(Pháp lý) - Nhiều chuyên gia cho rằng rất khó để xử lý doanh nghiệp bởi họ làm theo đúng qui định chính sách, họ không làm sai chính sách. Lỗi ở đây là “ lỗi” tại qui định chính sách, mà qui định chính sách do con người ban hành ra. Vậy nên, cần phải xử lý nghiêm những người cố tình ban hành ra chính sách pháp luật có “lỗ hổng” để doanh nghiệp hưởng lợi tiền tỉ.
Khó xử lý doanh nghiệp
Bàn về cách thức xử lý đối với các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi hàng nghìn tỷ từ phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, nếu có xử lý thì phải xử lý các quan chức nhà nước đã ban hành chính sách không đúng gây thiệt hại cho ngân sách và người dân. Còn đối với doanh nghiệp, họ hoàn toàn không có gì sai trái cả, do luật pháp quy định như thế nào thì họ thực hiện như thế thôi. Truy thu chỉ trong trường hợp doanh nghiệp làm sai, doanh nghiệp nộp thuế sai.
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Đức, Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cũng cho rằng, việc thu hồi khoản chênh lệch là không hề đơn giản. Giá xăng dầu kinh doanh do liên Bộ Tài chính – Công Thương công bố, doanh nghiệp họ lại căn cứ vào đó để thực hiện nên không thể hoàn trả được. Vì việc hoàn trả không có cơ sở pháp lý, cũng không có căn cứ nào để yêu cầu phải hoàn trả. Mặt khác, về nguyên tắc họ kinh doanh đúng pháp luật, doanh thu, thu nhập kê khai báo cáo thuế đầy đủ, thì không thể coi đó là khoản lợi bất chính để tịch thu, thu hồi.
Góp ý về chính sách điều hành lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam đưa ra kiến nghị: nhà nước phải quyết liệt làm, “nhà nước hãy chuyển sang điều tiết chứ không quản lý nữa. Phải tổ chức sàn đấu giá Quốc gia về xăng dầu, nhưng nhà nước phải cầm chịch để minh bạch từ khâu đấu giá đến khâu nhập khẩu và bán hàng. Đối với Nghị định 83, về bản chất, theo quan điểm của cá nhân tôi là triệt tiêu tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Chính nghị định này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp pha chế thao túng thị trường, khiến cuộc chiến giữa các doanh nghiệp không cân sức, tạo ra thế độc quyền. Điều đáng bàn luận ở đây là những gì đã diễn ra ở thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua, ở nước ngoài thì cấm, còn ở Việt Nam lại diễn ra đúng pháp luật. Do đó, cần thiết phải sửa ngay Nghị định 83. Một vấn đề cũng cần phải thực hiện ngay là chuyển quỹ bình ổn xăng dầu về kho bạc nhà nước nắm giữ và quản lý. Thực tế, quỹ bình ổn là tiền của dân, do đó không thể để doanh nghiệp giữ tiền của dân và dùng vào việc kinh doanh của mình mà không phải trả phí như vậy được”.
Phân tích về trách nhiệm của các nhà mạng liên quan đến vụ án “sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” do công an Phú Thọ triệt phá vừa qua, Luật sư Cường cho biết, do chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, không kiểm soát được việc thanh toán bằng thẻ cào từ khi phát hành đến khi tiêu dùng cuối cùng, nên mặc dù các doanh nghiệp viễn thông được hưởng lợi lớn từ các hoạt động bất hợp pháp, nhưng khó có thể xử lý hình sự họ được. Để xác định các nhà mạng có liên đới (đồng phạm hay người liên quan) tới vụ án đánh bạc hay không phải chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an. Nếu xác minh được nhà mạng đã biết việc sử dụng thẻ cào để nạp tiền, thanh toán, hỗ trợ cho hành vi đánh bạc thì dĩ nhiên, số tiền 1.400 tỷ đồng sẽ bị tịch thu sung công, đồng thời các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Bình luận sâu hơn, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh khẳng định, các nhà mạng chắc chắn biết những người mua thẻ cào sử dụng vào mục đích gì. Vì không thể một tháng, một cá nhân hoặc tổ chức lại sử dụng lượng dịch vụ viễn thông nhiều và liên tục trong suốt thời gian dài như vậy mà các nhà mạng lại không biết. Hơn nữa, trong một tháng khách hàng chỉ sử dụng dịch vụ một đồng, nhưng tiền chi trả cho các nhà mạng là hai đồng chứng tỏ là có vấn đề. Do đó, những đồng tiền mua thẻ được sử dụng trong đánh bạc các nhà mạng phải biết, chứ không thể nói là không biết được.
Tuy nhiên, khi đưa ra hướng xử lý vụ việc, Luật sư Truyền khẳng định, vì hành lang pháp lý chưa có nên rất khó xử lý hình sự nhà mạng. Nếu xử lý, các nhà mạng cứ “cãi”, khách hàng mua thẻ thì tôi cứ bán thôi, còn việc người ta dùng như nào là việc của người ta. Người ta dùng ngay hôm nay, hay 10 năm sau người ta mới dùng ai mà biết được. Bên cạnh đó, do chưa có quy định nào cấm việc giới hạn bán thẻ cho khách hàng, nên để buộc tội hơi khó. Đây chính là câu chuyện của chính sách, chúng ta phải xem xét lại, nhất là với môi trường viễn thông, môi trường công nghệ cao. Internet mới chỉ phổ biến ở Việt Nam hơn 10 năm trở lại đây, nhưng nó làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa theo kịp.
Ngoài ra, Luật sư Truyền chỉ rõ, có một “nhân vật” trong sới bạc mà các nhà làm luật quên mất chưa điều chỉnh, chính là “người đổi phỉnh”. Từ vụ việc đã diễn ra, chúng ta cần phải quy định các nhà mạng chính là những “người đổi phỉnh”.
Liên quan đến những doanh nghiệp hưởng lợi từ “ lỗ hổng” chính sách đất đai, theo Luật sư Cường, một phần do chính sách pháp luật của ta chưa lường hết và quy định được giá trị thực tế, giá trị thị trường đối với lợi thế sử dụng đất thuê. Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có vi phạm quy trình định giá, đấu giá thì cần xem xét trách nhiệm pháp lý cá nhân liên quan, thu hồi tài sản thất thoát. Đối với việc cá nhân, tổ chức hưởng lợi do thiếu chính sách pháp luật thì chúng ta không có căn cứ xử lý hay thu hồi, mà chỉ có thể rút kinh nghiệm.
Chuyên gia kiến nghị xử lý những người cố tình tạo ra “ lỗ hổng” chính sách
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam kiến nghị: phải xử lý những người cố tình ban hành chính sách sai gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Hùng, ở Việt Nam lỗ hổng chính sách rất nhiều và ai cũng nhìn thấy, nhưng những người tham mưu, những người ban hành chính sách sai thì chưa ai bị xử lý cả. Điều này là bất bình đẳng pháp luật.
Liên quan đến những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi từ lỗ hổng của chính sách pháp luật, theo ông Hùng phải làm rõ ở đây có hành vi cố ý tạo ra “lỗ hổng” chính sách không? Nếu có thì phải xử lý đối với những người ban hành chính sách. Bởi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo cá nhân tôi là Nghị định “có vấn đề” nhất, là Nghị định chống lại cơ chế thị trường. Do đó phải xử lý nghiêm minh người ban hành mới lập lại trật tự thị trường xăng dầu được. Nếu chỉ xử phạt hành chính, thu hồi theo hướng dân sự thì không được. Vì như thế, doanh nghiệp vì lợi nhuận chấp nhận xử phạt, xong rồi lại vi phạm tiếp. Còn “thủ phạm” chính là chính sách sai gây thiệt hại ngân sách giúp doanh nghiệp hưởng lợi lại vô can.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, phải xử lý người ban hành chính sách sai. Vì xử lý thì họ mới nâng cao trách nhiệm và làm gương cho những người sau thực hiện tốt hơn, làm việc tốt hơn. Về hình thức xử lý, Luật sư Đức đề nghị nhẹ thì phê bình kiểm điểm, nặng hơn thì cảnh cáo hạ mức lương, nặng hơn nữa thì sa thải, miễn nhiệm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý theo hướng hình sự.
Đình Nguyễn