TS. Trần Công Phàn – ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có TS. Trần Công Phàn – ĐBQH khoá XV- Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế; Gs, Ts. Nguyễn Anh trí, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Chuyển đổi giới tính; Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Quốc hội; Gs. Ts. Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Gs. Ts. Chu Hồng Thanh, Giảng viên cao cấp Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội….
Về phía CHLB Đức có Bà Angela Schmeink, Giám đốc khu vực Châu Á, Quỹ hợp tác Quốc tế về pháp luật CHLB Đức (IRZ); Ông Gregor Däubler (Mr.), Bác sĩ, Cán bộ Chính sách, Phòng 213 - Ủy ban Liên bang, Chương trình Quản lý Bệnh tật, Các vấn đề y tế trong Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế Liên bang, Berlin, CHLB Đức.
Chủ đề chính thảo luận tại Hội thảo tập trung vào 03 nhóm vấn đề cụ thể: Thứ nhất Giới thiệu những quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 của Việt Nam; Thứ hai là Giới thiệu những quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh của CHLB Đức; Thứ ba là những bình luận khoa học của các chuyên gia pháp luật về những quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và sự chuẩn bị cho các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Đối thoại về Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam giao Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS tổ chức “Hội thảo chia sẻ của Cộng hòa Liên bang Đức về pháp luật khám bệnh, chữa bệnh”.
Luật khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Đây là đạo luật rất quan trọng, đã được thông qua sau 3 kỳ họp Quốc hội.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 Điều và có những điểm mới cơ bản. Luật KBCB (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, luật cũng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý Nhà nước về hoạt động KBCB. Luật KBCB (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Cốt lõi của luật là lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động với dịch vụ KBCB chất lượng cao với chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Ngoài ra, luật cũng đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.
Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm bình đẳng giới.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm tạo điều kiện để hội viên, các chuyên gia pháp luật và đại diện lãnh đạo một số cơ sở KBCB trao đổi kinh nghiệm với CHLB Đức trong việc triển khai luật này. Qua đó, chuyên gia CHLB Đức cũng hiểu biết thêm về pháp luật của Việt Nam và có thể có những ý kiến góp ý bổ ích cho việc thực thi pháp luật trong bối cảnh mới của Việt Nam.
Qua hội thảo, các hội viên Hội Luật gia Việt Nam, các chuyên gia pháp luật và đại diện lãnh đạo một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc thực thi pháp luật và có các ý kiến đóng góp cho văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong lĩnh vực này; giúp các đại biểu có hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực khám, chữa bệnh trong việc thực thi pháp luật của CHLB Đức; chuyên gia Đức cũng hiểu biết được về pháp luật của Việt Nam và có thể có những ý kiến góp ý bổ ích cho việc thực thi pháp luật trong bối cảnh Việt Nam.
Bà Angela Schmeink - Giám đốc khu vực châu Á, Quỹ hợp tác Quốc tế về pháp luật CHLB Đức
Bà Angela Schmeink - Giám đốc khu vực châu Á, Quỹ hợp tác Quốc tế về pháp luật CHLB Đức đánh giá, Quốc hội Việt Nam đã thông qua, đổi mới nhiều điều luật nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, việc thực thi luật sẽ còn có những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Ở Đức, vấn đề khám chữa bệnh chiếm vai trò quan trọng và luôn được tập trung ưu tiên.
Ông Gregor Daubler - bác sĩ, cán bộ chính sách Uỷ ban liên bang (Bộ Y tế liên bang, CHLB Đức) cho hay, về mặt quản lý nhà nước, các bang ở Đức tự quản y tế tại bang đó. Chính phủ, Quốc hội quản lý ở tầm liên bang, luật được đưa ra bàn thảo không chỉ Quốc hội nghe mà Hội đồng liên bang cũng có trách nhiệm thẩm định, bởi, dự thảo luật đưa ra có hoàn cảnh khác nhau ở mỗi bang nên không sẽ xảy ra xung đột ý kiến.
Tại Đức, tuy nhà nước ấn định khuôn khổ pháp lý trong Bộ luật An sinh xã hội, còn cơ sở y tế tự chịu trách nhiệm tổ chức, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các cơ sở tư quản lý bao gồm: Các Quỹ bảo hiểm y tế luật đinh; các Hiệp hội bác sĩ trong quỹ bảo hiểm y tế; các Hiệp hội nha sĩ trong quỹ bảo hiểm y tế.
Hiện nước Đức đặt tỉ lệ 200 người dân/bác sĩ, là tỷ lệ rất cao. Việc đóng BHYT là bắt buộc tại Đức với tỉ lệ 90% người dân đóng bảo hiểm, số % còn lại được nhà nước đóng vì cán bộ nhân viên nhà nước, quân nhân…Ở Đức chỉ có rất ít % là người vô gia cư, nhập cư trái phép không được đóng nhưng nếu ốm đau đều được khám chữa theo lời thề y khoa Hippocrates.
Một số điểm đáng chú ý tại Đức là người dân không trả tiền trực tiếp sau khi KBCB mà phải qua thẻ BHYT gắn chip. Đặc biệt, người dân có quyền chọn bệnh viện và bác sĩ để khám chữa mà không phải qua các tuyến. Tiền được thanh toán qua thẻ từ nguồn quỹ BHYT.
Vấn đề khám chữa bệnh không cần qua các tuyến như trên nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu, chuyên gia dự hội thảo. Theo ông Gregor Daubler, việc người dân được chọn bác sĩ và bệnh viện cũng phát sinh vấn đề như việc mắc bệnh nhẹ nhưng lại chọn đến bệnh viện lớn. Để khắc phục vấn đề này, Đức áp dụng những quy chuẩn chung với tất cả các bệnh viện công hay tư đều phải tuân thủ để đảm bảo chất lượng tương đương nhau.
Hiện nay CHLB Đức cũng đang nghiên cứu dự thảo luật về những công cụ hỗ trợ bệnh nhân không thạo tiếng Đức khi họ khám chữa bệnh một cách hiệu quả nhất. Điều này theo ông sẽ hạn chế rủi ro trong công tác khám chữa bệnh do bác sĩ và bệnh nhân không hiểu nhau.
Từ các tham luận, ý kiến đóng góp của đại diện chuyên gia Việt Nam và CHLB Đức sẽ có tổng hợp những kinh nghiệm, bài học trong việc áp dụng thực thi Luật KBCB của mỗi bên.
Thảo luận tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, giúp các đại biểu tiếp thu, học hỏi và có thêm những hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực khám, chữa bệnh tại CHLB Đức, và một số kinh nghiệm trong việc thực thi pháp luật của CHLB Đức. Đồng thời, các tham luận tại hội thảo các chuyên gia Đức cũng hiểu rõ hơn về pháp luật của Việt Nam và chia sẻ các kinh nghiệm bổ ích cho việc thực thi pháp luật về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc y tế trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay.