Khung pháp lý tiền ảo, tài sản ảo

Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các thông lệ tốt của thế giới.

Yêu cầu từ thực tiễn

Cuộc CMCN 4.0 mang đến những cơ hội lớn, song cũng đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều thách thức. Một trong số đó là đòi hỏi phải xây dựng các khuôn khổ chính sách để quản lý, giám sát những yếu tố mới như tài sản ảo, tiền ảo...

Theo định nghĩa của NHTW Châu Âu (ECB), tiền ảo là một loại tiền số không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm - thường là người kiểm soát hệ thống, được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định. Sự khác biệt giữa tiền ảo và tiền điện tử là tiền ảo khi sử dụng với chức năng là đơn vị đo lường không giá trị không có sự tương xứng thực tế về địa vị tiền pháp định (legal tender status).

Quản lý tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam cần sớm thành lập các chương trình thử nghiệm pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể
Quản lý tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam cần sớm thành lập các chương trình thử nghiệm pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể)

Cần nhấn mạnh lại rằng, sự khác biệt cơ bản giữa tiền điện tử (e-money) và tiền ảo (virtual currency) nằm ở việc tiền ảo khi được sử dụng với chức năng là đơn vị đo lường giá trị không có được địa vị tiền pháp định (legal tender status) như tiền điện tử, tiền ảo cũng không được đảm bảo bằng tiền pháp định như tiền điện tử.

Tại Việt Nam, hiện nay, tiền điện tử đã được điều chỉnh theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt... Vấn đề ở đây là Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, khung khổ pháp lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo còn rất sơ khai, chưa hoàn thiện.

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ Trưởng Vụ Thanh toán cho biết, cách đối xử, quản lý đối với Bitcoin nói riêng và các tiền ảo tương tự khác nói chung ở các quốc gia thường có 4 cấp độ: cấm trên diện rộng như ở Nga, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan...; cấm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với việc không coi Bitcoin là đồng tiền pháp định và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp như tại Trung Quốc, Indonesia; cảnh báo rủi ro với người sử dụng, nhà đầu tư; hay chấp nhận như một phương tiện thanh toán như tại Nhật Bản (tuy Nhật Bản không coi Bitcoin là tiền pháp định).

Điều đó cho thấy hiện các quốc gia trên thế giới vẫn chưa có sự đồng thuận về tính pháp lý, cách thức đối xử, cơ chế quản lý, giám sát Bitcoin và các tiền ảo tương tự khác sao cho hiệu quả, tránh gây bất ổn đến thị trường tài chính.

Giới chuyên gia nhận định, trong tương lai, sự phát triển của công nghệ thông tin có thể dẫn tới một hệ thống tiền tệ toàn cầu với những giao dịch điện tử diễn ra theo thời gian thực. Do đó khả năng các NHTW gặp khó khăn trong việc kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính bởi thế, việc tập trung nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới được hình thành trong bối cảnh CMCN 4.0 là vô cùng cần thiết.

Th.S. Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cũng nhìn nhận thách thức đối với các NHTW để kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành tiền điện tử là các định chế tài chính phi ngân hàng tại nước ngoài. “Thách thức cũng đến từ việc hạ tầng thanh toán phát triển chưa đồng đều và chưa thật sự hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng thanh toán đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng mới, đặc biệt là các sản phẩm thanh toán ứng dụng công nghệ cao như ví điện tử, ví ảo (virtual wallets)...”, ông Hoè cho hay.

Nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý

Mới đây, tại một Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đối với tài sản ảo, tiền ảo do Bộ Tư pháp tổ chức, cơ quan chủ trì nhấn mạnh vai trò của khung khổ pháp luật trong thúc đẩy các thành tựu CMCN 4.0, trong đó có công nghệ liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, nhiều vấn đề pháp lý liên quan lĩnh vực này chắc chắn phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

Liên quan tới định hướng quản lý đối với tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/4, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. Trong đó yêu cầu các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.

Trong Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng cũng có đề cập tới hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

NHNN cũng đã có cảnh báo nhiều lần về hình thức huy động vốn đa cấp tiền ảo. Cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh việc những đồng tiền ảo như Bitcoin hay iFan không phải là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng nghĩa với việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Và từ 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Một chuyên gia tài chính khuyến nghị, để quản lý tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam, cần sớm thành lập các chương trình thử nghiệm pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời xem xét và đánh giá các mô hình kinh doanh về rủi ro, lợi nhuận, tính khả thi… áp dụng thí điểm trên một nhóm các đối tượng được xác định trước. Dĩ nhiên, không thể không xem xét các điều kiện pháp lý cụ thể, nghiên cứu tính ảnh hưởng, khả thi đến thị trường để từ đó điều chỉnh khung pháp lý ban đầu…

Theo Thời báo ngân hàng

Nguồn bài viết:http://antt.vn/khung-phap-ly-tien-ao-tai-san-ao-255397.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin