Kiểm soát thu nhập của quan chức - nhìn từ “lăng kính” luật pháp

10/07/2017 09:13

Dinh thự, tài sản của gia đình một số quan chức ở Yên Bái và một số địa phương ...đang là dẫn chứng điển hình về tài sản lớn của không ít quan chức. Họ có thu nhập hợp pháp bao nhiêu để có khối tài sản lớn đến vậy? Liệu họ có giải trình được nguồn gốc tài sản một cách hợp pháp? Những câu hỏi này không chỉ dành riêng cho các quan chức ở địa phương, Bộ ngành nào đó mà cả hệ thống cán bộ, công chức, đặc biệt là những người có chức, có quyền hiện nay, trong bối cảnh tệ nạn tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi.

Muốn đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng thì phải kiểm soát được quyền lực, kiểm soát được thu nhập quan chức và phải có một hệ thống pháp luật đủ chặt chẽ với chế tài mạnh có tác dụng răn đe. Nhưng xem ra vấn đề nan giải hiện nay chúng ta vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cơ chế biện pháp hữu hiệu để kiểm soát được thu nhập , tài sản của quan chức.

Dinh thự đặc biệt của gia đình quan chức

Chiều ngày 27/6, tại UBND tỉnh Yên Bái, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra nguồn gốc tài sản - trong đó có nhiều đất đai, dinh thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái. Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên do ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng làm trưởng đoàn.

Căn nguyên của đợt thanh tra là do thông tin báo chí phản ánh dinh cơ nguy nga, tráng lệ của ông Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái khiến dư luận dậy sóng. Ông Quý còn được dư luận quan tâm hơn vì là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà.

Sau khi dinh cơ này được phản ánh lên báo thì một tòa biệt thự đồ sộ khác đang hoàn thiện trên thửa đất có diện tích lớn, xung quanh có tường bao kiên cố và nhiều công trình phụ trợ, cũng được ống kính báo chí soi chiếu. Dinh cơ này theo Báo Giáo dục Việt Nam là của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.

Yên Bái là một tỉnh nghèo, người dân không thể không đặt câu hỏi thu nhập hợp pháp của hai ông Giám đốc Sở và gia đình như thế nào để có được dinh cơ hoành tráng như vậy. Trước những dư luận nhiều chiều gần đây liên quan đến khu nhà của giám đốc Công an tỉnh Yên Bái này, Bộ Công an cũng đã có chỉ đạo xem xét dinh cơ này.

 Ngày 27/6 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra khối tài sản của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái.
Ngày 27/6 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra khối tài sản của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái.)

Khó có thể coi là bình thường

Hai công trình trên đây chỉ là những dẫn chứng trong rất nhiều dẫn chứng về dinh cơ, tài sản khổng lồ của quan chức gây bức xúc dư luận thời gian qua. Nhưng điều bất ngờ (mà dân không thấy lạ) là kết quả phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2016 vừa công bố không phát hiện được một trường hợp tiêu cực nào trong kê khai tài sản của cán bộ công chức, nhiều tỉnh còn báo cáo không có tham nhũng.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hoá giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? ... Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không? Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động tiêu cực vào sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây thực sự là những cảnh báo không thể xem thường”.

Xem ra, kiểm soát tài sản của quan chức, ngăn ngừa, ngăn chặn tham nhũng là một nhiệm vụ có tính đặc biệt quan trọng hiện nay. Nhận thức đã rõ, nguy cơ đã rõ, nhưng kết quả lại rất hạn chế. Đó là điều tuyệt đối không thể coi là bình thường.

Hiệu lực, hiệu quả của pháp luật?

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của ta dường như đã khá đầy đủ. Về lý thuyết thì hệ thống pháp luật đã là một hành lang pháp lý cho hoạt động của bộ máy nhà nước đảm bảo đúng các nguyên tắc cơ bản, có thể ngăn ngừa được tham nhũng, tiêu cực.

Thứ nhất là công khai, minh bạch. Ngay từ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã có những quy định yêu cầu công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng; về tài chính và ngân sách nhà nước; việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; quản lý và sử dụng đất; trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán nhà nước; trong hoạt động giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; trong lĩnh vực tư pháp; công tác tổ chức - cán bộ; về phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai là xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý luôn liên quan đến việc sử dụng tài sản, vốn và ngân sách nhà nước. Việc thực hiện một cách tuỳ tiện và trái phép các tiêu chuẩn, chế độ, định mức đó sẽ dẫn đến việc tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tiền bạc hoặc những lợi ích vật chất rơi vào một số ít người, thực chất đó là sự hưởng lợi bất chính của những người có chức vụ, quyền hạn hoặc những người có quan hệ thân quen với người có chức vụ, quyền hạn. Đây chính là hành vi tham nhũng cần ngăn chặn.

image003Thứ ba là thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Luật phòng, chống tham nhũng đã qui định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Những điều cán bộ, công chức không được làm (thường gọi là những điều cấm); Nghĩa vụ báo cáo và xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng xảy ra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quy định về tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức, viên chức…

Thứ tư, đặc biệt là vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Luật đã quy định một cách khá toàn diện và đầy đủ những nội dung cơ bản nhất của một hệ thống minh bạch tài sản, bao gồm những vấn đề chính như sau: Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản hằng năm để tránh che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng; ngoài việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công chức còn phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Việc xác minh tài sản được tiến hành trong một số trường hợp nhất định.

