Khởi tố, xét xử nhiều vụ án hình sự liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19: “ Chống dịch như chống giặc”, cần xử lý nghiêm minh để răn đe.

(Pháp lý) - Trong lúc cả nước đang cùng chung tay, dồn sức phòng chống dịch Covid-19, phải tạm thực hiện cách ly xã hội, đình trệ nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống, để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vậy mà vẫn có những người rất vô tâm, ích kỷ, thiếu ý thức trách nhiệm công dân, xem thường pháp luật, có những hành vi vi phạm rất đáng trách, có thể gây hiểm họa cho cộng đồng. Nhiều hành vi vi phạm đã bị phát hiện, bị dư luận lên án, và bị xử phạt hành chính, thậm chí bị khởi tố điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Chống dịch như chống giặc, không thể nào biện hộ, bao che, dung túng cho những hành vi trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ các quy định phòng dịch, cố ý làm lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cản trở, thậm chí là hủy hoại hiệu quả công tác phòng chống dịch…

Khởi tố vụ án hình sự làm lây lan dịch Covid-19 tại TP. HCM

Khởi tố hình sự nhiều vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh covid.

Trong những ngày cả nước “gồng mình” chống dịch, lại có những người rất vô tâm, vô trách nhiệm đến mức “hồn nhiên” như người ngoài cuộc, không biết gì về hiểm họa dịch Covid-19. Một nhóm khoảng 30 người từ Lào về đang trong khu cách ly tập trung tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức tiệc ăn nhậu ngay trong khu cách ly để ăn mừng… sắp hết hạn cách ly. Lý Quất Hùng (ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã khai báo y tế gian dối; sau khi sang Campuchia làm thuê, trở về Việt Nam, vừa hoàn thành cách ly y tế tập trung, được trở về nhà, Hùng lại không về mà đến TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) khai báo gian dối để được… đưa đi cách ly tập trung một lần nữa (do khi cách ly thì được nuôi ăn ở, chăm sóc miễn phí). Một vài trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung vì… nhớ nhà, làm địa phương phải vất vả truy tìm vì có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, rồi khiến cả nhà của họ cũng phải cách ly. Cùng với những kẻ nhẫn tâm lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, lừa đảo, trục lợi trái phép còn có những kẻ tung tin giả trên mạng xã hội bịa đặt, xuyên tạc liên quan việc phòng chống dịch để câu view, thu hút sự chú ý của cộng đồng. Đã có rất nhiều trường hợp có các hành vi vi phạm như vậy bị xử phạt hành chính.

Ngày 15/4, CAH Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Tuân SN 1998, trú tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Đêm 10/4, tổ công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Kiến Thụy làm nhiệm vụ tại khu vực gầm cầu chui Việt Hàn, thì phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy chở một phụ nữ không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao. Khi bị Thiếu úy Đặng Trí Chung - CAH Kiến Thụy ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nam thanh niên này không chấp hành còn tăng ga, tông thẳng vào Thiếu úy Chung khiến anh bị gãy xương cánh tay bên phải (giảm 23% sức khỏe).

Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong cả nước, cơ quan CSĐT các cấp cũng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 về các hành vi chống người thi hành công vụ, tung tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Ngày 15/4, Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Trường An (SN 1990) trú tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh khi đối tượng này có hành vi điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang. Cán bộ chốt kiểm dịch nhắc nhở, An tỏ thái độ khó chịu, đi lấy dao quay lại chốt đâm Trưởng Công an xã. Cùng hành vi này, 3 đối tượng ở Hà Nội và một đối tượng khác ở TP Cần Thơ cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Liên quan đến hành vi đưa thông tin sai sự thật về COVID-19, chiều 10/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Vĩnh Sơn (SN 1993) trú tại xã Đạ PLoa, huyện Đạ Huoai khi đối tượng này có hành vi dùng facebook giả mạo loan tin có người tử vong vì COVID-19 tại Đà Lạt khiến dư luận trong tỉnh hoang mang, lo lắng.

Cùng hành vi này, Công an TP Vinh ngày 18/4 cũng đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hoài Nam (SN 1976) trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh để điều tra về hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự. Trước đó, từ ngày 13 - 18/4, trên mạng xã hội facebook, một tài khoản có tên "Nam Hoài Nguyễn Trọng" đã đăng tải: "Việt Nam đã có ca chết vì COVID đầu tiên! Cam đoan chính xác", hay "Xác nhận đã có ca chết vì Corona đầu tiên tại Việt Nam. Là bệnh nhân tại Bạch Mai"; "Theo nguồn tin bật mí, có 3 người Việt Nam chết vì COVID-19 mà chính quyền giấu nhẹm! 2 Hà Nội, 1 Nghệ An…". Vào cuộc điều tra, cơ quan Công an xác định, chủ tài khoản facebook đăng những thông tin sai sự thật trên là Nguyễn Hoài Nam. Đối tượng này thừa nhận, chỉ vì muốn gây sự chú ý trên mạng xã hội facebook nên đã tự bịa ra những thông tin, bài viết sai sự thật với nội dung như trên để đưa lên mạng xã hội. Hiện, cơ quan Công an đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng Nam trước pháp luật.

Trong khi cả nước đang tập trung dồn lực vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì cá biệt một đối tượng tại Lâm Đồng cố tình đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận; một đối khác tại Tiên Yên, Quảng Ninh không đeo khẩu trang, chống người thi hành công vụ bị tuyên án 9 tháng tù và một nhóm đối tượng tụ tập đua xe tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Những vụ án đã được khởi tố và xét xử trên nêu cao được tính răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19.

Theo thông tin công bố từ Công an tỉnh Lâm Đồng, cơ quan điều tra Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối tượng Đ.V.S – sinh năm 1993, xã Đạ P’Loa, huyện Đạ Huoai để điều tra về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Vụ việc tại Lâm Đồng được xem là vụ việc đầu tiên trên cả nước liên quan đến tung tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 bị xử lý hình sự.

Hành vi vi phạm của đối tượng được xác định: Do có mâu thuẫn với nick facebook Hồ Hoàng Duy nên giữa tháng 3-2020, Sơn lập 1 tài khoản facebook lấy tên Hồ Hoàng Duy, lấy hình ảnh từ facebook Hồ Hoàng Duy thật đăng lên facebook Hồ Hoàng Duy giả. Đến sáng sớm đối tượng đã đăng tải trong nhóm “Việc làm thêm học sinh, sinh viên Đà Lạt” thông tin “Đà Lạt có 3 ca nhiễm Covid-19, trong đó 1 ca đã tử vong lúc 4h sáng nay, 2 ca còn lại đang được cách ly…” gây hoang mang dư luận.

Một vụ việc cá biệt khác xảy ra tại Hà Nội. Trong khi cả nước đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm cách ly xã hội, thì một nhóm đối tượng thanh niên tụ tập đông người, đua xe tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói là nhóm đối tượng có cả nam và nữ thanh niên, tuổi đời còn rất trẻ, có biểu hiện tụ tập, cổ vũ, điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm. Các đối tượng này có hành vi lạng lách, thậm chí là bốc đầu xe, phóng nhanh tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm gây mất an ninh trật tự. Hành vi của các đối tượng này không những có nhiều dấu hiệu rõ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi tụ tập quá 2 người tại địa điểm công cộng, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m và ra đường không đúng mục đích thiết yếu.

Đặc biệt là các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch, chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch cũng như đưa tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội. Đối với những hành vi vi phạm nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Trong đó, nhiều vụ án được khởi tố liên quan đến khai báo y tế, cách ly làm lây lan dịch bệch đã gây lo ngại trong công đồng. Trong đó phải kể đến các vụ khởi tố điển hình trong thời gian vừa qua.

Ngày 1/1/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố 5 bị can liên quan đến đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép xảy ra ngày 24.12.2020 trên địa bàn H.An Phú, An Giang. Nhóm 9 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam qua tuyến biên giới tỉnh An Giang do Hùng móc nối thực hiện đã có 4 trường hợp mắc Covid-19, gồm các BN: 1440, 1451, 1452, 1453. Các bị can bị khởi tố, gồm: Phan Phi Hùng (41 tuổi), Trương Chí Tài (29 tuổi), Lê Văn Dinh (tên gọi khác Hiền, 30 tuổi), Phạm Thanh Hập (tên gọi khác Hạp, 30 tuổi), Trang Văn Út (31 tuổi, tất cả đều ngụ H.An Phú, An Giang).

Trong đó, Phan Phi Hùng móc nối với những người ở Campuchia tổ chức đưa nhóm bệnh nhân (BN) 1440 vượt biên trái phép vào Việt Nam. Các bị can Tài, Dinh, Hập, Út là do Hùng câu móc để chở người nhập cảnh trái phép qua đường biên giới thuộc H.An Phú đi TP.Châu Đốc hoặc chở đến các địa điểm mà người vượt biên yêu cầu. Ngoài việc khởi tố 5 bị can nêu trên, Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và bắt các đối tượng có liên quan để sớm đưa ra Pháp luật xử lý nghiêm minh.

Ngày 11/1/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với D.T.H. 28 tuổi, bệnh nhân 1342 (BN1342), tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines, để điều tra theo điều 240 Bộ luật hình sự. Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, ngày 14/11/2020, BN1342 đi trên chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam và được tổ chức cách ly theo quy định tại Khu cách ly của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, BN1342 không thực hiện nghiêm việc cách ly, đã gặp gỡ người cùng được cách ly trong khu khác, và bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân này (BN1325).

Sau khi được rời khỏi Khu cách ly Vietnam Airlines để về cách ly tại nhà, BN1342 tiếp tục không thực hiện nghiêm việc cách ly mà vẫn ra ngoài đi ăn, đi uống cà phê, đi học tại Trường Đại học HUTECH, đặc biệt là gặp gỡ, dẫn tới lây lan dịch bệnh cho người khác. Cụ thể ở đây, là BN1347 và sau đó, có thêm hai BN lây nhiễm từ BN1347 là BN1348 và BN1349.

Và mới đây nhất, ngày 22/2, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người,” xảy ra tại số 15 Trần Sùng Dĩnh, khu 14, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương.

Theo thông tin ban đầu, trong thời gian từ 1-15/2, bà N.T.T (sinh năm 1969, trú tại 15 Trần Sùng Dĩnh, khu 14, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương) là người nghi mắc COVID-19 nhưng không thực hiện đúng các quy định, công tác khai báo y tế và phòng, chống dịch, có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh cho ông M.Q.H, cháu M.N.M và bà V.T.C cùng trú tại số 15 Trần Sùng Dĩnh; đồng thời làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, cách ly gây thiệt hại đến kinh tế của địa phương.

Liên quan đến chùm ca bệnh lây nhiễm COVID-19 phức tạp tại TP Hải Dương, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, cơ quan Công an đã nhiều lần làm việc với bà T. nhưng bà không khai báo về việc đã đến Hội người mù thành phố Hải Dương và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân P.T.H. Đến 18 giờ ngày 17/2, sau khi thu thập dữ liệu cuộc điện thoại của bà T. với bệnh nhân P.T.H vào ngày 21/1, bà T. mới thừa nhận đã đến Hội người mù và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân P.T.H. Bà T. là người nghi ngờ mắc bệnh nhưng không khai báo đầy đủ thông tin liên quan đến dịch tễ của bản thân nên đã không được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, dẫn đến 3 người trong gia đình tiếp xúc trực tiếp với bà mắc COVID-19. Cơ quan chức năng nhận định bà T. đã làm lây lan dịch bệnh cho chồng, con và người giúp việc, làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, cách ly và gây thiệt hại kinh tế, gây hoang mang trong nhân dân.

Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 về ‘‘Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ quy định:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 5-10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.

b) Làm chết người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 10-12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

b) Làm chết hai người trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Xét xử nghiêm minh, kịp thời chấn chỉnh, răn đe

Tính từ đầu tháng 4/2020 đến nay đã có khá nhiều đối tượng bị khởi tố, đưa ra xét xử và lĩnh án tù do có hành vi chống đối, hành hung những người thực thi nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19. “Nổ phát súng” đầu tiên là phiên toà lưu động do TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh mở tại hội trường UBND xã Đông Ngũ. Bị cáo trong vụ án này là Đào Xuân Anh (còn gọi là Đào Văn Doanh), 30 tuổi, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ, theo Điều 330 BLHS 2015. Anh này không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, lăng mạ tổ công tác kiểm dịch, dùng mũ cối đánh người trực chốt. Với hành vi này, tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định xử phạt Đào Xuân Anh 9 tháng tù giam. Đây là vụ án đầu tiên liên quan đến COVID-19 được đưa ra xét xử.

Phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Đào Xuân Anh vì hành vi chống người thi hành công vụ được truyền hình trực tuyến tới 11 xã, thị trấn của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) ngày 10/4. Vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật TTHS 2015, kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án (ngày 08/4/2020) đến khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm (ngày 10/4/2020) chỉ có 03 ngày.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian chuẩn bị xét xử, nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử công khai trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là rất cần thiết, góp phần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh của người dân.

Phiên tòa xét xử bị cáo Đào Xuân Anh

Ngày 15/4, TAND TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương mở phiên xét xử vụ án “Chống người thi hành công vụ”, tuyên phạt bị cáo Trần Xuân Sơn (SN 1981) trú tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương 18 tháng tù giam. Ngày 5/4, đối tượng Sơn đã có hành vi dùng dao bầu đe dọa các thành viên Tổ cơ động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Nhị Châu, TP Hải Dương khi Tổ công tác làm nhiệm vụ nhắc nhở bà Trần Thị Cánh (là mẹ của Sơn) và các hộ kinh doanh chấp hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 10/4, TAND TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử sơ thẩm 2 bị cáo Nguyễn Công Trinh (SN 1983) và Kiều Văn Thanh (SN 1970), cùng trú tại TP Gia Nghĩa về hành vi “Chống người thi hành công vụ” liên quan đến việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Khi tổ công tác lập biên bản về hành vi "Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người", đối tượng Trinh đã lao vào giật và xé biên bản; còn Thanh tấn công cán bộ tổ công tác. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công Trinh 9 tháng tù, bị cáo Kiều Văn Thanh 12 tháng tù. Cùng hành vi này, đối tượng Vũ Thị Thu Vân (SN 1977) trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng cũng đã bị tuyên phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo khi đã có hành vi đe dọa thành viên tổ công tác, giật khẩu trang và tát vào mặt, vào đầu một cảnh sát khu vực khi tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Vân đo thân nhiệt và sát khuẩn tay.

Để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu đối với các địa phương có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, căn cứ vào tình hình thực tế, đề nghị Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu chủ động việc tổ chức xét xử hoặc tạm ngừng việc xét xử để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao tại Công văn 289/TANDTC-VP ngày 27/7/2020.

Đặc biệt, tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu Chánh án tòa án nhân dân, Chánh án tòa án quân sự các cấp và thủ trưởng các đơn vị thuộc tòa án nhân dân Tối cao chủ động phối hợp với cơ quan tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép (Điều 347), tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348), tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349), tội Cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 350); bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu các Chánh án TAND, Tòa án quân sự và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân Tối cao cần tiếp tục thực hiện đúng các yêu cầu tại các văn bản trước đó và kịp thời triển khai thực hiện chỉ đạo trên.

9 tội danh được áp dụng xét xử trong đại dịch COVID-19, theo Công văn 45 ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn chi tiết các hành vi vi phạm phổ biến trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Bao gồm: Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội làm nhục người khác; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội đầu cơ; tội chống người thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bài học về tuân thủ các quy định pháp luật để bảo vệ cộng đồng

9 tháng tù giam là bản án nghiêm khắc cho bị cáo Đào Xuân Anh (còn gọi là Đào Văn Doanh), 30 tuổi, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ, theo Điều 330 BLHS 2015. Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đã và đang có ý định phạm tội, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Bài học, làm gương để mỗi công dân có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Mỗi người phải thấy rằng mình có trách nhiệm với cộng đồng. Bài học hay trong thực tiễn xử lý hành vi chống người thi hành công vụ liên quan tới COVID-19, đối với mỗi cá nhân, công dân, cơ quan, tổ chức, cần tôn trọng, thực hiện các yêu cầu, quyết định của người thi hành công vụ.

Có thể nói việc xét xử hành vi vi phạm của Đào Xuân Anh là kịp thời và nghiêm khắc không chỉ để xử lý người phạm tội, mà còn mang ý nghĩa răn đe, giáo dục những người khác để từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự áp dụng thủ tục rút gọn để đưa vụ án ra xét xử kịp thời, nhanh chóng cũng như việc lựa chọn xét xử lưu động và truyền hình trực tuyến rộng rãi phiên tòa xét xử đã tạo hiệu quả tuyên truyền mạnh mẽ khi mà ý thức người dân là mấu chốt quan trọng để chúng ta chiến thắng dịch bệnh trong thời điểm hiện nay”.

Từ vụ án điểm đầu tiên tại Quảng Ninh đến hàng loạt các vụ khởi tố, xét xử liên quan đến việc tuân thủ, thực hiện các quy định trong phòng chống dịch bệnh covid 19 như: Chống người thi hành công vụ, thông tin sai sự thật gây hoang mạng trong cộng đồng, không thực hiện khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng …

Trong khi dịch bệnh xảy ra, các bị can trong vụ án này càng phải hết lòng, hết sức thực thi nhiệm vụ, thì họ lại không làm không đúng nhiệm vụ của mình, từ đó, có thể gây ra việc thất thoát nguồn lực tài chính không dư dả gì của đất nước, thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng đã có những dấu hiệu trục lợi cá nhân. Do liên quan trực tiếp tới công tác phòng chống dịch, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi mà các bị can đã thực hiện sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường. Đây quả thực là một bài học hết sức đau lòng dành cho với các bị can và cũng là bài học cảnh tỉnh chung cho những ai vì lý do nào đó mà quên đi lợi ích và sự an toàn của cả cộng đồng.

Bài học từ khởi tố, xét xử các vụ án liên quan đến Covid 19, đã có tác động đến tư tưởng, tâm lý của người dân về tuân thủ các quy định trong phòng chống dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch, theo dõi thông tin từ các trang chính thống, không nên nhẹ dạ cả tin vào các tin xấu, độc; kịp thời phát hiện các đối tượng xấu lợi dụng Covid để trục lợi, báo cáo ngay với chính quyền để có biện pháp xử lý. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, chúng ta có quyền đặt niềm tin vào việc dịch bệnh sớm sẽ được dập tắt, nhưng điều đó đến sớm hay không thì một điều kiện cần và đủ đó là hãy sáng suốt, đoàn kết, chung ta cùng các ban ngành để dập dịch.

Có thể thấy việc khởi tố, điều tra, xét xử các vụ việc liên quan đến phòng chống dịch bệnh covid 19 trong thời gian qua được thực hiện kịp thời, nghiêm túc trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ, có sức răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa cao đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật trong phòng chống dịch covid. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những người trên “tuyến đầu” đang hàng ngày, hằng giờ phòng, chống COVID 19 bảo vệ an toàn, sức khỏe và sự bình yên trong nhân dân.

Thành Chung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin