(Pháp lý) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cùng với cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.
Như vậy về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thể hiểu trên mấy khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, chủ thể giám sát là Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Thứ hai, đối tượng giám sát là các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.
Thứ ba, phạm vi giám sát là tất cả các hoạt động tố tụng hình sự bao gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Thứ tư, phương thức giám sát của Mặt trận chủ yếu là thông qua hoạt động tuyển chọn, bãi nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân (HTND); thông qua hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật MTTQ Việt Nam… Tuy nhiên, do thiếu các cơ chế cụ thể nên hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên ở lĩnh vực này trong thực tế là khá hình thức và chưa có nhiều kết quả như mong muốn.
Một vấn đề khá đặc thù trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ở nước ta là có sự tham gia trực tiếp của một số tổ chức ngoài nhà nước vào việc tuyển chọn Thẩm phán và Kiểm sát viên. Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thì Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam là thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao. Ngoài ra Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn là thành viên Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp.
Trong thực tế, việc tham gia các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam có những khó khăn nhất định so với các thành viên khác, chủ yếu là do không có đầy đủ các thông tin về những người được giới thiệu tuyển chọn. Trước đây Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú để nhận xét về đạo đức, tư cách, việc chấp hành các quy định của pháp luật, mối quan hệ với nhân dân và chính quyền sở tại của người được giới thiệu tuyển chọn làm Thẩm phán, Kiểm sát viên để có các thông tin đầy đủ khi họp hội đồng tuyển chọn. Về cơ bản các ý kiến của đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều được các thành viên các hội đồng tôn trọng. Trường hợp nào đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không đồng ý thì Chủ tịch các hội đồng (là Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao) đều thống nhất không trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên. Tuy nhiên không phải nơi nào, lúc nào, trường hợp nào việc lấy ý kiến cũng tổ chức được một cách chu đáo, do vậy mà không tránh khỏi tính hình thức. Vì thế, nếu không có cơ chế để đại diện Mặt trận, Hội Luật gia tham gia một cách thực chất trong hoạt động tuyển chọn thì sẽ dẫn đến việc đại diện của Mặt trận và Hội Luật gia chỉ làm nhiệm vụ hợp thức cho các trường hợp được giới thiệu tuyển chọn mà thôi. Và như thế, ngay từ khâu đầu tiên, việc giám sát của Mặt trận và tổ chức thành viên đối với người tiến hành tố tụng đã không được thực hiện một cách đầy đủ và thực chất.
Một kênh giám sát khác của Mặt trận đối với cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng là qua tổ chức và hoạt động của đội ngũ HTND. Chế định HTND là một hình thức giám sát trực tiếp tại phiên tòa của nhân dân đối với những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo quy định của Luật Tổ chức TAND, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với TAND cùng cấp để hiệp thương lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu làm HTND. Về cơ bản công tác giới thiệu HTND đã thực hiện thành nề nếp trong nhiều năm qua. Mỗi nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã phối hợp với TAND cùng cấp hiệp thương giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu hàng ngàn người làm HTND.
Trong các hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều có yêu cầu đối với HTND là trong quá trình tham gia các phiên tòa, nếu có những thông tin trực tiếp về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và các vấn đề khác của Thẩm phán, Kiểm sát viên thì có thể trao đổi, phản ánh với Ủy ban MTTQ cùng cấp để Mặt trận có thêm cơ sở thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tuy nhiên trong thực tế, hầu như rất ít khi các HTND làm được việc này.
Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của MTTQ Việt Nam thời gian qua bước đầu được triển khai và có một số kết quả nhất định thông qua hoạt động phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với VKSND tối cao. Nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc lĩnh vực tư pháp do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển đến, VKSND tối cao đã kịp thời xem xét, xử lý và thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo đúng quy định. (Trong 10 năm (từ 2004 đến 2014), VKSND tối cao đã tiếp nhận 158 đơn khiếu nại, tố cáo do Ủy ban MTTQ Việt Nam chuyển đến.
Trong đó, đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của VKSND tối cao là 142 đơn/120 việc, trong đó khiếu nại, tố cáo về dân sự là 95 đơn, về hình sự và các kiến nghị, phản ánh khác là 47 đơn; Viện kiểm sát địa phương là 16 đơn khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 54 đơn/41 việc; đơn hết thời hiệu 58 việc; còn lại 21 việc). Tuy vậy, số đơn chưa có kết quả giải quyết còn nhiều, đặc biệt là đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án trong lĩnh vực dân sự. Bên cạnh đó, VKSND còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tiến hành kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại một số địa phương và trại giam thuộc Bộ Công an. (Theo số liệu chưa đầy đủ của các đơn vị, trong 10 năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND các cấp đã phối hợp kiểm sát trực tiếp 3.697 lượt tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam).
Mặc dù hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng còn hết sức khó khăn do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, do còn thiếu cơ chế pháp lý để MTTQ thực hiện các quyền này. Về chủ quan, do bản thân các cấp Mặt trận và tổ chức thành viên chưa chủ động thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác này cũng chưa tốt.
Với vai trò là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” của MTTQ Việt Nam, để góp phần giúp cho Mặt trận làm tốt hơn vai trò này, tới đây nhà nước cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật hiện hành nhằm hoàn thiện hơn pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát hoạt động của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, tập trung vào một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, cần cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo cơ chế để Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng; cơ chế để Mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia một số lĩnh vực tố tụng kể cả hình sự, dân sự và hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các đoàn viên, hội viên của mình.
- Thứ hai, về giám sát đối với tổ chức và hoạt động của đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên: Có cơ chế cụ thể về việc đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, nhất là việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với người được giới thiệu tuyển chọn làm Thẩm phán, Kiểm sát viên sao cho thiết thực, tránh hình thức, coi đây là điều kiện bắt buộc để nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn. Luật hóa một số nội dung trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao. Theo đó, các hội đồng cần dành thời gian thỏa đáng để các thành viên Hội đồng, trong đó có đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu thấu đáo các hồ sơ đề nghị tuyển chọn và rất cần thiết phải tổ chức các phiên họp toàn thể hội đồng để thảo luận, quyết định từng trường hợp một chứ không để tình trạng gửi văn bản góp ý như một số thành viên đã làm thời gian qua.
- Thứ ba, sửa đổi các quy định về quyền và trách nhiệm của HTND để HTND thực sự làm tốt vai trò thay mặt nhân dân giám sát hoạt động xét xử của nhà nước thông qua hoạt động tại các phiên tòa; đồng thời, còn phải làm nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân; trách nhiệm của Hội thẩm nếu bản án mà mình tham gia xét xử bị hủy hoặc cải sửa do lỗi chủ quan của Hội thẩm; quy định rõ trách nhiệm của TAND tối cao và TAND các địa phương trong việc tạo điều kiện cho HTND, Đoàn HTND thực hiện nhiệm vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, cả về trang phục, phụ cấp và kinh phí hoạt động…
Nguyễn Văn Pha
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội