Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước những năm qua đã hướng vào những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả kiểm toán đặc biệt hữu hiệu trong phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí như: Kiến nghị xử lý tài chính tăng thu giảm chi từ các sai phạm được phát hiện qua kiểm toán chống thất thoát, lãng phí; kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách trong quản lý tài chính công, tài sản công; kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, trong dó có hành vi tham nhũng.
Thống kê từ năm 2011 (bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020) đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính là 231.946 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 741 văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; phát hiện và chuyển 17 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu tính riêng kết quả kiểm toán 02 năm 2016, 2017 từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có hiệu lực, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 129.683 tỷ đồng, gấp 1,27 lần số kiến nghị của cả giai đoạn 05 năm (2011-2015) liền trước (102.263 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 309 văn bản; phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra 06 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Với việc triển khai Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán từ việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước (Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005) sang việc quản lý tài chính công, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán toàn diện hơn đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài hoạt động (1) kiểm toán ngân sách thường niên đối với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, (2) kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các dự án, (3) hoạt động quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty... như những năm trước đây; trong 2 năm qua Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường, tiến hành nhiều hơn các cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng, đạt được nhiều kết quả đáng chú ý như: Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2014-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và một số địa phương; công tác quản lý và sử dụng đất đai, thu tiền sử dụng đất; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư; tăng cường thực hiện các cuộc kiểm toán định giá xác định giá trị doanh nghiệp...
Bên cạnh tăng cường hoạt động kiểm toán, công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng được thực hiện quyết liệt. Để nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là các kiến nghị về xử lý tài chính nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán... Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán chuyển biến tích cực: Năm 2015 là 64,3%, năm 2016 là 75,6%, năm 2017 là 78,2%, cho thấy hiệu lực và chất lượng kiểm toán ngày được nâng lên.
Theo Thùy Linh (noichinh.vn)
http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/201808/kiem-toan-nha-nuoc-kien-nghi-xu-ly-tai-chinh-231946-ty-dong-304359/