Liêm chính doanh nghiệp: Cách ‘dụ’ nhân tài

Các nghiên cứu chỉ ra, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì họ vừa là nạn nhân, vừa là nhân tố thúc đẩy tham nhũng. Thực hiện liêm chính DN chính góp phần đẩy lùi tham nhũng, nâng cao năng lực cho DN, đặc biệt giúp thu hút nhân tài nhiều hơn.

Theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thực tiễn hiện nay, tham nhũng là vấn nạn và thách thức đối với DN hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tham nhũng trong khu vực tư đang ngày càng phát triển và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Cuộc điều tra trong khuôn khổ sáng kiến “Xây dựng năng lực cho các DN nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” cho thấy, khi được hỏi về hình thức đối phó với các hành vi đòi hối lộ có đến 31% DN sẵn sàng đưa hối lộ, 47% DN đưa hối lộ nhưng sẽ thỏa thuận để có một dàn xếp có lợi hơn. Chỉ 1/3 số DN nghĩ đến việc sử dụng cơ chế chính thức như tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền hay các hiệp hội DN.

Còn trong DN, các hành vi tham nhũng khá đa dạng như: Đòi hoa hồng, gửi giá, lại quả, gợi ý, đòi nhận lợi ích bất chính từ đối tác của mình để mang lợi cho họ và gây thiệt hại cho DN của mình, tạo điều kiện thanh toán thuận lợi để vụ lợi, gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư, gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của DN mình vì vụ lợi…

10

Xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và ngày 1/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018. Điểm mới của Nghị định là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra cả khu vực ngoài nhà nước… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng.

Đánh giá về thực trạng tham nhũng hiện nay, TS.Trần Đức Lượng - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trong vấn nạn tham nhũng, DN được nhìn nhận dưới góc độ vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của tình trạng này. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, khu vực tư đôi khi là “sân sau” của hành vi tham nhũng trong khu vực công. Vì vậy, để PCTN hiệu quả, không thể không làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực tư. Luật và nghị định đã có hiệu lực nhưng việc thực thi hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lượng cho biết thêm, trên thực tiễn, hiện nay, ngoại trừ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia có đại diện Việt Nam vốn đã có bộ quy tắc ứng xử DN và cơ chế kiểm soát nội bộ rất tốt, còn lại nhiều DN trong nước vấn đề này vẫn là một khâu yếu. Trong khi đó, không ít DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước hiện nay còn có những nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề này khi “bị” Luật PCTN đưa vào đối tượng điều chỉnh. Họ cho rằng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào khu vực tư, coi PCTN là của khu vực công, do vậy họ quan niệm rằng Nhà nước hãy cứ làm tốt PCTN trong khu vực công đi đã rồi hãy tính đến PCTN trong khu vực tư. Thậm chí họ còn lo ngại hiệu ứng ngược, tức nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan PCTN bởi PCTN ở khu vực công đã rất khó khăn, rất động chạm, giờ mở thêm quyền hạn chống tham nhũng sang khu vực tư thì các cơ quan PCTN sẽ ưu tiên PCTN trong khu vực tư hơn…

Đặc biệt, bà Catherine Phương - Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cũng khẳng định, tham nhũng, hối lộ sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, tăng bất bình đẳng xã hội. Do đó, việc thực hiện pháp luật đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía Chính phủ mà còn từ phía DN. DN cần đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc thực hiện pháp luật và quy định. Đồng thời, phải đảm bảo thúc đẩy công bằng, bao trùm, liêm chính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính hoạt động kinh doanh của mình...

Cũng theo bà Catherine Phương, DN liêm chính sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn. Thực tiễn, nhiều nhân viên của công ty đa quốc gia là người Việt Nam có năng lực cho biết, họ muốn làm việc tại các công ty đa quốc gia vì họ không muốn phải đối mặt với những “khúc mắc” làm giảm tính liêm chính trong hoạt động của DN.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/liem-chinh-doanh-nghiep-cach-du-nhan-tai.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin