Khung khổ pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh còn nhiều khoảng trống…

30/12/2020 18:33

(Pháp lý) – Trái phiếu xanh là lĩnh vực đầu tư có tiềm năng phát triển rất lớn, thu hút nguồn vốn từ xã hội để thực hiện những dự án xanh – dự án tác động tích cực đến môi trường để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai. Tại Việt Nam, dù cơ chế chính sách phát triển thị trường này đã cơ bản được hình thành. Song đây vẫn là một công cụ huy động vốn khá mới mẻ trên thị trường, chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nguyên nhân đầu tiên là do khung khổ pháp lý đối với trái phiếu nói chung và trái phiếu xanh còn nhiều khoảng trống. Do đó, để phát triển thị trường trái phiếu xanh, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu xanh.

Sẽ phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021

Trái phiếu xanh là lĩnh vực đầu tư có tiềm năng phát triển rất lớn

Ngày 9/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ phát triển Đức, Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổ chức hội thảo Công bố báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2019 và Đối thoại về các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sự kiện thu hút sự quan tâm tham dự của gần 200 đại diện các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước phát triển tích cực, khẳng định vai trò huy động vốn hiệu quả cho các chủ thể trong nền kinh tế, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019, tăng 2,15% so với mức 10,85% GDP thời điểm cuối năm 2019, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cũng tại hội thảo, Nguyễn Hoàng Dương cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cộng thêm tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm nên kế hoạch phát hành trái phiếu xanh theo đó cũng bị kéo dài. Hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có kế hoạch phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021.

Về phía các doanh nghiệp, ông Dương cũng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các nhà tài trợ làm việc với một số doanh nghiệp để xem xét khả năng phát hành trái phiếu xanh trong thời gian tới. Đồng thời, tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tư vấn, phát hành trái phiếu xanh.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trái phiếu xanh là lĩnh vực đầu tư có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới. Trái phiếu xanh liên quan đến lĩnh vực đầu tư sạch, bao gồm: môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp… sẽ trực tiếp tác động đến mảng năng lượng sạch và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Nhiều chính sách định hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh

Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính định hướng về phát triển thị trường trái phiếu xanh như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020…

Theo đó, các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trái phiếu xanh để thực hiện các dự án xanh.

Trong đó bao gồm việc xây dựng, hoàn thiện khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh; huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành trái phiếu xanh cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…

Thị trường trái phiếu xanh đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, các quy định pháp luật về trái phiếu xanh cũng như thị trường trái phiếu xanh chủ yếu nằm trong 2 văn bản pháp luật là Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, Nghị định 163 đã đưa ra khái niệm “Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường” cũng như đưa ra nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu xanh; công bố thông tin trước đợt phát hành, công bố thông tin định kỳ,…

Còn theo quy định tại Nghị định số 95 trái phiếu xanh là loại trái phiếu Chính phủ phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, các quy định này được coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phát hành trái phiếu xạnh cũng như phát triển của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định số 95 trái phiếu xanh là loại trái phiếu Chính phủ phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Khung pháp lý còn nhiều khoảng trống

Mặc dù, cơ chế chính sách phát triển thị trường đã cơ bản được hình thành. Song thực tế cho thấy, hiện nay trái phiếu xanh vẫn là một công cụ huy động vốn khá mới mẻ trên thị trường, chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Việc phát hành trái phiếu xanh mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm, chưa thu hút được sự tham gia của các chủ thể khác như ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trong những ngành nghề “xanh” có liên quan. Điều này dẫn đến những tác động nhất định đến sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh trên thị trường.

Cần khoả lấp nhiều khoảng trống pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu xanh

Theo đó, trên cơ sở triển khai thí điểm trái phiếu xanh, hoạt động phát triển thị trường trái phiếu xạnh tại Việt Nam cũng đã bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Theo đó, năm 2016, TP. Hồ Chí Minh phát hành 523 tỉ đồng để tài trợ cho 11 dự án xanh (quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững) và Bà Rịa – Vũng Tàu phát hành 80 tỉ đồng trái phiếu xanh để tài trợ cho một dự án về quản lý nguồn nước.

Đến năm 2018, theo thống kê sơ bộ, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án; Bà Rịa – Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, cuối tháng 8/2019, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm ; Công ty cổ phần Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.

Như vậy, có thể khẳng định nhu cầu vốn thực hiện các dự án đầu tư sạch, tăng trưởng xanh, bền vững cũng như tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu xanh hiện nay là rất lớn, nhưng việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu xanh còn rất hạn chế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do khung khổ pháp lý đối với phát triển trái phiếu xanh hiện tại ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống.

Đặc biệt, Chính phủ mới chỉ ban hành các văn bản mang tính định hướng, phát triển chung cho thị trường vốn xanh mà chưa có những văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể về thị trường trái phiếu xanh, đặc biệt là tiêu chí về trái phiếu xanh trong nước, cơ chế giám sát, quản lý sử dụng nguồn vốn xanh huy động từ trái phiếu xanh, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan…

Bên cạnh đó còn tồn tại những khó khăn nhất định liên quan đến thị trường trái phiếu, cơ chế chính sách liên quan, sự đa dạng trong sản phẩm trái phiếu xanh cũng như nhận thức của nhà đầu tư về môi trường.

Nhu cầu vốn thực hiện các dự án đầu tư sạch, tăng trưởng xanh, bền vững cũng như tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu xanh hiện nay là rất lớn, nhưng việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu xanh còn rất hạn chế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do khung khổ pháp lý đối với phát triển trái phiếu xanh hiện tại ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống.

Thay lời kết

Để trái phiếu xanh thực sự trở thành một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả nhằm đáp ứng được nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần trú trọng một số giải pháp như sau:

Phát triển thị trường trái phiếu xanh dựa trên giải quyết những vướng mắc của thị trường trái phiếu chung hiện nay để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo tính thanh khoản cho trái phiếu cũng như vấn đề minh bạch thông tin nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh; ban hành các quy định, điều kiện về trái phiếu xanh, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh; cơ chế báo cáo, công khai thông tin về việc phát hành, quản lý sử dụng vốn trái phiếu cho các dự án xanh nhằm thuận lợi cho việc kiểm soát nguồn vốn vào các dự án xanh.

Nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi đối với phát hành trái phiếu xanh như: cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ đầu tư về thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi khi phát hành trái phiếu xanh; chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo thông qua phát hành, niêm yết trái phiếu xanh …

Thực tiễn đặt ra yêu cầu sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh; Theo đó cần có quy định cụ thể về điều kiện về trái phiếu xanh, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh; cơ chế báo cáo, công khai thông tin về việc phát hành, quản lý sử dụng vốn trái phiếu cho các dự án xanh nhằm thuận lợi cho việc kiểm soát nguồn vốn vào các dự án xanh.

Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Khung khổ pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh còn nhiều khoảng trống…" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin