Nghiên cứu những giải pháp của các quốc gia trên thế giới trong việc ứng phó với đà tăng giá xăng dầu là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong điều tiết mặt hàng quan trọng này tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia mở kho dự trữ
Theo đó, khi giá dầu thế giới liên tục leo thang, rất nhiều quốc gia đã mở kho dự trữ dầu để kiềm chế đà tăng.
Cụ thể, tháng 1 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo đã phê duyệt việc đổi 13,4 triệu thùng dầu thô từ Kho dự trữ dầu chiến lược cho 7 công ty. Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm điều chỉnh giá dầu.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xả 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược, sau khi giá dầu lên mức cao nhất trong 7 năm. Ước tính Mỹ đã xả gần 40 triệu thùng dầu qua các đợt trao đổi trước đó và bán 18 triệu thùng dầu.
Mới đây nhất, ngày 16/2, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo vào ngày 9/3 tới, nước này sẽ tổ chức bán đấu giá khoảng 1,64 triệu thùng dầu thô (tương đương 260 triệu lít dầu) từ kho dự trữ quốc gia. Đây là đợt "xả kho" thứ hai của Nhật Bản theo đề nghị phối hợp mà Mỹ đưa ra nhằm hạ nhiệt giá dầu trên thị trường.
Theo thông báo, số dầu trên sẽ bao gồm 110 triệu lít dầu từ kho chứa ở thành phố Tomakomai, tại miền Bắc Nhật Bản và 150 triệu lít dầu từ kho chứa của nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn Eneos ở thị trấn Kiire, miền Nam Nhật Bản.
Số dầu thô tại thị trấn Kiire thuộc sở hữu của nhà nước và được trữ trong các bồn chứa thuê của các công ty tư nhân.
Tháng 11/2021, Nhật Bản tuyên bố sẽ xả vài trăm triệu lít dầu theo đề nghị của Mỹ nhằm hạ nhiệt giá dầu, cũng như đổi bớt lượng dầu cũ trong kho dự trữ quốc gia. Trong đợt bán ra đầu tiên vào ngày 9/2, Nhật Bản đã bán tổng cộng 628.980 thùng dầu (tương đương 100 triệu lít dầu).
Nhu cầu phục hồi và nguồn cung hạn chế là nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt lên hơn 90 USD/thùng.
Tương tự, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc… cũng cho phép các công ty “tự nguyện giải phóng” kho dự trữ dầu lên tới hàng triệu thùng và cho rằng đây là bước đi hợp lý để hỗ trợ các thị trường toàn cầu khi đang hồi phục trong đại dịch.
Trợ giá xăng dầu để bình ổn thị trường
Đáng chú ý tại Nhật Bản, không chỉ mở kho dự trữ chiến lược mà quốc gia này còn quyết định áp dụng chính sách trợ giá đặc biệt cho mặt hàng xăng, dầu nhẹ, dầu hỏa và dầu nặng nhằm bình ổn thị trường.
Theo đó, ngày 25/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trợ cấp cho các nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản sử dụng biện pháp này.
Nhật Bản đã đưa ra quyết định trên sau khi giá bán lẻ xăng trung bình ở nước này chạm ngưỡng 170 yen/lít lần đầu tiên sau 13 năm và 4 tháng, đáp ứng các tiêu chí để kích hoạt hệ thống trợ giá.
Theo dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp 5 yen/lít cho 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong thời gian từ ngày 27/1 cho đến cuối tháng 3 năm nay để giúp giảm giá xăng, dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu.
Nhiều nước giảm thuế nhiên liệu
Chẳng hạn, tại Thái Lan, Chính phủ nước này quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%). Việc này nhằm giảm mức ảnh hưởng giá dầu đang ở "đỉnh" với hàng hoá tiêu dùng, vận tải. Chính phủ nước này ước tính, việc giảm gần 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht.
Ngoài giảm gần một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này, ở mức 30 Baht một lít.
Hay như tại Hàn Quốc, vào ngày 12/11/2021, Chính phủ nước này đã quyết định tạm thời giảm thuế nhiên liệu nhằm giảm bớt tác động xấu của giá dầu tăng cao đối với lạm phát tiêu dùng và đời sống người dân.
Các quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết việc giảm 20% thuế đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng (LPG) sẽ được duy trì trong sáu tháng đến hết tháng 4/2022.
Theo đó, thuế đối với xăng giảm từ 820 won (0,68 USD)/lít xuống còn 656 won (0,55 USD)/lít, thuế dầu diesel giảm từ 582 won/lít xuống còn 466 won/lít.
Tại quốc gia này, thuế, phí chiếm khoảng 40% giá xăng dầu…
Kiến nghị
Tại Việt Nam, trước diễn biến liên tục liên tục “leo thang” của giá xăng dầu trong thời gian gần đây, nhiều giải pháp tương tự các nước trên thế cũng đã được giới chuyên gia, nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý nhà nước đưa ra bàn luận, nghiên cứu cân nhắc như: Nên hay không mở kho dự trữ xăng dầu? có nên giảm thuế, phí để kìm giá xăng dầu?...
Tuy nhiên, với những đề xuất giải pháp đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Như có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế, phí để "kìm" đà tăng của giá xăng dầu có thể thực hiện được. Hay nên mở kho dự trữ xăng dầu quốc gia "kìm" đà tăng của giá xăng dầu …
Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, nếu trong lúc này thực hiện giảm thuế, phí đối với xăng, dầu sẽ khiến nguồn thu của nhà nước bị hạn chế, thiếu nguồn lực để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19; hay không nên mở kho dự trữ xăng dầu vào giai đoạn này vì kho dự trữ là để đề phòng thiên tai, hiểm họa.…
Thiết nghĩ, việc điều tiết một cách linh hoạt và kìm hãm tối đa đà tăng của giá xăng dầu trong lúc này là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, để giá xăng dầu ảnh hưởng đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, kìm hãm bằng cách nào để đạt hiệu quả cao nhất đồng thời không làm ảnh hưởng đến những mục tiêu khác thì cũng cần phải cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Do đó, nghiên cứu những bài học thực tiễn từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp chúng ta có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả và hợp lý, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế trong điều tiết mặt hàng quan trọng này tại Việt Nam.