Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chứng cứ trong tố tụng dân sự

(Pháp lý) - Thực tiễn giải quyết các vụ, việc dân sự những năm gần đây cho thấy tỉ lệ khá cao các bản án bị hủy, bị sửa và phải qua nhiều cấp xét xử. Tình trạng này có nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc chưa có sự nhận thức thống nhất, đúng đắn về chứng cứ, cũng như cách thức xác định chứng cứ còn nhiều thiếu sót v.v…

Chứng cứ trong tố tụng dân sự

Định nghĩa chứng cứ được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Theo điều luật này, thì: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”. Theo quy định này, thì trước hết chứng cứ là những gì có thật, chỉ những thứ có thật mới có thể là chứng cứ. Khía cạnh này đã phản ánh được yêu cầu về tính khách quan của chứng cứ. Những gì có thật trong thế giới vật chất rất đa dạng có thể là những thông tin, dấu vết, sự kiện, tài liệu, vật v.v…

[caption id="attachment_147296" align="alignright" width="283"]Cần tiếp tục hoàn thiện chế định pháp luật về chứng cứ trong BLTTDS Cần tiếp tục hoàn thiện chế định pháp luật về chứng cứ trong BLTTDS[/caption]

Mặt khác, cũng theo quy định của Điều luật này thì chứng cứ phải được giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định. Đây là một yêu cầu về hình thức buộc phải có đối với “những gì”muốn được sử dụng với tư cách là chứng cứ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì chúng cũng không được thừa nhận để làm cơ sở xác định các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Quy định này phản ánh tính hợp pháp của chứng cứ.

Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu luật học thì quy định, định nghĩa này vẫn chưa thật hoàn thiện. Nếu định nghĩa chứng cứ là “những gì có thật” thì khái quát nhưng không rõ ràng cụ thể và chưa mang tính khẳng định. Thuật ngữ “những gì” trong tiếng Việt thường được dùng để đặt câu hỏi chứ không dùng để khẳng định được mà định nghĩa thì rất cần sự khẳng định. Mặt khác, nếu định nghĩa như vậy sẽ dẫn đến việc lầm hiểu chỉ có Tòa án mới tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Trong TTDS, không chỉ có các đương sự và các chủ thể tố tụng khác như Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, do vậy nếu coi chứng cứ chỉ làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không thì cũng chưa đủ.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, những thông tin, sự kiện, tình tiết có thật được Tòa án sử dụng để xác định các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Các thông tin, sự kiện, tình tiết này không chỉ để xác định yêu cầu hay phản đối yêu cầu của đương sự mà còn để xác định các yêu cầu của Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức khởi kiện và những người khác đưa ra trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự để giải quyết đúng vụ việc dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để bảo đảm việc xác định các tình tiết của vụ việc dân sự, việc cung cấp, thu thập, nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chúng đều phải tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật TTDS quy định. Ngoài ra, quy định này mới chỉ quy định về Tòa án thu thập chứng cứ còn việc thu thập chứng cứ của đương sự thì chưa được quy định.

Nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan, chứng cứ là những tình tiết, sự kiện “phản ánh sự thật khách quan” của vụ việc dân sự. Cho nên, chứng cứ phải là những cái có thật chứ không phải là “những gì có thật”.

Mặt khác, các tài liệu, vật chứng chỉ là cái chứa đựng những thông tin, dấu vết về vụ việc, nên chứng cứ phải là thông tin, tình tiết, sự kiện được ghi lại, để lại đó. Mục đích của việc sử dụng chứng cứ chính là nhằm xác định các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, không chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mới được tham gia vào quá trình chứng minh để tiến tới sử dụng chứng cứ mà đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng được tham gia vào quá trình đó, có quyền đưa ra chứng cứ, sử dụng chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhằm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự.

Theo tôi, sẽ khoa học và hợp lý hơn nếu sửa đổi, bổ sung quy định này như sau: “Chứng cứ là những thông tin, sự kiện, tình tiết có thật, theo một trình tự do pháp luật quy định các đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thu thập giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập dùng làm căn cứ để xác định cơ sở yêu cầu hay sự phản đối của đương sự và những người khác là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.”

Sửa đổi Điều 93 BLTTDS 2015

Hiện nay, Điều 93 BLTTDS 2015 có bổ sung hai loại nguồn chứng cứ mới là vi bằng do người có chức năng lập và văn bản công chứng. Qua nghiên cứu cho thấy thực chất hai loại nguồn này đã thuộc về loại nguồn chứng cứ là các tài liệu đọc được, nghe nhìn được, được quy định tại khoản 1 Điều 83 BLTTDS 2005 nên việc bổ sung này là không cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định này thì “các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp xác nhận.”

Do đó, khi nộp cho Tòa án các tài liệu đó đương sự đều phải nộp bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp. Điều này đã gây không ít phiền hà cho đương sự, nhiều khi đi công chứng, chứng thực các tài liệu này còn bị thất lạc hoặc bị mất làm đương sự không thể bảo vệ được quyền lợi của họ. Hiện nay, chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính, trong việc cung cấp tài liệu cho các cơ quan, tổ chức không nhất thiết phải là bản chính có công chứng, chứng thực mà đương sự có thể cung cấp bản chính hoặc bản photocopy và xuất trình bản chính để đối chiếu. Việc buộc đương sự cung cấp bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực sẽ gây rất nhiều trở ngại cho đương sự. Vì vậy, cần sửa đổi quy định này theo hướng bớt phiền hà cho đương sự.

Cần hướng dẫn chi tiết thực hiện Điều 106

Điều 106 BLTTDS 2015 quy định về biện pháp “yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ”. Hội đồng thẩm phán TANDTC cần phải có hướng dẫn cụ thể bằng cách nào đương sự có thể chứng minh cho việc mình đã tiến hành các biện pháp cần thiết nhưng không tự mình thu thập được chứng cứ, qua đó là điều kiện để có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ đương sự trong hoạt động thu thập chứng cứ. Cần thiết phải tạo ra cơ chế để giúp đương sự khi cần trong mọi trường hợp được. Vì thế giải pháp cho vấn đề này BLTTDS cần quy định rõ trách nhiệm biện pháp xử lí đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ nhưng cố tình không cung cấp chứng cứ cho đương sự như đối với trường hợp thu thập chứng cứ của Tòa án, Viện kiểm sát. Đây là một bảo đảm cần thiết cho đương sự có thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình, qua đó giảm bớt gánh nặng cho hoạt động của Tòa án.

[caption id="attachment_147297" align="aligncenter" width="270"]Để giúp công tác xét xử chính xác thì việc thu thập, đánh giá chứng cứ là quá trình không hề đơn giản (ảnh minh họa). Để giúp công tác xét xử chính xác thì việc thu thập, đánh giá chứng cứ là quá trình không hề đơn giản (ảnh minh họa).[/caption]

Cần ban hành hướng dẫn quy định về xác định tập quán nào có thể dùng làm chứng cứ. Tập quán là một bộ phận cấu thành truyền thống văn hoá của các dân tộc ở Việt Nam đã hình thành qua bao đời. Thực tiễn các tình tiết, sự kiện xảy ra liên quan đến vụ việc dân sự rất da dạng mà pháp luật không thể dự liệu hết được, vì vậy đòi hỏi phải áp dụng phong tục tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy vậy, không phải tập quán nào cũng được chấp nhận là chứng cứ, bởi có tập quán phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội có tập quán lại trái pháp luật và đạo đức xã hội. Mọi hoạt động giải quyết vụ việc dân sự yêu cầu đều phải tuân theo pháp luật, vì thế chỉ chấp nhận những tập quán không trái pháp luật và đạo đức xã hội là chứng cứ. Việc chứng minh này có thể dựa vào các tài liệu lưu giữ tập quán, dựa vào nhân chứng hay các giám định viên hoặc chuyên gia . Khi chứng minh, ta có thể tham khảo các điều kiện sau: (1) tồn tại liên tục trong một khoảng thời gian nhất định; (2) được thiết lập trên cơ sở ưng thuận; (3) được một cộng đồng nhất định thừa nhận; (4) có khả năng xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong một hoàn cảnh nhất định; (5) hợp lý; (6) phù hợp với các quy tắc tập quán khác; và (7) không chống lại các quy định của văn bản pháp luật.

L.S Nguyễn Quang Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin