Kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra sai phạm tại Đạm Ninh Bình

Được giao làm rõ thiệt hại về kinh tế tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản báo cáo Chính phủ và kiến nghị giao Bộ Công an vào cuộc điều tra tiếp.

Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, về việc xử lý sau thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý vi phạm tại dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân liên quan, đưa ra các biện pháp khắc phục tồn tại, sai phạm của dự án.

Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện dự án; kiến nghị giao Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý các sai phạm theo quy định pháp luật.

 Toàn cảnh dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Hiếu Công.
Toàn cảnh dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Hiếu Công.)

Cơ quan thanh cũng cho biết sau khi có kết quả xử lý của Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an, nếu còn có những nội dung cần thiết phải xử lý, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra theo chỉ đạo.

Trước đó, đầu tháng 3, Phó thủ tướng có văn bản giao Thanh tra Chính phủ làm rõ tổng mức thiệt hại về kinh tế tại dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, xác định các nội dung vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng vụ việc trước ngày 1/5.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được biết đến là 1 trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương. Bộ Công Thương đã thanh tra, có kết luận. Dự án do Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hoá chất - Vinachem) làm chủ đầu tư.

Nhà thầu EPC là Tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc (HQC). Dự án khởi công năm 2008, HQC bàn giao quyền chỉ huy nhà máy vào tháng 9/2012, được Đạm Ninh Bình vận hành từ đó đến nay

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động của nhà máy này.

Theo đó, Vinachem và Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án.

 Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư với số vốn 667 triệu USD (12.000 tỷ đồng), công suất 560.000 tấn urê/năm. Ảnh: Hiếu Công.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư với số vốn 667 triệu USD (12.000 tỷ đồng), công suất 560.000 tấn urê/năm. Ảnh: Hiếu Công.)

Kết quả sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 47,9 triệu USD, tương đương với 1.025 tỷ đồng. Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2012-2014 theo báo cáo tài chính ghi nhận là 1.719 tỷ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch là 694 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2017, đầu 2018, sau một thời gian dừng hoạt động, Nhà máy đạm Ninh Bình đã vận hành trở lại và có những sản phẩm đầu tiên.

Thanh tra Chính phủ sau đó có văn bản báo kết quả rà soát việc triển khai công tác thanh tra, kiểm toán điều tra đối với 12 dự án.

Theo cơ quan này, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng (Bộ Công an) đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan và có văn bản yêu cầu Vinachem cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan đến dự án.

Kiểm toán Nhà nước hiện đã cử tổ khảo sát đến dự án thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được chấp thuận đầu tư với số vốn 667 triệu USD (12.000 tỷ đồng), công suất 560.000 tấn urê/năm, cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, nhằm thay thế phân đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về giá và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho toàn miền Bắc.

Đạm Ninh Bình được khẳng định là dự án lớn nhất, sử dụng công nghệ hiện đại nhất châu Âu của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Nhưng vốn chủ sở hữu của Vinachem khi đó chỉ có 100 triệu USD và được phía Eximbank Trung Quốc đề nghị cho vay 250 triệu USD với lãi suất 4% một năm, với điều kiện ký kết hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin