10 năm và những dấu ấn đóng góp quan trọng của Hội Luật gia TP.Hà Nội đối với công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật

(Pháp lý). Nhiều thập kỷ qua, Hội Luật gia TP. Hà Nội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Hội Luật gia Việt Nam giao, nhất là trong công tác góp ý, xây dựng pháp luật, phổ biến tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý. Đặc biệt Hội Luật gia TP. Hà Nội luôn tiên phong, đi đầu và có nhiều sáng kiến, giải pháp, cách làm độc đáo, hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), đưa chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, giúp cán bộ và nhân dân thủ đô nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
1-1721365189.jpg

Đại diện lãnh đạo các đơn vị tổ chức thuộc Hội Luật gia TP. Hà Nội ký cam kết thi đua

10 năm và những con số đặc biệt ấn tượng và hiệu quả

10 năm qua, gần 6.000 hội viên đang công tác tại Hội Luật gia TP. Hà Nội đã nỗ lực không ngừng nghỉ, tận tâm, nhiệt huyết, miệt mài truyền tải hàng ngàn thông tin kiến thức văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân thủ đô. Chúng tôi xin khắc họa những dấu ấn mà HLGTP Hà Nội đã làm được qua những con số đặc biệt ấn tượng sau:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp thông qua 3.014 hội nghị tới 605.000 cán bộ, viên chức và người dân

Thực hiện Quyết định số 1133/QĐ-TTg và Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua các đơn vị Hội Luật gia TP. Hà Nội đã tổ chức và phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các ngành cùng cấp tổ chức 3.014 hội nghị với 605.000 lượt ngưởi là cán bộ  công chức, viên chức, người lao động, hội viên của Hội và người dân.

Thành hội đã in và phát hành 671.000 tờ gấp pháp luật (nội dung 20 luật) phát đến hộ gia đình và người dân địa bàn TP. Hà Nội, in và phát hành 1.400 cuốn Hỏi đáp pháp luật, 15.300 cuốn bản tin Luật gia Thủ đô làm tài liệu tuyên truyền cho Hội Luật gia cơ sở.

Dự nghe phổ biến 25 luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân như: Hiến pháp năm 2013; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Đất đai 2013; Luật Tiếp công dân; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự: Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Tố tụng hành chính; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Thủ đô: Bộ luật Lao động: Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Nghĩa vụ quân sự .v.v...

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên đã có tác động không nhỏ đến cán bộ hội viên và Nhân dân Thủ đô, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần làm giảm khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, dông người, giảm vi phạm pháp luật, ổn định an ninh, trật tự xã hội.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với 50.000 tin bài và 300 lần lên sóng truyền thông

Thành hội và các Chi hội Luật gia trực thuộc Thành hội đã phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương và cử luật gia tham gia các chuyên mục, chuyên trang pháp luật tuyên truyền phổ biến, giải đáp pháp luật góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Trung bình một năm có gần 30 lần lên sóng phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đặc biệt, các luật gia sinh hoạt tại các quận, huyện hội và Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn thường xuyên viết tin bài về pháp luật phát trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và của xã, trong 10 năm qua đã viết hơn 50.000 tin, bài pháp luật.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật và thông qua công tác xét xử hàng chục nghìn vụ án

 Các hội viên Luật gia sinh hoạt ở Chi hội Luật gia Toà án nhân dân thành phố và Toà án nhân dân các quận, huyện; hội viên Luật gia sinh hoạt ở các Chi hội Luật gia Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện đã lồng ghép hoạt động Hội với hoạt động chuyên môn thường xuyên phổ biến giáo dục  pháp luật thông qua hoạt động xét xử tại phiên toà. Mỗi năm toà án hai cấp thành phố Hà Nội xét xử hàng chục ngàn vụ án các loại nên số lượng người được phổ biến giáo dục pháp luật rất lớn.

2-1721365196.jpg

Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024

- Kết quả vô cùng ấn tượng về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật - trợ giúp pháp lý cho hàng chục nghìn người và tham gia hoà giải ở cơ sở cho gần 13.000 vụ việc

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Luật gia là thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho tổ chức và cá nhân. 10 năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội Luật gia TP. Hà Nội và các đơn vị Hội Luật gia trên địa bàn TP. Hà Nội đã tư vấn pháp luật được 30,672 vụ việc; tư vấn qua điện thoại 1088 được 17.980 cuộc gọi với 118.185 phút đàm thoại. Thông qua tư vấn pháp luật có hàng chục ngàn người dân được phổ biến pháp luật. Và trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Có 45.150 người được phổ biến pháp luật, 2.100 người dân được trợ giúp pháp lý.

Hầu hết các hội viên Hội Luật gia TP. Hà Nội sinh hoạt tại Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn là hoà giải viên các tổ hoà giải ở cơ sở tích cực tham gia hoà giải, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ ở cơ sở. 10 năm qua các hội viên Hội Luật gia Hà Nội đã tham gia hoà giải 12.564 vụ việc, thông qua thực hiện hoà giải ở cơ sở đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hàng chục ngàn người.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tham gia góp ý, xây dựng hơn 2.000 dự thảo luật và văn bản quy phạm pháp luật các loại và thông qua hoạt động tham gia 150 cuộc giám sát thi hành pháp luật

Với đội ngũ hàng nghìn luật gia, trong đó có nhiều chuyên gia pháp luật, 10 năm qua các cấp Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã đóng góp hàng ngàn ý kiến xây dựng 164 dự thảo luật, 1.500 văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND và các sở, ngành trong thành phố ban hành.

Hàng năm Thành hội và Hội Luật gia các quận, huyện, thị xã cử luật gia tham gia thành viên các đoàn giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, Ban pháp chế, Ban kinh tế của Hội đồng nhân dân giảm sát việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo của chính quyền các địa phương; giám sát thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; giám sát việc ban hành các Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; giám sát dầu từ công, giải quyết kiến nghị của cử tri. Trung bình mỗi năm thực hiện 15 cuộc giám sát.

Chia sẻ về những giải pháp mà HLG TP. Hà Nội áp dụng để đạt những kết quả ấn tượng nêu trên, Chủ tịch thành Hội Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Hội Luật gia TP. Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, Hội đã tập trung nguồn lực,  đa dạng hóa hình thức PBGDPL và TGPL; huy động trí tuệ và tâm sức của gần 6.000 hội viên; Đặc biệt sáng tạo, vận dụng nhiều mô hình, cách làm hay, độc đáo để có thể PBGDPL tới cán bộ và nhân dân chính xác, kịp thời và hiệu quả nhất.

Hàng chục mô hình PBGDPL độc đáo, vượt trội với hiệu ứng tác động lan tỏa tích cực cao trong xã hội

Góp phần tạo nên những con số, kết quả ấn tượng về công tác PBGDPL nêu trên là do Hội Luật gia TP. Hà Nội đã xây dựng và vận hành nhiều mô hình hay, cách làm khéo. Nhờ việc triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, công tác PBGDPL đã đến tận cơ sở, đến từng người dân.

Đầu tiên phải kể đến mô  hình “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” lấy Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn làm nòng cốt để thực hiện xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.  Mô hình “Chi hội Luật gia cơ sở tham gia tiếp công dân, tư vấn giải quyết khiếu nại, hoà giải, giải quyết tranh chấp đất đai ở địa phương” để thực hiện Nghị quyết số 15, Chỉ thị số 15 – CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Mô hình “Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình giám sát của Nhân dân” để thực hiện chương trình phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Tư pháp, Thanh tra, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở;  Mô hình “Chi hội Luật gia cơ sở tham gia rà soát, xây dựng thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở" để thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn làng, hương ước, quy ước và kế hoạch công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm của UBND thành phố Hà Nội; Mô hình: Chi hội Luật gia dân vận khéo: “Dân vận khéo” vận dụng vào nhiều lĩnh vực như: công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia hoà giải ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

3-1721365196.jpg

Hội Luật gia Hà Nội tuyên truyền PBGDPL tới người dân xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức)

Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới được xây dựng, triển khai thực hiện ở các Quận như: Hội Luật gia quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình “Hội Luật gia tham gia hỗ trợ pháp lý cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực gia đình trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”; Hội Luật gia quận Hoàng Mai triển khai mô hình “Nâng cao nhận thức pháp luật và thúc đẩy tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ khuyết tật tại quận Hoàng Mai về Luật Bảo vệ môi trường”. Hội Luật gia quận Thanh Xuân triển khai mô hình “Tình nhà - nghĩa phường. Hiệu quả từ việc tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật của Luật gia trong giải quyết các mâu thuẫn nhỏ cho Nhân dân sống tại các khu chung cư”.

Ngoài ra, trong những năm qua Hội Luật gia TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện hai cuộc vận động đó là: Cuộc vận động “Mỗi hội viên luật gia là một tuyên truyền viên pháp luật, một cộng tác viên trợ giúp pháp lý đưa pháp luật vào cuộc sống” và cuộc vận động “ Mỗi hội viên luật gia mỗi tháng làm một việc theo chức năng, nhiệm vụ Hội xây dựng Hội Luật gia trong sạch, vững mạnh”. Các cuộc vận động đã thu hút hàng ngàn Luật gia tham gia, lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực tới cộng đồng xã hội.

Với nhiều mô hình độc đáo, hiệu quả đã thu hút được đông đảo hội viên luật gia tham gia tích cực vào hoạt động hội, phát huy được tiềm lực chất xám và kinh nghiệm hoạt động của Hội Luật gia ở cơ sở, nâng cao vị trí vai trò của Hội Luật gia trong thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL.

Đặc biệt, mô hình Tổ PBGDPL ở cơ sở được triển khai trên địa bàn Hà Nội thời gian qua là mô hình phù hợp với pháp luật và thực tiễn để thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp cho người dân hiểu biết pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, tham gia hiệu quả công tác PBGDPL giai đoạn mới

Công tác PBGDPL luôn giữ vị trí quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn mới tiếp tục  xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, công tác này càng có ý nghĩa đặc biệt.

Thực hiện Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL giai đoạn 2024 - 2030", Hội Luật gia TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh: Đề án mở ra những cơ hội mới rất quan trọng cho hoạt động của Hội Luật gia TP. Hà Nội. Để thực hiện hiệu quả giai đoạn I của Đề án, từ nay đến năm 2026, Hội Luật gia TP. Hà Nội phấn đấu 100% các cấp Hội Luật gia, 100% luật gia hoạt động chuyên trách, 40 đến 50% luật gia đã nghỉ hưu và 5 đến 10% luật gia đang công tác (công chức, viên chức) tham gia vào công tác PBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật. 100% tổ chức Hội Luật gia cấp xã tham gia xây dựng xã phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện mô hình “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở”.

Đặc biệt, ông Tuyến cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện chuẩn hóa mô hình “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” và “Phổ biến pháp luật qua phiên tòa giả định”. Đây là những cách làm rất có hiệu quả, tác động rộng , đã và đang được Hội Luật gia TP. Hà Nội thực hiện thời gian qua. Do đó, Hội Luật gia TP. Hà Nội quyết tâm phấn đấu khi kết thúc giai đoạn I có ít nhất 20 đơn vị (cấp huyện, xã) vận hành hiệu quả mô hình PBGDPL.

Ngoài ra, Hội Luật gia TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi luật gia là một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đưa pháp luật vào cuộc sống”.

4-1721365196.jpg

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội năm 2023

Để thực hiện mục tiêu giai đoạn I của Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL giai đoạn 2024 - 2030", Hội Luật gia TP. Hà Nội tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác PBGDPL; Nâng cao năng lực cho Hội Luật gia các cấp để tham gia thực hiện PBGDPL;  Xây dựng, cập nhật bộ tài liệu khung về bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, người làm công tác PBGDPL của Hội Luật gia;  Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL và các văn bản pháp luật mới ban hành cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, người làm công tác PBGDPL của Hội Luật gia. Đặc biệt, cập nhật kiến thức, cung cấp thông tin pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL của Hội Luật gia;

Đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả để thu hút các luật gia và nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL; Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, cách thức thực hiện PBGDPL; Phát huy hiệu quả các kênh thông tin pháp luật của Hội Luật gia; Thực hiện đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Hội Luật gia với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp khác nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác PBGDPL của luật gia và Hội Luật gia; Và quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy các nguồn lực xã hội tham gia cùng Hội Luật gia thực hiện PBGDPL.

5-1721365196.jpg

Các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Hội Luật gia TP. Hà Nội

Ngay từ năm 2024, các cấp Hội Luật gia TP. Hà Nội sẽ tăng cường các giải pháp tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành và văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến cơ quan đơn vị, cán bộ và Nhân dân. Tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ PBGD và TGPL ở cơ sở” trên địa bàn Hà Nội. Và nhân rộng 2 mô hình: “Thực hiện quy trình giám sát của công dân” ở các xã, phường, thị trấn có Chi hội Luật gia; mô hình: “Chi hội Luật gia tham gia rà soát quy ước, hương ước ở địa phương”…

Kết mở

Với những con số, mô hình, kết quả, thành tích đặc biệt ấn tượng về công tác PBGDPL 10 năm qua của Hội Luật gia TP. Hà Nội, chúng tôi tin rằng Hội Luật gia TP. Hà Nội sẽ lập những kỷ lục, dấu ấn mới trong triển khai thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL giai đoạn 2024 - 2030". Tin rằng Hội Luật gia TP. Hà Nội tiếp tục phát huy và xứng đáng là “Lá cờ đầu” của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác PBGDPL và TGPL, góp phần vào thành quả sự nghiệp chung của Hội Luật gia Việt Nam, cũng như tham gia đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Hội Luật gia TP. Hà Nội là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tập hợp rộng rãi những người đã và đang làm công tác pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện nay, Hội Luật gia thành phố Hà Nội có 42 đơn vị trực thuộc, gồm 23 quận, huyện, thị Hội. 18 Chi hội Luật gia sở, ngành, công ty trực thuộc; Trung tâm tư vấn pháp luật; 365 Chi hội Luật gia trực thuộc quận, huyện, thị hội. Trong đó có 205 Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn với 5.800 hội viên.

Thành Chung - Bùi Lộc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin