Kiến nghị bít lỗ hổng cơ chế quản lý Giá nhìn từ một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đất đai

25/02/2022 09:13

(Pháp lý) – Phát biểu giải trình và làm rõ một số ý kiến ĐBQH về việc quản lý giá  tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận quản lý về giá bộc lộ nhiều lỗ hổng dẫn tới thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý giá, không những giá thiết bị y tế, mà kể cả giá sách giáo dục, giá đất …đều bất cập, cần phải hoàn thiện.

81-1636948261.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đúng là quản lý giá bộc lộ nhiều lỗ hổng…

Khuyết cơ quan giám sát, phản biện các Bộ và UBND  tỉnh trong thẩm định và quyết về Giá”…

Điều khoản điều chỉnh về thẩm quyền quản lý giá đối với giá chuyên ngành mà Bộ trưởng Bộ Tài chính nói đến đó là Điều 22 Luật Giá 2012. Cụ thể, tại khoản 3 Điều này, pháp luật quy định thẩm quyền và trách nhiệm định giá: “Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 19 của Luật này theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ”. 

Theo đó tại Điều 8 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định: Bộ trưởng các Bộ quy định giá hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành; thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện quy định giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; UBND cấp tỉnh quy định giá các loại đất; giá cho thuê đất, thuê mặt nước; giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về nhà ở…

Tuy nhiên bất cập nằm ở khoản 1 Điều 9 Nghị định 177 đó là quy định về trình và thẩm định phương án giá. Nếu như hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trình phương án giá sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tài chính (có nghĩa là còn có một cơ quan trung gian làm nhiệm vụ “gác cửa”); thì đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của các Bộ, do Bộ trưởng các Bộ quy định, thẩm định và quyết định giá đồng thời gửi đến Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát; hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định giá của UBND cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quy định trình, thẩm định và quyết định giá…

Các Bộ và UBND cấp tỉnh được trao toàn quyền quyết định về thẩm định phương án giá. Trong khi đó thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá tại Điều 26 và Điều 27 Luật Giá, quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”. Riêng đối với UBND cấp tỉnh được quyền “kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của UBND cấp tỉnh”. Và chỉ kiểm tra khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bình ổn giá, định giá; hoặc khi giá có biến động bất thường và theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Bình luận về các quy định trên của pháp luật, một chuyên gia luật cho rằng, rất khó để có một phương án giá khách quan, đảm bảo phù hợp theo nguyên tắc định giá của Nhà nước (quy định tại Điều 20 Luật Giá): “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”, trừ phi không có lợi ích nhóm chi phối. Không một Bộ nào hay UBND cấp tỉnh nào muốn tự kiểm tra hoặc yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá, để làm phát sinh thêm rắc rối. Vì làm như vậy có khác gì “tự lấy đá ghè chân mình”.

Vậy nên không có gì lạ khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở công lập, để lộ ra nhiều bất cập. Mặc dù Thông tư 14 được ví như giải quyết cơn khát về hành lang pháp lý trong bối cảnh các cơ sở y tế công lập đua nhau liên kết thực hiện xã hội hóa và Thông tư 15 đã quá lạc hậu. Không những trái với Luật Giá 2012 (vì loại bỏ vai trò thẩm định viên) mà Thông tư 14 còn cho phép các cơ sở y tế khi lập dự toán giá gói thầu nếu có phát sinh “trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể”. Trong cơ chế thị trường, để có bộ chứng từ “đẹp” cho giải trình và thuyết minh hợp lý về việc tăng giá thiết bị không phải là quá khó. Chỉ cần chứng minh được phiên bản mới, đời sản xuất… cũng đã thấy có sự vênh nhau về giá hợp lý. Trong khi đó phần lớn các loại trang thiết bị y tế đều được nhập khẩu từ các nước Châu Âu xa xôi, rất khó có cơ hội để người đứng đầu các cơ sở y tế tiếp cận trực tiếp giá …  
                              
Cũng như vậy trong lĩnh vực định đất đai, quy trình xây dựng Giá đất cụ thể, trước khi đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, do UBND cấp tỉnh toàn quyền quyết định. Quyết định của UBND tỉnh được thực hiện trên cơ sở căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất do Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh (tức Sở TNMT cấp tỉnh) trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét. Thế nhưng Hội đồng thẩm định giá đất (theo quy định tại khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Điều đó cũng đồng nghĩa, quy trình xây dựng Giá đất cụ thể của UBND cấp tỉnh không có cơ quan nào kiểm duyệt, hay nói cách khác không có phản biện.
     
Kẽ hở “ cốt tử” trên của pháp luật là hệ quả tất yếu để hình thành nên sản phẩm là các giá đất cụ thể theo kiểu áp đặt từ phía UBND cấp tỉnh, chính xác hơn từ ý chí của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh. Nếu như người đứng đầu có tâm, có tầm và lo nghĩ cho cái chung thì giá đất cụ thể sẽ hình thành đúng bản chất, phù hợp với với giá phổ biến trên thị trường. Ngược lại, giá đất cụ thể tất sẽ bị “dìm” để chảy vào túi nhóm lợi ích, còn ngân sách thì thất thu. 

Đến sự “cộng hưởng” từ những kẽ hở của các đạo luật liên quan 

Những kẽ hở trong quy định về quy trình và thẩm quyền quyết định giá của Luật Giá 2012 chỉ mới là điều kiện cần. Bản thân của phương án giá sẽ không thể gây ra hậu quả, ngân sách của Nhà nước sẽ không bị thất thoát nếu như không có thêm một quy trình khác tác động. Nói cách khác, hành vi sai phạm của các bị cáo trong các vụ án có liên quan đến mua sắm thiết bị vật tư y tế, đồ dùng dạy học và kể cả đấu giá quyền sử dụng đất hoàn thành khi vô tình có sự “cộng hưởng” từ những kẽ hở của những đạo luật có liên quan.

Trước hết đối với Luật Đấu thầu, trong đó kẽ hở lớn nhất đó là điều kiện chỉ định thầu. Ngoài việc cho phép chỉ định thầu trong điều kiện cấp bách (gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…), khoảng trống lớn nhất, đó chính là được phép: “chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện” (khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu). Với quy định này, các chủ đầu tư dễ dàng chứng minh được tính hợp pháp và hợp lý chỉ có một nhà đầu tư, để lách qua “cửa hẹp” chỉ định thầu đối với một nhà đầu tư tham gia đấu thầu.

Trong vụ án CDC Hà Nội, kết luận của Cơ quan điều tra cho biết, việc “thổi giá” máy xét nghiệm Realtime PCR tự động tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ CDC Hà Nội và “nhiều doanh nghiệp”, trong đó đặc biệt là vai trò của Công ty CP thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành. Công ty Nhân Thành đã cung cấp cho CDC Hà Nội chứng thư thẩm định khống đối với máy xét nghiệm Realtime PCR tự động của Hãng Qiagen - Đức, có giá trị 9,54 tỷ đồng.

Sự liều lĩnh bất chấp pháp luật của Công ty Nhân Thành xuất phát từ khoảng trống Luật Giá 2012 (quy định tại Điều 29 và Điều 42): Doanh nghiệp thẩm định giá có quyền được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.
        
Không chỉ trong lĩnh vực y tế, liên tiếp trong 3 tháng gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hàng chục bị can ở Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên do có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các vi phạm tại những địa phương này đều liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non và tiểu học. Đặc biệt, điểm chung về các sai phạm ở các tỉnh là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá.

Đặc biệt trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố (9/2021), bị can Nguyễn Văn Kiên – GĐ Sở GD&ĐT Điện Biên “khoán trắng” toàn bộ thủ tục từ xây dựng giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… đối với 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên lo từ A đến Z, kể cả việc ký kết hợp đồng thẩm định giá với Công ty BTCVALUE cũng được ký hợp thức, không có quyết định chỉ định thầu… Từ giá trị thực chỉ có hơn 8 tỷ đồng/2 gói thầu, các bị can đã thông đồng “thổi giá” lên gần 20 tỷ đồng…

82-1636948261.jpg
Khởi tố bắt giam bà Phạm Thị Hằng - nguyên GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng…

Trong vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” , nếu không có quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013: “Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”, thì các bị cáo sẽ không liều lĩnh giao khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM cho Sabeco Pearl (được hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền 1 lần); hay khu đất “vàng” rộng gần 5.000 m2, nằm tại số 8 - 12 Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM) giao cho Công ty CP đầu tư Lavenue để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. 

Cũng như vậy, trong đại án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco). Để làm “bốc hơi” khu đất 2–4–6 Hai Bà Trưng về tay tư nhân với số tiền thu về chỉ có 195 tỷ đồng, Sabeco đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của doanh nghiệp thẩm định giá Cushman&Wakefield - một trong số 03 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất. Chỉ đến khi vụ việc bị thanh tra, thì mới phát lộ số tài sản của Nhà nước mà Sabeco bỏ ra để theo đuổi dự án tới 92 tỷ đồng tiền mặt và khu đất có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng.

Để bịt được lỗ hổng trong quản lý giá và đấu thầu….

Trước tình hình trên, Bộ trưởng BộTài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã tham gia cùng với Bộ Y tế góp ý để đề nghị Chính phủ bịt chặt lỗ hổng này. Theo đó Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế đã ra đời, quy định trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết. Khi đã kê khai giá, nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, thậm chí bị xử lý hình sự. Trong kê khai giá, phải có yêu cầu nếu thiết bị y tế nhập khẩu thì nêu rõ giá nhập. Thiết bị sản xuất trong nước cũng phải được công khai các chi phí hợp lý. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính kỳ vọng Nghị định 98 sẽ bịt được lỗ hổng về quản lý giá trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên cũng chỉ mới dừng lại ở lĩnh vực y tế và như chúng tôi đã phân tích lỗ hổng về thẩm định giá chỉ mới là điều kiện cần. Vấn đề đặt ra là phải “bịt” được những lỗ hổng từ Luật Giá, Luật Đấu thầu và kể cả Luật Đất đai…

83-1636948261.jpg
Nghị định 98 bắt buộc trang thiết bị y tế phải kê khai giá. Khi đã kê khai giá, nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, thậm chí bị xử lý hình sự.

Từ thực tế cho thấy, kẽ hở của Điều 22 Luật Giá 2012 không nằm tất cả ở thẩm quyền thẩm định phương án giá mà là sự thiếu vắng vai trò của cơ quan trung gian làm trọng tài, giám sát. Có nghĩa việc quy định giao quyền cho các Bộ và UBND cấp tỉnh được quyền thẩm định phương án giá là cần thiết vì như vậy sẽ đảm bảo sự linh hoạt và kịp thời , nhưng quan trọng là bên cạnh đó, luật cần có quy định một cơ quan độc lập khác để thẩm tra và phản biện (chứ không phải làm nhiệm vụ “gác cửa” kiểu như Sở TN&MT, Hội đồng thẩm định giá đất) về giá trước khi các Bộ và UBND cấp tỉnh quyết định. Cơ quan độc lập đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phản biện, giám sát nếu yếu tố hình thành giá phát hiện có vấn đề (?)

Trong hoạt động đấu thầu, thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng, thế nhưng pháp luật (Điều 37, Luật Giá 2012) đã trao quyền cho thẩm định viên quá lớn. Trong khi đó, không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên. Vậy nên Luật Giá cần phải điều chỉnh vai trò của thẩm định viên theo hướng: Quyền đấy phải gắn liền với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, có độc lập, có khách quan hay không. Câu trả lời chỉ có thể tăng cường vai trò hậu kiểm của kiểm toán độc lập. 

Tuy nhiên sửa đổi Luật Giá sẽ không kì vọng mang lại tác dụng tích cực trong công tác quản lý giá nếu như những kẽ hở trong Luật Đấu thầu và Luật Đất đai không được đồng thời “hiệu đính”. Chỉ định thầu đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Hàng loạt các vụ án sai phạm về đấu thầu bị khởi tố thời gian qua. Từ đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... mỗi một lĩnh vực các đối tượng đã sử dụng những cách khác nhau để trục lợi và thủ đoạn thường xoay quanh các vấn đề như thẩm định giá hay chỉ định thầu. 

Cho dù thế nào thì chỉ định thầu vẫn là hình thức đấu thầu cần thiết không chỉ trong những hoàn cảnh cấp thiết. Vấn đề là Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai sửa đổi phải có chế tài để bắt buộc chủ sở hữu phải tuân thủ đầy đủ quy trình từ xây dựng giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… và sử dụng kết quả thẩm định giá với tinh thần vô tư vì cái chung chứ không vì lợi ích riêng tư hay lợi ích nhóm. 

VŨ LÊ MINH


 

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị bít lỗ hổng cơ chế quản lý Giá nhìn từ một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đất đai" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin