Khoan sức Dân và doanh nghiệp: chờ những chính sách kinh tế thiết thực từ ngành tài chính.

06/03/2020 18:13

( Pháp lý) - Dịch Co-vid 19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế và sức khỏe người dân của rất nhiều quốc gia. Đối với doanh nghiệp, bên cạnh khó khăn rất lớn về Thị trường, thì khó khăn thường trực đang đè nặng các doanh nghiệp hai tháng nay là chi phí thuê mặt bằng, tiền nộp thuế , bảo hiểm, lương nhân công …. Còn đối với người lao động thì nỗi lo mất việc…..

“ Sức khỏe” doanh nghiệp là “ sức khỏe” của nền kinh tế. Vậy nên, đây là thời điểm rất cần khoan sức Dân, doanh nghiệp bằng những chính sách kinh tế thiết thực, quyết liệt từ ngành tài chính để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh gây ra.

Chính Phủ và Ngân hàng đang rục rịch rải cứu DN bằng những gói tín dụng cụ thể. Còn ngành Thuế và Bảo hiểm thì sao…?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 với 7 giải pháp trọng tâm.
Gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng sẽ được triển khai thực hiện là một trong bảy nhóm giải pháp chính được nêu trong Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh của Thủ tướng.

Ngay lập tức, phía ngân hàng đã có hành động cụ thể. Theo đó, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1- 2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23-1-2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19.

Thủ tướng chỉ đạo trong cuộc họp với Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Ngân hàng đã có hành động cụ thể. Còn ngành Thuế và Bảo hiểm thì sao…?

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới giảm về quy mô vốn và quy mô lao động. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2020 có trên 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019), nguyên nhân do dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 nằm ngoài tất cả dự báo, Chính phủ, các tổ chức quốc tế lẫn giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã không lường trước được vì dịch bệnh, thiên tai vẫn luôn là ẩn số khó lường. Hiện một số ngành, lĩnh vực kinh tế đang chịu những ảnh hưởng khá rõ từ COVID-19 như tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm… Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên. Đó là những tác động trực tiếp trên diện rộng của dịch cúm.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Nghệ An - ông Nguyễn Đàm Văn chia sẻ với báo chí rằng, tâm lý hoang mang, lo sợ trong công đồng, nhân dân cũng là yếu tố làm cho tiêu thụ và sản xuất giảm mạnh. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và không có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn thì sắp đến doanh nghiệp có nguy cơ dừng sản xuất, thậm chí phá sản trên diện rộng.

Theo TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), mặc dù chưa có con số ước tính cụ thể về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới nền kinh tế nhưng chắc chắn tác động của dịch bệnh này sẽ rất lớn. Ngoài việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, Chính phủ cần có chính sách như giãn, hoãn, giảm thuế để doanh nghiệp có thể trụ được qua lúc khó khăn. Để bù đắp cho nguồn thu ngân sách bị sụt giảm, có thể giảm chi thường xuyên, thoái vốn mạnh hơn ở các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng trước mắt phải có các biện pháp để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, nhất là giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 15-17%.

Khoan sức Dân, doanh nghiệp: đang chờ những chính sách kinh tế thiết thực từ ngành tài chính…..( ảnh minh họa)

Doanh nghiệp đang rất ngóng trông và mong mỏi những quyết định thiết thực, kịp thời của ngành thuế lúc này… Đừng làm nửa vời và thiếu quyết liệt, sẽ gây tác hại rất lớn…

Nhân đây xin nêu ra một ví dụ về sự chậm trễ, nửa vời của ngành thuế, khiến không ít DN “ khóc ròng” . Theo thông tin trên báo Dân trí , một Nghị định liên quan đến ngành thuế đã ảnh đến nhiều Doanh nghiệp , khiến doanh nghiệp kêu than, nhưng ngành thuế mới chỉ sửa “một nửa”. Đó là Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ra đời năm 2017, tức là ba năm qua văn bản này vẫn như một rào cản và gây khó khăn cho khối doanh nghiệp trong nước. Và cuối năm 2019, ông Vương Đình Huệ - khi đó trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20 theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng một dự thảo Tờ trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20. Theo văn bản này, cơ quan quản lý thuế đã có một số động thái “sửa chữa” so với quy định hiện hành, cụ thể là tỷ lệ khống chế đã được điều chỉnh từ 20% lên 30% EBITDA; cho phép tính chi phí lãi thuần (lãi đi vay trừ đi lãi cho vay) và ngoại trừ một số sẽ không áp dụng Nghị định 20 như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các khoản vốn ODA… Nghị định sửa đổi này sẽ áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019 (tiền hành vào 31/3/2020).

Các chuyên gia cho rằng, động thái này đã phần nào tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và đưa Nghị định 20 hợp lý hơn và không trái với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc mới sửa một nửa - không áp dụng hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 lên đến hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ từ lãi chuyển sang lỗ bởi những khoản truy thu từ các năm trước.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết ông mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017 – khi ập vào nỗi lo Nghị định 20. Vị này cho rằng kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần, cơ quan quản lý cần có biện pháp tháo gỡ triệt để, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể lớn và đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, chưa nói đến cộng đồng còn đang phải đối mặt với khó khăn đình trệ kinh doanh, sản xuất do dịch Covid 19.

Trong một diễn biến khác là sự kiện ngành thuế đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN . Tưởng là tin vui, nhưng trên mặt báo nhiều ngày nay vẫn rất nhiều ý kiến phản biện và cho rằng đề xuất mới này vẫn lạc hậu, xa thực tiễn, hay luật vẫn đẩy khó cho người nộp thuế….

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (nguyên Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) cho rằng, đã đến lúc tăng và cần phải tăng, đây là lúc cấp thiết rồi. “Tôi đồng tình với việc đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho thu nhập cá nhân (TNCN) lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc để áp dụng kỳ tính thuế năm 2020. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ và đánh giá với thực tế thì việc tăng “nhỏ giọt” như vậy là chưa hợp lý”, ông Thịnh nói và cho rằng, cần phải tăng thêm 13 triệu đối với người nộp thuế và người phụ thuộc phải tăng lên ít nhất 5,5 triệu đồng.

Trên Vnexpress cũng đăng tải bài phân tích rất sâu sắc của tác giả Hồ Quốc Tuấn Giảng viên, Đại học Bristol, Anh liên quan đến sự kiện này. Tác giả Hồ Quốc Tuấn viết: Lật ra số liệu chi tiết của Tổng cục Thống kê về lạm phát ở Việt Nam, bức tranh dần rõ hơn. Một số loại chỉ số giá như thực phẩm, y tế và giáo dục đều tăng từ 6% đến hơn 8,5%, cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi con số lạm phát chung 2,79%. Vậy vì sao số lạm phát chung thấp như vậy? Có vài nguyên nhân có thể dẫn đến điều này.

Thứ nhất, giá một số mặt hàng khác giảm, hoặc tăng thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, một số mặt hàng như giao thông giảm hơn 1% so với năm 2018, một số mặt hàng khác chỉ tăng chừng 1,35% như nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình.

Thứ hai, những loại mặt hàng có mức giá giảm hay mức tăng giá thấp như vậy lại chiếm tỷ trọng cao trong "rổ hàng hóa" được cơ quan này sử dụng để tính lạm phát. Rổ hàng hóa hiểu nôm na là một hệ thống chia phần mà theo đó Tổng cục Thống kê giả định (dựa trên một số khảo sát của họ) rằng một gia đình thu nhập trung bình thường chi bao nhiêu phần trăm cho thực phẩm, cho đi lại, giáo dục, y tế…

Một số mặt hàng có mức tăng thấp hoặc đã giảm giá chiếm tỷ trọng tương đối cao trong rổ hàng hóa. Ví dụ như giao thông chiếm 9%, còn thiết bị và đồ dùng gia đình chiếm hơn 7%. Trong khi đó, dịch vụ y tế và giáo dục - các khoản mục có mức tăng giá cao - chỉ chiếm tỷ trọng từ khoảng 3% đến 5% rổ hàng hóa. Điều đó cho thấy con số lạm phát tính theo chỉ số CPI chung không phản ánh hết được mức tăng giá của một số loại hàng hóa thiết yếu của dân chúng như giá lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, điện, xăng của một người bình thường sống ở đô thị lớn.

Thế nhưng, kết quả lạm phát ấy vừa được Bộ Tài chính áp dụng để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh mới khi tính thuế Thu nhập cá nhân cho cả nước. Mức giảm trừ gia cảnh được tăng từ 9 triệu Đồng lên 11 triệu Đồng với một người phụ thuộc.

Mức tăng 2 triệu đồng sau gần 10 năm là một cái gì đó khập khiễng với gói xôi của anh xe ôm, ly cà phê hay tô phở - năm 2013 chỉ khoảng 20 nghìn Đồng nay đã hơn 35 nghìn Đồng, tăng giá tới 75%. Thế nhưng, chỉ số lạm phát chung tính theo CPI từ 2013 tới tháng 12/2019 chỉ tăng 23,2%. Dường như có một sự lệch pha đáng kể giữa mức tăng chi phí sống tính theo chỉ số CPI chung và mức tăng chi phí sống mà người dân thật sự phải trả.

Lạm phát bản thân nó đã là một loại thuế đánh lên người dân, nhất là nhóm thu nhập trung bình và thấp. Vì với họ, một phần lớn thu nhập phải chi cho lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục, là những mặt hàng có tốc độ tăng giá nhanh hơn nhiều so với chỉ số CPI chung. Giá một gói xôi tăng vài chục nghìn chưa chắc xi-nhê gì với một người thu nhập tiền triệu mỗi ngày, trừ những người nhặt tiền lẻ. Vì vậy, sử dụng tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số CPI chung để điều chỉnh cho mức chịu thuế thu nhập cá nhân là khập khễnh.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của thu ngân sách là phải nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang chống chọi với dịch bệnh. Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều câu hỏi về nguy cơ suy thoái trong khi người dân vẫn tiếp tục phải đóng nhiều loại tiền khác chẳng hạn như bảo hiểm xã hội, họ kỳ vọng được cảm thấy sự động viên, hỗ trợ nhiều hơn, bằng cách tính thuế vừa vặn hơn.

Người dân chấp nhận chia sẻ khó khăn với Nhà nước bằng sự logic và thấu hiểu. Họ không muốn bị xem như người không biết gì về các bài toán kinh tế mà chỉ có các chuyên gia của cơ quan nào đó mới có quyền độc quyền chân lý về cách tính thuế.

Không có cách tính thuế nào là tuyệt đối đúng cả. Chỉ một một sự thật: người dân có cảm thấy mức thuế mình đóng tương ứng với những gì mình được nhận hay không mà thôi.
Doanh nghiệp và người dân đang rất ngóng trông và mong mỏi những quyết định lắng nghe, thấu hiểu “ hơi thở” cuộc sống từ ngành tài chính, nhất là vào thời gian này. “ Sức khỏe” doanh nghiệp là “ sức khỏe” của nền kinh tế. Vậy nên, đây là thời điểm rất cần khẩn trương khoan sức doanh nghiệp , khoan sức người lao động bằng những chính sách kinh tế thiết thực, quyết liệt từ ngành tài chính để giúp DN khôi phục kinh tế và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh gây ra. Đừng làm nửa vời và thiếu quyết liệt, đừng xa rời thực tiễn, đừng tận thu, vắt kiệt sức dân, sẽ gây tác hại rất lớn…

Lê Phúc

Bạn đang đọc bài viết "Khoan sức Dân và doanh nghiệp: chờ những chính sách kinh tế thiết thực từ ngành tài chính." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin