Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Sau hơn 15 năm thi hành, đây là một trong những đạo luật quan trọng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thời kì hội nhập.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với những thay đổi, bổ sung mới trong hệ thống pháp luật, tính đến thời điểm này một số quy định trong Luật Thuế GTGT hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Luật Thuế GTGT có điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, với nguyên tắc của thuế GTGT; Một số quy định còn phức tạp, không thuận lợi trong quá trình thực hiện, gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế . Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm hoàn thiện quy định về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế…
Dự thảo Luật Thuế GTGT được thiết kế gồm 04 chương, 16 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng. Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Để góp phần hoàn thiện Luật Thuế GTGT (sửa đổi), tác giả xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất: về nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) mới đây đưa ra lấy ý kiến đã thu hẹp một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế như phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng...
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính như các khoản phí tại hợp đồng vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân... sửa đổi, bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như tài sản di chuyển; hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới; vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; hàng hóa trung chuyển; kinh doanh chứng khoán; giống cây trồng...
Không chỉ có vậy, tại Tờ trình, Ban soạn thảo cũng nêu lý do thực tiễn phát sinh vướng mắc, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Ban soạn thảo, quá trình toàn cầu hóa và xã hội hóa đang diễn ra phổ biến và nhiều lĩnh vực dịch vụ công ích đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công nêu trên, việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho thấy không còn phù hợp vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên thuế GTGT đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Theo đó, để khắc phục bất cập này, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.
Thứ hai: ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng
Điều 5.25 của Dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp so với thực tiễn hiện nay.
Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 ở nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng (18 triệu/năm) và 2.000.000 đồng/người/tháng (24 triệu/năm) ở đô thị. Trong khi đó theo Mục 1 Phụ lục 1 Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh, thì tỷ lệ tính thuế GTGT thấp nhất là hoạt động thương mại với tỷ lệ thuế GTGT là 1%, thu nhập cá nhân của hộ là 0.5%. Như vậy, nếu lấy doanh thu theo ngưỡng 150 triệu như Dự thảo thì tỷ lệ giá trị gia tăng của doanh thu không chịu thuế là: 15.000.000 đồng (150 triệu x 1% = 15.000.000 đồng) thấp hơn 18.000.000 đồng mức chuẩn nghèo.
Theo quy định hiện hành, căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân của hộ… Do đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với mục đích hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cũng như các chính sách phát triển giảm nghèo bền vững, có xét tới tình hình trượt giá, tỷ lệ lạm phát, điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mức chuẩn nghèo thay đổi và có phần tương đồng với thuế thu nhập cá nhân của hộ, thì quy định ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng không chịu thuế GTGT như Dự thảo vẫn là thấp. Thay vào đó, theo tác giả nên để ở cao hơn và tối thiểu là 200 triệu đồng.
Thứ ba: đối với dịch vụ tài chính phái sinh
Điều 5, Khoản 9, Điểm g của Dự thảo quy định đối tượng không chịu thuế “Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán: dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật.” Quy định này chưa bảo đảm thống nhất thuật ngữ với pháp luật trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và thương mại.
Luật Chứng khoán quy định ba loại chứng khoán phái sinh gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn. Pháp luật ngân hàng hiện cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp hai loại sản phẩm phái sinh là sản phẩm phái sinh lãi suất (tại Thông tư 01/2015/TT-NHNN) và sản phẩm phái sinh giá cả hàng hoá (Thông tư 40/2016/TT-NHNN). Luật Thương mại, dù không dùng từ “phái sinh”, nhưng cũng có quy định về hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn là các loại hợp đồng mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.
Để bảo đảm thống nhất về thuật ngữ, tránh phát sinh vướng mắc khi áp dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 5, Khoản 9, Điểm g theo hướng bao gồm toàn bộ các dịch vụ phái sinh gồm hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi và dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật.
Thứ tư: đối với thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu
Luật Thuế GTGT hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu. Nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu nên có nhiều tranh cãi phát sinh trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ của cán bộ thuế. Xuất phát từ thực tiễn này, Dự thảo đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, mà thay vào đó là áp thuế 10%. Các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng (về cơ bản là mức 10%).
Thương mại quốc tế là hoạt động rất quan trọng với các quốc gia. Cụ thể những hoạt động này có lợi ích như sau: Cho phép các quốc gia sử dụng hàng hóa số lượng lớn hơn khả năng sản xuất hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước. Hoạt động này có sự tác động qua lại, buộc các quốc gia phải tự tính toán, thay đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề, vùng miền để tăng khả năng cạnh tranh. Thương mại quốc tế không đơn thuần chỉ là xuất – nhập khẩu mà nó thể hiện sự phụ thuộc tất yếu của quốc gia vào phân công lao động. Thông qua hoạt động thương mại quốc tế, các quốc gia sẽ có thể xây dựng, hoạch định, ban hành chính sách kinh tế cho phù hợp với đặc thù kinh tế, trình độ phát triển. Tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp và gánh nặng xã hội.
Do đó, việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho nước ngoài gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ các quốc gia khác. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tác fiar đề nghị Ban soan thảo nên để thuế xuất 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu.
Thuế GTGT là một công cụ tài chính quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Vai trò của thuế GTGT không chỉ dừng lại ở việc tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, mà còn có tác động tích cực đến nhiều mặt khác của xã hội. Việc sửa đổi Luật thuế GTGT thực hiện theo các quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế
Việc sửa luật cũng được đặt ra thời điểm này do thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt, cũng như lâu dài đặt ra; tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành. Với ý kiến cá nhân của tác giả, kính mong Ban soạn thảo xem xét./.