Theo mô tả, cô gái này có vóc dáng mảnh mai, nét cười e lệ, những bước đi lướt nhẹ như bay và gương mặt hồn nhiên trong sáng đến lạ kỳ - một vẻ đẹp tưởng chừng lay động đến thẳm sâu tâm hồn người nghệ sĩ.
[caption id="attachment_144839" align="aligncenter" width="410"] Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn[/caption]
Công chúng từng ngờ vực về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992 có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm giám khảo.
Khi đám đông còn đang phản đối dữ dội kết quả thì người nhạc sĩ tài hoa khi ấy đã nói khẽ với các thành viên còn lại: "Người ta đang chửi... nhưng tôi tin chúng ta đúng".
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992 gây tranh cãi bởi kết quả vương miện Hoa hậu thuộc về cô gái mới 16 tuổi là Hà Kiều Anh còn người đẹp Vi Thị Đông - ứng viên trước đó được dự đoán sẽ đăng quang chỉ giành ngôi vị Á hậu.
Nhan sắc của Á hậu Vi Thị Đông bấy giờ từng khiến bao trái tim thổn thức. Chính nhà thơ Dương Kỳ Anh - Trưởng ban tổ chức bấy giờ còn có khoảnh khắc nói như reo: "Hoa hậu đây rồi!". NTK Đức Hùng cũng "nhắm" cô gái quê Gia Lâm, Hà Nội ấy trong quá trình hỗ trợ trang phục cho các thí sinh.
Trước đó, đăng quang tại cuộc thi Người đẹp các tỉnh phía Bắc, hình ảnh Vi Thị Đông duyên dáng với chiếc nơ cài trên mái tóc từng làm nên trào lưu làm đẹp đình đám của các cô gái Hà Nội một thời.
Nhưng vì sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các thành viên trong Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992 lại đồng thuận chấm Hà Kiều Anh cho ngôi vị cao nhất?. Cô thiếu nữ 16 tuổi có nước da ngăm đen, mái tóc bông xù, nhiều đường nét hình thể còn phát triển chưa toàn vẹn?.
Câu chuyện không dừng lại ở đó, điều thú vị khiến công chúng sững sờ là khi nghe nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ, trong cuộc thi năm ấy, Hoa hậu Hà Kiều Anh dù điểm số cao nhất, là lựa chọn thống nhất của ban giám khảo nhưng lại không phải Hoa hậu trong lòng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!
Người đẹp lọt vào con mắt xanh của nhạc sĩ tài hoa là cô gái có cái tên khá lạ: Mạc Lê Đan Thanh - người chỉ vào top 10 chung cuộc.
Theo mô tả, cô gái này có vóc dáng mảnh mai, nét cười e lệ, những bước đi lướt nhẹ như bay và gương mặt hồn nhiên trong sáng đến lạ kỳ - một vẻ đẹp tưởng chừng lay động đến thẳm sâu tâm hồn người nghệ sĩ.
Hoa hậu Hà Kiều Anh những năm 1990
Suốt hành trình cuộc thi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị hút hồn bởi vẻ đẹp mong manh, khác lạ đó. Nhiều người đã chép miệng: "Nghệ sĩ ấy mà, nhìn nhận cái đẹp cũng... khác người bình thường!" rồi đưa ra dẫn chứng tất cả những "nàng thơ" của nhạc sĩ họ Trịnh đều... không đẹp theo cách mà số đông định nghĩa.
Đa phần công chúng tự bầu Vi Thị Đông là Hoa hậu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị hút hồn bởi Mạc Lê Đan Thanh và kết quả cuối cùng diễn ra đúng kiểu "ba mươi chưa phải là Tết": Ngôi vị cao nhất thuộc về Hà Kiều Anh!
Chi tiết ấy chứng tỏ điều gì?. Rằng cái đẹp muôn đời là chủ đề gây tranh cãi. Rằng mỗi người luôn có một hoa hậu của lòng mình. Trên hết, điều đó thể hiện, những tài năng lớn luôn là những nhân cách lớn. Họ có sự lựa chọn công bằng, nhân văn, đi trước thời đại đồng thời biết gác lại lòng mình, biết... mặc kệ đám đông!.
Cho đến bây giờ, Hoa hậu Hà Kiều Anh vẫn giữ "kỷ lục" là Hoa hậu Việt Nam đăng quang trẻ nhất và nhan sắc "nhìn một lần là nhớ" của cô chưa bao giờ xoa dịu nổi những cuộc tranh cãi bởi nó không giống với bất cứ vẻ đẹp quen thuộc, điển hình nào.
Sự lựa chọn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm nào đã giúp mọi người được thưởng thức sự bung nở của một đóa hoa đẹp với nhiều sắc hương cũng như giông bão. Dù là ngụ ý hay sự tình cờ thì kết quả "khác thường" ấy đủ để khái quát thành chiều sâu triết lý về cái đẹp, rồi cuối cùng là "để gió cuốn đi"
Theo Gia đình & Xã hội