Cuối cùng là vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định những nguyên tắc chung và nội dung cơ bản của tố cáo hành vi tham nhũng; quy định cơ chế bảo vệ người tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, khen thưởng người tố cáo...

Xem ra các qui định pháp luật về phòng, chống tham nhũng dường như khá chặt chẽ. Thế nhưng, thời gian qua, chuyện quan chức thu nhập từ lương không lớn lại "lộ" ra khối tài sản khủng đã gây xôn xao trong dư luận. Liệu những khối tài sản hàng chục tỷ thuộc sở hữu của quan chức và gia đình quan chức là sự giàu có chính đáng hay bất minh? Có hay không dấu hiệu tham nhũng để có được những khối tài sản khủng đó?

Có ý kiến cho rằng, việc chấp hành các qui định pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn hình thức, các thiết chế chống tham nhũng hoạt động chưa thực chất, chế tài xử lý cán bộ mắc sai phạm còn nhẹ, chưa có cơ chế tịch thu tài sản bất minh, thiếu cơ chế hữu hiệu kiểm soát thu nhập quan chức. ..Nếu không giải quyết được những bất cập này thì công cuộc phòng, chống tham nhũng còn rất gian nan.

Kinh nghiệm nước ngoài

Chống tham nhũng được nhiều quốc gia thực hiện rất tốt. Việt Nam có thể tham khảo ngay một thành viên ASEAN là Singapore. Theo quy định của Nhà nước Singapore, hàng năm viên chức, công chức, quan chức từ Trung ương tới cơ sở đều phải làm tờ khai báo một lần vào thời gian quy định. Việc làm này nhằm để báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về các tài sản của bản thân và của vợ (chồng). Với số tài sản tăng lên không giải trình rõ được nguồn gốc thì có thể bị coi là do tham nhũng mà có nên sẽ bị trưng thu. Ngoài ra, Nhà nước còn quy định: Các công chức, viên chức, quan chức Chính phủ không được phép vay nợ một khoản tiền quá lớn, vượt quá tổng số tiền của 3 tháng lương. Rõ ràng với quy định thứ hai này, khó ai có thể tham nhũng.

Với chế độ tiền lương ở Singapore, Chính phủ nước này có quy định mức trả tiền lương đảm bảo cho công chức, viên chức, quan chức từ cấp cao như Thủ tướng tới người bình thường như người làm công việc bảo mẫu đều đủ sống theo mức sống chung của xã hội Singapore. Ngoài ra, còn có thể chu cấp cho gia đình, bảo đảm cho con học hành.

Nhà nước Singapore có những quy định làm cho các quan chức, công chức khi muốn nhận một thứ tài sản, tiền hoặc hiện vật nào đó ngoài tiền lương, thì rất phiền toái. Các quan chức, công chức chỉ được nhận quà với trị giá 100 SGD trở xuống. Nếu trên mức đó thì người được tặng phải tìm cách từ chối, hoặc muốn nhận thì phải làm báo cáo xin phép lãnh đạo trực tiếp có ý kiến cho phép mới được nhận. Với giá trị phần quà vượt mức cho phép 100 SGD thì người nhận phải nộp công quỹ tính ra bằng tiền. Số tiền nộp lại này đưa vào tài khoản của "Quỹ nộp phạt" do nhận quà quá mức quy định. Còn nếu ai "dấm dúi" hối lộ và nhận hối lộ khi bị cơ quan điều tra phát hiện thì sẽ bị xử lý theo luật hình sự - bất luận người đó giữ chức vụ gì.

 Quang cảnh một Hội thảo tham vấn về thực trạng pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức tại Hà Nội
Quang cảnh một Hội thảo tham vấn về thực trạng pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức tại Hà Nội)

Ở Trung Quốc, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước Trung Quốc xác định là cuộc chiến lâu dài, phức tạp và gian khổ. Hoạt động phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc phải đi đôi với các biện pháp kỷ luật nghiêm minh, đồng thời phải tìm hiểu rõ những nguyên nhân, biểu hiện của tham nhũng. Ðảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra các vụ tham nhũng, tăng cường công tác phòng chống, loại bỏ những điều kiện dẫn tới tham nhũng và phải có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những quan chức tham nhũng theo đúng luật pháp quy định.

Ở Mỹ có Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ (OGE) là một tổ chức độc lập trong bộ máy Chính phủ Mỹ nhưng lại lập thành tích nổi bật trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này. Cứ cách 12 đến 18 tháng, OGE lại tổ chức một đại hội toàn quốc, hơn 600 người phụ trách công tác đạo đức trên cả nước về dự. Có thể thấy công việc chủ yếu của OGE là giám sát hướng dẫn, đào tạo và thẩm tra. Nó không can thiệp quá nhiều vào vụ án cụ thể, song cũng hợp tác với các ban ngành khác trong việc phạt các quan chức có vi phạm nặng.
Nhìn qua một số quốc gia như vậy để thấy có rất nhiều kinh nghiệm Việt Nam có thể tiếp thu để cuộc chiến chống tham nhũng – tệ nạn được coi như hiểm họa đe dọa sự tồn vong của chế độ, đạt được những kết quả khả quan hơn.

Vũ Chân Thư

Bạn đang đọc bài viết "Kiểm soát thu nhập của quan chức - nhìn từ “lăng kính” luật pháp" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin