Khởi tố vụ án xảy ra tại C.ty Hải sản Mê Kông: Bài học và những khuyến cáo đối với chủ doanh nghiệp trong phòng chống dịch covid

(Pháp lý) - Ngày 26/10 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm qui định về an toàn ở nơi đông người, liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông. Vụ án đặt ra một số vấn đề pháp lý đối với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo qui định của pháp luật hiện nay thì pháp nhân thương mại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm qui định an toàn nơi đông người. Tuy nhiên trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra đối với các cá nhân là cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp này theo qui định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015

52-1635392307.jpg

Vi phạm qui định về phòng, chống dịch tại Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Tiền Giang, Công an huyện Châu Thành vừa khởi tố vụ án hình sự về vi phạm qui định về an toàn ở nơi đông người được qui định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời ra lệnh khám xét khẩn cấp đối với Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông, tọa lạc ấp Tân Thuận A, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Trước đó, ngày 21/10, một công nhân làm việc tại công ty này có biểu hiện ho sốt nên đến Bệnh viện Quân y 120 để khám, chữa bệnh. Qua test nhanh, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Nhận được thông tin, Công an huyện Châu Thành đã cử 4 Đội điều tra, truy vết nhanh chóng tiếp cận khu vực, phối hợp lực lượng Y tế để sàng lọc, điều tra dịch tễ các trường hợp nghi nhiễm.

Đến ngày 25/10, qua xét nghiệm, điều tra ban đầu, ổ dịch này đã có 85 ca nhiễm SARS-CoV-2 (82 ca PCR và 3 ca test nhanh) bao gồm cả người nhà của công nhân và 109 trường hợp F1.

Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông có thể phải đối mặt với những trách nhiệm pháp lý nào?

Liên quan đến vụ án trên, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết đây là một sự việc nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, một ổ dịch rất lớn và có nguy cơ lây lan nhanh, chính quiền địa phương sẽ phải bố trí một lực lượng rất lớn để điều tra, truy vết, tổ chức cách ly, xét nghiệm và điều trị cho những người dương tính với COVID-19. 

51-1635392307.jpg

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp.

Trường hợp có căn cứ cho thấy doanh nghiệp này đã vi phạm qui định về phòng, chống dịch bệnh, không đảm bảo an toàn trong phòng chống COVID-19 khi làm việc như: không kiểm tra sức khỏe định kỳ, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, phòng bệnh, không đảm bảo giãn cách, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch như cam kết, kế hoạch khi hoạt động kinh doanh thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự vi phạm qui định về an toàn nơi đông người là có căn cứ. 

Luật sư Cường cho biết, theo qui định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 thì chỉ doanh nghiệp nào đảm bảo an toàn mới được phép hoạt động. Hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm này phải tuân thủ các qui định về phòng chống dịch bệnh. Doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phải đăng ký kế hoạch với cơ quan chức năng; doanh nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ các qui định về phòng chống dịch bệnh tránh lây lan dịch bệnh trong các khu sản xuất; người lao động phải có cam kết về tuân thủ qui định trong phòng, chống dịch bệnh. 

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các qui định về phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phát sinh chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm qui định an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tiến hành điều tra để xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo qui định pháp luật. 

Đồng thời với việc khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ yêu cầu doanh nghiệp này tạm dừng hoạt động, tiến hành phun khử khuẩn, tổ chức cách ly y tế và xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cá nhân có liên quan. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng chống dịch bệnh theo qui định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời sẽ bị đình chỉ hoạt động cho đến khi đảm bảo an toàn chống dịch. Bên cạnh đó, mức phạt đối với doanh nghiệp có thể lên đến 40.000.000 đồng và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo qui định tại Điều 12 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. 

Đáng chú ý, việc khởi tố vụ án  xảy ra tại Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông  là một trong số ít những trường hợp cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến pháp nhân thương mại kể từ khi đại dịch bùng phát cho tới nay. Trước đó, đa số các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng đều liên quan đến hành vi của cá nhân. 

Người đứng đầu công ty, liệu có thoát trách nhiệm?

Theo Luật sư Cường, qui định của pháp luật hiện nay thì pháp nhân thương mại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm qui định an toàn nơi đông người. Tuy nhiên trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra đối với các cá nhân là cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp này theo qui định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc cao nhất đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên theo qui định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cũng qui định: "Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quiết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm qui định về an toàn ở nơi đông người theo qui định tại Điều 295."

Như vậy, theo qui định của pháp luật nêu trên trong trường hợp chủ cơ sở kinh doanh hoặc người quản lý đơn vị kinh doanh này không tuân thủ các qui định về phòng chống dịch bệnh, không đảm bảo an toàn lao động, an toàn nơi đông người dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phát sinh chi phí chống dịch từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức chế tài là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp hậu quả gây chết nhiều người hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì mức chế tài có thể lên đến 12 năm tù. 

Theo Luật sư Cường, qui định của pháp luật hiện nay thì pháp nhân thương mại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm qui định an toàn nơi đông người. Tuy nhiên trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra đối với các cá nhân là cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp này theo qui định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015

Đánh giá về vụ án này, Luật sư Cường cho rằng đây là một vụ án nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa đến an toàn của nhiều người, làm phát sinh nhiều chi phí và công sức trong việc phòng, chống dịch bệnh. Bởi vậy việc khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này là cần thiết để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Qua đây, cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra rà soát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Trong trường hợp phát hiện ra các vi phạm về phòng chống dịch bệnh thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh, sẽ xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động của các cơ sợ không đảm bảo an toàn. Trường hợp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự. 

Còn đối với trách nhiệm của nam công nhân làm lây lan dịch?

Theo Luật sư Cường, trong vụ án này, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có nam công nhân đã vi phạm qui định về phòng chống dịch bệnh như vi phạm qui định về cách ly y tế, khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này cũng có thể đến 12 năm tù. 

Cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, giáo dục qui định về phòng chống dịch bệnh cho toàn bộ cán bộ công nhân viên trong đơn vị mình. Doanh nghiệp nào để xảy ra vi phạm qui định về phòng chống dịch bệnh thì người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Trường hợp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự. 

Thay lời kết…

Mặc dù các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dịch COVID-19, nhưng vẫn có một bộ phận các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc tuân thủ qui định, làm lây lan dịch bệnh gây nguy hiểm cho bản thân cũng như trong cộng đồng. Do đó, bên cạnh biện pháp xử lý hành chính thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là rất cần thiết nhằm tác dụng răn đe, phòng ngừa chung, mà vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông là một ví dụ. 

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn của Bộ Y tế đã qui định các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện chống dịch. Trong thời gian tới, bên cạnh việc xử lý hình sự tội làm lây lan dịch bệnh đối với cá nhân thì cần có hướng dẫn cụ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, qua đó nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm phòng, dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp hiện nay.

Vũ Thủy


 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin