(Pháp lý) - Việc chịu án oan suốt 43 năm của cụ Trần Văn Thêm đang gây rúng động dư luận. Trong hành trình giải oan cho cụ, có sự đóng góp công sức, trí tuệ của Luật sư Vũ Lợi (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội). Nhìn lại quá trình đồng hành với cụ Thêm, Luật sư Vũ Lợi chia sẻ về những trở ngại, gian nan mà ông và cụ Thêm đã gặp phải trong quá trình đi tìm công lý cho cụ Thêm.
>> Làm oan chóng vánh, gỡ oan đằng đẵng những ngàn ngày…
LS. Vũ Lợi: Tôi cũng nhiều lần đối diện với sự vô cảm của nhà chức trách
Nói về duyên “gặp” vụ án của cụ Thêm, luật sư Vũ Lợi chia sẻ: Vào năm 2011, tôi có đi bào chữa cho một bị cáo ở Bắc Ninh, cụ Thêm đến dự một phiên tòa mà tôi bào chữa. Sau khi kết thúc phiên tòa, cụ Thêm đến gặp tôi và trình bày việc của mình. Quả thực, khi nhận hồ sơ của cụ, tôi rất băn khoăn. Bộ hồ sơ của cụ chỉ có những đơn từ mà thiếu thốn những tài liệu cơ bản nhất. Thời điểm ấy, tôi không biết mình phải làm gì. Phải mất nhiều tháng sau khi suy nghĩ, tôi mới quyết định soạn đơn cho cụ và gửi đi.
[caption id="attachment_147198" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Vũ Lợi trong buổi công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm[/caption]
Với vô số khó khăn, nhiều lần luật sư Vũ Lợi cảm thấy bế tắc. Luật sư kể lại: Tôi đã nhiều lần gọi điện để người nhà cụ Thêm lên lấy hồ sơ về. Tuy nhiên sau đó, được mọi người thuyết phục, tôi lại tiếp tục vào cuộc đi xác minh. Tôi từng nhiều lần đến Phú Thọ để gặp thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên xin xác nhận về việc đã từng có kết luận điều tra, cáo trạng, bản án về vụ án của cụ Thêm.
Thông thường, đối với một vụ án oan hồ sơ thường khá đầy đủ. Việc oan hay không thường do quan điểm từ các cơ quan tố tụng. Thế nhưng vụ án của cụ Trần Văn Thêm khác hẳn những vụ án oan khác. Nó không có hồ sơ đầy đủ, phải trải qua nhiều lần đi tìm hiểu và xác minh, luật sư Vũ Lợi và gia đình cụ Thêm mới xác minh ra những người đã từng điều tra, truy tố, xét xử cụ. Mãi sau này, khi gửi công văn đến Công an tỉnh Bắc Ninh, Phòng hồ sơ cho biết, hiện công an tỉnh Bắc Ninh có lưu trữ 2 hồ sơ có liên quan tới vụ án giết người xảy ra tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú năm 1970. Bị cáo trong vụ án có tên Trần Văn Thêm (SN 1937, quê quán xã Hoà Bình, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc). Vì thời gian xảy ra vụ án đã lâu, điều kiện phục vụ công tác lưu trữ còn rất hạn chế, do vậy tài liệu trên đều bị nhoè, giấy mục nát, khó có khả năng phục chế.
Công an tỉnh Bắc Ninh đã cung cấp cho luật sư và cụ Thêm 2 bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án phúc thẩm của TANDTC mực bị nhoè, giấy mục nát, phải dùng máy soi hiện đại mới đọc được. Theo đó, bản án sơ thẩm tuyên tử hình, bản án phúc thẩm y án tử hình cụ Trần Văn Thêm. Từ đây, vụ việc của cụ Thêm đã có tia hi vọng - Luật sư Lợi kể lại với Phóng viên. Nói về hành trình cùng cụ Thêm đi tìm công lý, Luật sư Vũ Lợi chia sẻ: Nhiều lần cùng cụ Trần Văn Thêm gửi đơn nhưng chỉ nhận được sự hỗ trợ hời hợt của cơ quan chức năng. Chúng tôi luôn nhận được kiểu trả lời cứng nhắc “đã tiếp nhận được hồ sơ của bác” nhưng rồi sau đó, người ta không trả lời.
Nghiên cứu vụ của cụ Thêm, Luật sư Vũ Lợi phân tích những bất thường của cơ quan tố tụng: Khi có vấn đề oan sai, dường như các cơ quan tố tụng đã cố tình lấp liếm lỗi sai của mình. Khi bắt được hung thủ của vụ án, khi ấy biết cụ Thêm bị oan, họ thả cụ ra và cả 3 cơ quan tố tụng đã bỏ hồ sơ đi... Đây là những việc làm rất tắc trách, vô cảm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trước thân phận oan trái của một con người.
Hành trình của Luật sư Vũ Lợi tham gia giải oan cho cụ Thêm còn gặp phải vô vàn những cản trở khác. Vào tháng 1/2015, tôi tìm ra bản án và nhiều tài liệu liên quan đến vụ án của cụ Thêm. Tuy nhiên, đến nay là 1 năm 8 tháng sau khi tìm ra được hồ sơ, liên ngành tư pháp Trung ương mới công nhận và ra quyết định “đình chỉ vụ án”, kết luận về việc cụ Thêm bị oan. Đó là dấu hiệu chậm trễ, không trung thực và không thẳng thắn nhận sai của các cơ quan tố tụng”, Luật sư Lợi bức xúc. Luật sư Vũ Lợi cho rằng: Sự chậm trễ của các cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ án oan có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Nó kéo dài sự oan ức đau khổ của người bị oan và gia đình của họ. Vợ cụ Thêm mất khi cụ Thêm vẫn bị tiếng là giết người. Gia đình, họ hàng khinh bỉ, căm ghét cụ Thêm. Cuộc sống của gia đình cụ Thêm lầm lũi, giỗ tết, hội hè không ai mời.
Ngoài ra, án oan kéo dài 1 ngày, 1 tháng, 10 tháng hay 10 năm thì nhà nước sẽ phải tiếp tục bỏ tiền ra đền oan sai. Đồng thời, theo thời gian ấy, các cán bộ gây ra oan sai có thể trốn tránh trách nhiệm, lúc truy ra án oan họ có thể về hưu, có thể đã chết nên trách nhiệm của cán bộ tố tụng bị khuyết.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho rằng: Đến năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do cụ Thêm và Luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định cụ Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970. Đọc lời xin lỗi công khai đối với cụ Trần Văn Thêm, ông Trần Văn Tuân - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội - khẳng định, mặc dù cụ Thêm không xuất trình được đầy đủ các giấy tờ, do hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh, chia tách tỉnh nên một số tài liệu không còn nhưng sau đó Bộ Công an đã tìm được một số tài liệu. Trên cơ sở đó liên ngành tố tụng đã họp ngày 13/4 và đến ngày 8/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận có đủ căn cứ xác định bị can Thêm không thực hiện hành vi giết ông Văn nên đình chỉ điều tra.
Trả lời của những lãnh đạo tòa tối cao cho thấy, đúng là các cơ quan tố tụng có cố gắng, nhưng còn chậm trễ, chần chừ trong việc minh oan cho cụ Thêm. Cụ Thêm đã lớn tuổi. Thời gian sống của cụ như ngọn đèn trước gió. Chậm giải oan, chậm bồi thường ngày nào là làm oan thêm cụ ngày đó.
Giải quyết án oan, luật sư kiến nghị...
Đã có không ít vụ án oan được làm sáng tỏ nhưng trên thực tế không biết còn bao nhiêu vụ án oan chưa được làm rõ? Nhiều gia đình vẫn âm thầm đi kêu oan cho người thân của mình nhưng chưa được giải quyết. Trước những vụ án như thế, luật sư Vũ Lợi đề xuất: Đối với các cơ quan tiếp nhận đơn thư của người bị oan, cần phải xem xét kĩ lưỡng, phải tiến hành tra soát, xác minh, củng cố tài liệu để trả lời. Không được trả lời kiểu “trả lời cho có, trả lời cho xong”.
Luật sư Vũ Lợi cũng cho rằng, khi có chứng cứ rõ ràng, cần có thái độ thẳng thắn, tiếp nhận những sai lầm và sửa chữa. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng cũng cần thiết phải giải quyết tận gốc những tồn tại dẫn đến án oan. Chống án oan bằng việc, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật.
[caption id="attachment_147199" align="aligncenter" width="410"] Cụ Thêm tại buổi lễ xin lỗi công khai.[/caption]
Khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm hoàn trả theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với người mắc sai phạm; nếu có thể cần xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình. Kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt cần loại bỏ những cán bộ vô cảm trước nỗi đau, nỗi oan khuất của người dân.
Luật sư Lợi đánh giá hệ thống pháp luật về tố tụng của ta là đầy đủ và văn minh, tuy nhiên thực thi trên thực tế lại có nhiều bất cập. Bởi vậy, cần siết lại trách nhiệm thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng để chống án oan từ xa.
Anh Tuấn (Ghi)