Hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ

10/01/2024 16:50

(Pháp lý) - Bài viết sau đây nghiên cứu phân tích thực tiễn áp dụng một số qui định pháp luật về tội “Nhận hối lộ”, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ

Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 sửa đổi những gì

Mới đây, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Cty Việt Á nâng khống giá Test xét nghiệm COVID-19 về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," "Tham ô tài sản," "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong số này, 6 người bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" là Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế…

Đáng chú ý, trong số các bị ban bị cơ quan chức năng truy tố, có một số bị can có hành vi nhận hàng tỷ đồng từ Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) nhưng không bị truy truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Nhận hối lộ”. Như, bị can Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) nhận túi quà 200.000 USD; bi can Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) nhận 50.000 USD của Việt Á và cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"…

Loạt sai phạm của ông Chu Ngọc Anh và cấp dưới trong đại án Việt Á

Ông Chu Ngọc Anh (trái) và cựu cấp dưới Phạm Công Tạc đều nhận tiền "cảm ơn" từ ông chủ Việt Á.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi vì sao đều có hành vi vụ lợi, nhận tiền, nhận quà với giá trị lên tới hàng tỉ đồng nhưng các bị can này không bị truy tố về tội nhận hối lộ mà bị truy truy tố về các tội khác; pháp luật quy định về các tội danh này như thế nào? Và trong thực tiễn áp dụng, khi nào bị can sẽ bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hay tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”? Từ thực tiễn áp dụng pháp luật có gì bất cập cần sửa đổi bổ sung

Qui định của Bộ luật Hình sự

Theo quy định của BLHS năm 2015, tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” - là một trong những tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Khoản 1, Điều 219 BLHS quy định: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi của tội phạm này thể hiện qua việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đối với các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tội “Nhận hối lội” thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng, chức vụ được quy định tại mục 1 Chương XXIII của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi khách quan của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ. Tức là, người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao như một “phương tiện” để phạm tội. Người phạm tội không cần sử dụng thêm bất cứ hành vi, thủ đoạn nào khác trong khi thi hành công vụ vì về bản chất họ đã được giao thực hiện các công việc đó nhưng hành vi của họ lại trái công vụ.

Tội “Nhận hối lộ” được quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm… ; Tù chung thân, tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác dưới vất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Trong khi đó, hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhau (trường hợp sẽ nhận là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ).

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TỘI NHẬN HỐI LỘ, TỘI ĐƯA HỐI LỘ, TỘI MÔI GIỚI HỐI LỘ, TỘI LỢI DỤNG ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ QUYỀN HẠN ĐỂ TRỤC LỢI

Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội “Nhận hối lội” là có sự bàn bạc thoả thuận về việc đưa hối lộ, trong khi đó, dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ lại không có đặc trưng này.

Dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng giữa các tội danh

Mặc dù quy định về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Nhận hối lội” cho thấy, cả ba tội danh có nhiều điểm giống nhau: đều có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn, đều lợi dụng chức vụ quyền hạn mình đang có để thực hiện một công việc không phù hợp hoặc không được làm so với vị trí mình đảm nhiệm… Tuy nhiên, để xác định tội danh bị can, bị cáo phạm tội gì cần phải căn cứ vào hành vi tội phạm, các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội mà họ thực hiện.

Theo đó, đối với tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” hành vi của tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thể hiện qua việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật gây thất thoát, lãng phí.

Đáng chú ý, yếu tố vụ lợi chỉ là cấu thành định khung tăng nặng không phải là cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Điểm đặc biệt trong cấu thành của tội phạm này là người thực hiện tội phạm phải đáp ứng điều kiện là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước). Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, cần xác định rõ hành vi của người đó đã vi phạm quy định cụ thể nào của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017.

Đối với tội“Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp giải quyết công việc nhưng đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích vụ lợi, gây thiệt hại cho nhà nước, xã hội hoặc công dân.

Đặc điểm để phân biệt hành vi có dấu hiệu của tội phạm này là về mặt pháp lý tuy chủ thể có chức vụ, quyền hạn nhất định, nhưng trong giới hạn luật định thì chủ thể không có thẩm quyền tiến hành nhiệm vụ và thực tế, không có điều kiện pháp lý làm phát sinh công vụ phải thực hiện, nhưng chủ thể đã lợi dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoạt động ngoài phạm vi pháp luật cho phép.

Với tội “Nhận hối lộ”, hành vi nhận hối lộ là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền hoặc lợi ích khác để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Việc nhận của hối lộ có thể được thực hiện trước hoặc thực hiện sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Đáng chú ý, dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội “Nhận hối lộ” là, giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ phải có sự trao đổi, bàn bạc và thống nhất về công việc phải làm và giá trị lợi ích được hưởng.

Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị

Nghiên cứu từ thực tế tố tụng các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng, chức vụ có các bị can trước khi bị khởi tố là người có chức vụ cho thấy nhiều trong số họ ( người có chức vụ) bị khởi tố tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế . Đặc biệt có nhiều quan chức bị khởi tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219).

Ví dụ như trường hợp của một loạt quan chức cấp cao từng bị xử lý về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như: cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải  Nguyễn Hồng Trường; cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hay một số chủ tịch, phó chủ tịch một số tỉnh thành TP HCM; Hà Nội: Khánh Hoà…  trước đây.

Đáng nói là trong số đó, không ít bị can có hành vi lợi dụng chức trách, quyền hạn được giao làm trái quy định thậm chí còn nhận tiền, quà tặng với giá trị lớn – có yếu tố vụ lợi, nhưng nếu áp dụng qui định của pháp luật thì chỉ bị xử lý về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với tính chất nguy hiểm cho xã hội và với mức hình phạt thấp hơn và TNHS cũng nhẹ hơn… Như trường hợp của ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc trong “đại án” Việt Á.

Thực tế cho thấy một số vụ án , một số bị can bị cáo cùng thực hiện hành vi nhận tiền từ doanh nghiệp, có quan chức bị xử lý tội nhận hối lộ, nhưng cũng có người bị xử tội danh khác với hình phạt nhẹ hơn.

Về nguyên tắc, để xác định tội danh, xác định bị can, bị cáo phạm tội gì cần phải căn cứ vào hành vi tội phạm, các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội mà họ thực hiện.

Trở lại “đại án” Việt Á, chúng tôi nhận thấy việc truy tố một số bị can ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219) là hoàn toàn đúng. Bởi, ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) và ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) được phân công phụ trách lĩnh vực khoa học và công nghệ, được giao trực tiếp theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện Đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm. Hai bị can biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc về Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KHCN làm đại diện theo quy định của Luật KHCN, Luật Quản lý tài sản cộng và pháp luật có liên quan.Ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã thực hiện các hành vi trái pháp luật để tạo điều kiện để Công ty Việt Á biến kít xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại của Công ty Việt Á gây thất thoát Ngân sách nhà nước 18,98 tỉ đồng.

Mặc dù, sau khi thực hiện những hành vi trái pháp luật, có lợi cho Công ty Việt Á, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc đã được Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đưa tiền cảm ơn. Nhưng, Điều này không thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội nhận hối hộ bởi kết quả điều tra của cơ quan công an đều xác định ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Chủ tịch Việt Á về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Việt phải đưa tiền.

Chúng tôi cho rằng, có thực tế trên là do chưa có sự phân định rõ ràng giữa các tội phạm về chức vụ và các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.  Một trong những dấu hiệu cấu thành của các tội tham nhũng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ để vụ lợi như các tội tham ô, nhận hối lộ… Như vậy, yếu tố vụ lợi rất quan trọng để phân biệt với các tội cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ nhưng chỉ gây thiệt hại mà không vụ lợi, đó là các tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều tội trong nhóm này có tình tiết định khung tăng nặng TNHS là “vì vụ lợi”. Điều này dẫn đến việc nhiều trường hợp xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có tính chất vụ lợi, nhưng chỉ bị xử lý về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp hơn và TNHS cũng nhẹ hơn….

Do đó tới đây, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu hoàn thiện các chế định pháp luật liên quan. Nghiên cứu từ công tác tố tụng các vụ án, đồng thời đánh giá qua thực tiễn áp dụng, chỉ ra bất cập của pháp luật , từ đó tiếp tục hoàn thiện chế định TNHS đối với tội phạm tham nhũng nói riêng, các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn nói chung, góp phần kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với tội nhận hối lộ, hiện nay để truy cứu người nhận hối lộ, theo quy định phải chứng minh được các đối tượng có sự trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất về việc đưa, nhận hối hoặc gây khó khăn nhằm mục đích để đưa hối lộ. Việc thỏa thuận có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản, email…

Tuy nhiên, thực tế luôn phát sinh các tình huống biến hóa khôn lường, việc thỏa thuận có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác như đưa ra các ám hiệu, kí hiệu các bên cùng hiểu hoặc những thỏa thuận ngầm người đưa và người nhận chỉ cần tiếp nhận ý chí của nhau về sự giúp đỡ theo mong muốn của người đưa mà không có sự trao đổi thoả thuận cụ thể nào về việc đưa, nhận của hối lộ và sau khi người nhận hoàn thành công việc thì người được giúp đỡ mới tiến hành cảm ơn bằng những món quà. Hiện, Việt Nam vẫn chưa công nhận hình thức hối lộ này và trên thực tế đa số trường hợp người am hiểu sẽ lợi dụng lỗ hổng này để lách luật và tiến hành thực hiện hành vi phạm tội “ngầm”. Chính vì vậy, cần thiết phải bổ sung hình thức nhận hối lộ này vào pháp luật hình sự Việt Nam.

Đinh Chiến – Bùi Lộc
Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin