Hiệp định RCEP – Những cơ hội và tác động nhiều mặt

(Pháp Lý) - Ngày 15/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm : Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã ký kết từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Sự kiện này tác động không chỉ đến các quốc gia ký kết…

Thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có

Sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp. Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán bắt đầu từ cuối năm 2012, tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh (Campuchia). Tuy nhiên Ấn Độ gần đây tuyên bố rút khỏi RCEP vì chưa phù hợp với mong muốn của họ. Mục đích của RCEP là thiết lập sự hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa ASEAN với các đối tác, tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Trần Tuấn An tại lễ ký - Ảnh: ASEAN

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, sự xuất hiện của RCEP sẽ góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.

Do đó, phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.

Theo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEF, Hiệp định RCEP là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch Covid-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.

Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ Đô la Mỹ tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), các nhà lãnh đạo tin rằng Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác. Hiệp định RCEP, là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tự do trước đây giữa ASEAN và các nước Đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các Chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ. Các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng Hiệp định RCEP, với mức độ cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.

Môi trường thương mại công bằng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì cho rằng với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.

Việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp… góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thì việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước. Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các FTA trước đây, chúng ta cùng một số nước ASEAN đang trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Những thách thức với Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), RCEP được ký kết và đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, có quy mô GDP gấp đôi hiệp định CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, RCEP không chỉ là màu hồng. Theo đánh giá của Trung tâm WTO, lý do khiến không ít doanh nghiệp trong nước quan ngại là nhiều đối tác trong FTA này có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Các thị trường trong khối cũng có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa và nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt là ở các thị trường mà các đối tác chưa có FTA chéo.

Để khai thác được lợi ích từ mỗi FTA, trong đó có RCEP, các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu các cam kết trong hiệp định, yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng để đầu tư đón lõng thị trường đúng và trúng. Với hàng hóa xuất khẩu, chất lượng, thỏa mãn tiêu chuẩn, xuất xứ nguyên liệu… cần phải được tuân thủ.

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định RCEP hứa hẹn giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc kinh sau đại dịch COVID-19, bởi lẽ RCEP với 15 nền kinh tế có trình độ phát triển và nền kinh tế ở mức khác nhau, cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau sẽ là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp của các nước tham gia các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu.

Do đó, doanh nghiệp Việt cần tìm cách tham gia sâu hơn, ở phạm vi rộng lớn hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nhận thức, đánh giá lại năng lực hoạt động của chính mình. Và phải có chiến lược hoặc định hướng rõ về việc tham gia hoặc xây dựng chuỗi cung ứng – ông Ngô Trí Long cho biết.

PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý: Doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn thử thách do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn, trong khi chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn. Đặc biệt, hàng hoá Việt vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu, khả năng năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu còn khiêm tốn. Chuyên gia kinh tế Ngô Chi Lan bình luận tính hai mặt và lợi hại về Hiệp định RCEP và bày tỏ lo nhiều hơn vui.

Tác động thị trường thế giới

Ngay sau khi RCEP được ký kết, chỉ số chính tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước ASEAN sáng 16/11 đồng loạt đi lên.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hiện tăng 1,55% lên đỉnh 29 năm. Topix Index tăng 1,3%. Các hãng xe dẫn đầu đà tăng tại thị trường này. Nissan tăng 3,44%, Mazda lên hơn 4% và Mitsubishi lên 3%.

Chứng khoán Nhật Bản cũng đi lên một phần nhờ thông tin GDP nước này tăng 21,4% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ mạnh nhất kể từ năm 1968, cho thấy quốc gia này đang hồi phục trong đại dịch.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi hiện tăng 1,65%. Nhóm công nghệ lên mạnh nhất, với Samsung Electronics và SK Hynix tăng hơn 4%.

Thị trường Trung Quốc vừa mở cửa cũng đi lên. Shanghai Composite tăng 0,2%. Hang Seng Index của Hong Kong tăng 0,24%. Các thị trường khác như Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore đều đang tăng.

Trên thị trường tiền tệ, yen Nhật hiện giao dịch quanh 104,7 yen đổi một đôla Mỹ, mạnh hơn so với cuối tuần trước. Đôla Australia gần như không đổi. Trong khi đó, Dollar Index – theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ lớn – lại yếu đi, hiện về 92,647 điểm.

Đối trọng hay hợp tác?

Tờ New York Times thì đánh giá RCEP có phạm vi ảnh hưởng giới hạn nhưng lại mang một sức mạnh biểu tượng đáng kể. Hiệp định này bao phủ thị trường 2,2 tỷ người, lớn hơn bất kỳ FTA khu vực nào trước đây, và có thể giúp củng cố thêm hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế thống trị trong khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi hiệp ước là "một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do".

Các nước thành viên RCEP - Ảnh: ASEAN

RCEP cũng được ký kết trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi nhiều thỏa thuận thương mại đóng vai trò định hình lại các mối quan hệ toàn cầu. Gần 4 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là thỏa thuận có quy mô rộng hơn RCEP, được coi là câu trả lời của Mỹ trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với một số chuyên gia thương mại, thỏa thuận mới này cho thấy phần còn lại của thế giới sẽ không chờ đợi Mỹ. Liên minh châu Âu cũng đã tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại. Khi các nước khác ký kết thỏa thuận mới, các hãng xuất khẩu Mỹ có thể dần mất chỗ đứng.

RCEP chủ yếu xóa bỏ thuế đối với hàng hóa đã đủ điều kiện để được miễn thuế theo các hiệp định thương mại tự do hiện có. Nó cho phép các quốc gia giữ nguyên thuế đối với hàng nhập khẩu trong các lĩnh vực mà họ coi là đặc biệt quan trọng hoặc nhạy cảm.

Còn theo bà Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, các rào cản thương mại thấp hơn của RCEP có thể khuyến khích các công ty toàn cầu tiếp tục hoạt động ở châu Á thay vì chuyển sang Bắc Mỹ. Việc này càng có lợi với các hãng đang cố gắng tránh thuế của Mỹ áp lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.

"RCEP giúp các công ty nước ngoài thêm linh hoạt trong việc điều hướng giữa hai gã khổng lồ", bà nói, "Việc giảm thuế làm tăng giá trị của hoạt động trong khu vực châu Á, trong khi các quy tắc xuất xứ thống nhất giúp kéo sản xuất ra khỏi Trung Quốc dễ dàng hơn mà vẫn duy trì quyền tiếp cận thị trường đó".

Theo Thời báo Ngân hàng, Báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Lurong Chen, với tựa đề “Vai trò của RCEP đối với hội nhập kinh tế khu vực”. Theo bài viết trên, trên thực tế sự tiến bộ của lĩnh vực hợp tác thương mại đa phương không thể bắt kịp với tốc độ thay đổi của kinh tế thế giới, có vẻ như một hệ thống các thỏa thuận quốc tế đa cực đang ngày càng thịnh hành và bị chi phối bởi nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc.

Việc cho ra đời RCEP là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia châu Á. Sẽ là sai lầm khi đánh giá rằng RCEP sẽ là đối trọng với TPP mà thực tế hai hiệp định này khi ra đời có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Eduardo Ferreyros của Peru bày tỏ hy vọng nước này sẽ là một cấu thành trong cả hai hiệp định thương mại tự do lớn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP. Giới chức Peru cho biết Lima đã khởi động những cuộc đàm phán về việc tham gia Hiệp định RCEP do Bắc Kinh hậu thuẫn, trong khi vẫn hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không gạt bỏ TPP do Washington dẫn dắt.

Thái Đăng

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin