình hiện tại, dù có dẹp yên được sóng gió cả trên thương trường lẫn trong gia tộc, con đường để vượt qua Apple, Google và Amazon trong lĩnh vực phần mềm vẫn sẽ không dễ dàng đối với Samsung.

Theo ICTNews

Bạn đang đọc bài viết "Mùa hè khó quên của Samsung: Bê bối tham nhũng, bão tố chính trường và lợi nhuận kỷ lục" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin