Một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay

28/02/2021 17:01

Có thể nói, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phongf, chống tham nhũng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay, công tác PCTN đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, rõ nét, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, với những hình thức mới, sáng tạo như rà soát các cuộc thanh tra, kinh tế - xã hội hằng năm; kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã có hiệu quả đặc biệt. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn đã tạo bước đột phá trong công tác PCTN; một số khâu yếu, việc khó có nhiều vướng mắc như hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng đã được tháo gỡ; tình trạng cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng đã được chấn chỉnh tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCTN.

Những kết quả to lớn đó trước hết bắt nguồn từ quyết tâm chính trị rất cao và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan nội chính và đặc biệt là vai trò kiểm tra, giám sát, đôn đốc quyết liệt của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo. Từ thực tiễn công tác PCTN ở địa phương và qua nghiên cứu, Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng xin nêu một số vấn đề đặt ra trong công tác đấu tranh PCTN trong tình hình hiện nay.

Đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính đảng năm 2020 (Ảnh Đặng Phước)

Một là, từ năm 2013 đến tháng 6/2020, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước giải quyết trên 1.930 vụ/4.460 bị can; trong đó, tại Hải Phòng có 39 vụ/75 bị can. Như vậy, giả sử số vụ án trên đều do các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương giải quyết thì trong 7,5 năm qua, trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp huyện xử lý 2,72 vụ/6,3 bị can tham nhũng, nghĩa là trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp huyện trong 03 năm mới xử lý được 01 vụ án tham nhũng. Như vậy, có thể thấy số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng thời gian qua. Và từ đó, có thể nhận định rằng, ở nhiều nơi việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa thực sự bảo đảm tính răn đe.

Hai là, việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức còn rất hạn chế. Khi bàn về chủ trương đấu tranh chống tham nhũng thì rất quyết liệt, tuy nhiên, khi bàn về xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng cụ thể thì nhiều nơi, nhiều lúc rất băn khoăn, lúng túng, ngại xử lý hình sự. Nhiều ý kiến tích cực, quyết liệt đấu tranh PCTN không được sự đồng tình ủng hộ ngay từ trong nội bộ khi có ý kiến khác so sánh việc PCTN ở đơn vị địa phương mình với đơn vị địa phương khác. Mặt khác, việc hạ danh hiệu thi đua của tổ chức đảng, cơ quan đã chủ động phát hiện và xử lý tham nhũng cũng cản trở người đứng đầu chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng.

Ba là, nhiều trường hợp, người tố cáo tham nhũng bị nhìn nhận là phần tử gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ; cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, đảng viên tố cáo tham nhũng bị nhìn nhận là nội bộ có vấn đề, mất đoàn kết; cán bộ, đảng viên đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực bị nhìn nhận là đối tượng “tranh giành, kèn cựa địa vị”. Có nơi, cách đối xử với người tố cáo tham nhũng là “bới lông tìm vết”, xem người đó có sơ hở, vi phạm gì không để xử lý mang tính trù dập, đồng thời qua đó hạ uy tín người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng và vô hình trung đã làm nhụt chí những ai còn có ý định tố cáo tham nhũng. Ở Hải Phòng, Ban Nội chính Thành ủy chưa ghi nhận trường hợp cán bộ, đảng viên nào tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, đấu tranh chống tiêu cực sau đó được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Thực trạng trên là rào cản rất lớn đối với công cuộc đấu tranh PCTN.

Bốn là, việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn rất hạn chế. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, toàn thành phố Hải Phòng phát hiện, khởi tố 39 vụ án tham nhũng thì ngành Thanh tra Hải Phòng chỉ kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố 02 vụ án, trong khi đó Ban Nội chính Thành ủy đã trực tiếp phát hiện 09 vụ (Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 08 vụ án tham nhũng).

Năm là, vẫn còn suy nghĩ cho rằng chống tham nhũng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, gây mất ổn định tình hình địa phương, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi cho rằng, việc bảo vệ người có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung là rất cần thiết; song cũng cần phân biệt rõ để đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng danh nghĩa đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tham nhũng, phục vụ lợi ích nhóm và chúng ta bảo vệ Đảng chứ không bảo vệ cán bộ, đảng viên tham nhũng.

Sáu là, muốn PCTN có hiệu quả cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực mà trước hết là kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu. Trong thực tế, đây là việc rất khó vì người đứng đầu có quyền quyết định rất lớn đối với công tác nhân sự và các vấn đề kinh tế - xã hội. Ngay từ khi thảo luận chủ trương, cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với người đứng đầu đã có thể bị cho là chống đối, cản trở sự phát triển của đơn vị, địa phương. Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc sai phạm lớn ở các tỉnh, thành phố dẫn đến phải xử lý bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp thì vai trò giám sát của HĐND cùng cấp càng khó được phát huy (chưa kể mô hình tổ chức HĐND còn rất bất cập).

Bảy là, hiện nay trong hệ thống tổ chức nhà nước, một số cơ quan trọng yếu như Công an, Quân sự, Kiểm sát, Tòa án được tổ chức theo hệ thống ngành dọc, bảo đảm cho những cơ quan này hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, trong hệ thống tổ chức đảng không có cơ quan nào được tổ chức theo ngành dọc, vì vậy ở địa phương, việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra đảng còn rất hạn chế, công tác kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu rất khó khăn. Xin mạnh dạn đề xuất Trung ương nghiên cứu thí điểm mô hình tổ chức hệ thống ngành dọc đối với ngành Nội chính Đảng và ngành Kiểm tra Đảng.

Tám là, việc bảo vệ, khen thưởng, động viên người phát hiện, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng còn bất cập. Trong tình hình hiện nay, cần quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người phát hiện, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng đối với trường hợp người đó bị trù dập, cô lập khi ứng cử vào các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh lãnh đạo.

Chín là, quy định tại Điều 64, Khoản 1, Luật PCTN năm 2018 “Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, cần đề phòng trường hợp cá biệt đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán câu kết và bao che đến cùng đối với những vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra, kiểm toán trước đó.

Mười là, suy cho cùng, người mong muốn đấu tranh chống tham nhũng nhất là nhân dân; tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả công tác đấu tranh PCTN ở cấp địa phương mà chỉ còn hy vọng vào Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; song họ cũng biết rằng Ban Chỉ đạo Trung ương không đủ thời gian và nhân lực để chỉ đạo xử lý đối với mọi vụ việc, vụ án, vì vậy xuất hiện tư tưởng phổ biến là chấp nhận tham nhũng và sống chung với tham nhũng. Hệ quả rất nguy hiểm của vấn đề này là việc tham gia phát hiện, tố cáo, đấu tranh của người dân càng hạn chế; việc phát hiện, xử lý tham nhũng càng khó khăn.

Trên đây là một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn, mong được Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu để chỉ đạo nâng cao hiệu quả PCTN trong tình hình mới.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202102/mot-so-van-de-dat-ra-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-hien-nay-309185/

Bạn đang đọc bài viết "Một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin