(Pháp lý) - Hàng loạt những sai phạm liên quan đến các lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đấu giá tài sản, buôn lậu hay xây dựng cơ bản đã được phát hiện và chỉ ra, nhưng do chế tài xử phạt quá nhẹ, truy trách nhiệm không nghiêm nên sai phạm tiếp nối sai phạm…
Buôn lậu nhiều do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe?
Cách đây vài năm, dư luận “sục sôi” trước bản án của TAND TP Hà Nội đối với các bị cáo trong đường dây “phù phép” xe nhập lậu thành xe “xịn”, do Ngô Doãn Phúc (SN 1977, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cầm đầu. Dư luận quan tâm không phải vì hàng loạt xe siêu sang được “phù phép” như thế nào, mà là mức án được tòa tuyên “quá nhẹ” cho các bị cáo. Điển hình như người cầm đầu, Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 14 – 16 năm tù về tội “Buôn lậu”, nhưng khi tuyên án, tòa lại cắt một nửa khung so với đề nghị ban đầu. Hay như bị cáo Nguyễn Xuân Thủy (SN 1973, trú tại xã Quang Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - nguyên Đội phó Đội Quản lý thị trường số 10, trước đó bị truy tố về tội “Buôn lậu”, nhưng bị cáo này được đổi tội danh sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bị tuyên phạt 14 tháng 18 ngày tù.
Lý giải về việc tại sao nhiều vụ buôn lậu lớn bị triệt phá nhưng nạn buôn lậu vẫn nóng hừng hực, Cục phó Cục điều tra chống buôn lậu - Nguyễn Văn Thọ cho rằng, do đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu lớn đều là những kẻ có tiềm lực tài chính. Không ít đối tượng dùng tiền để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo cư dân, người lao động nghèo trên địa bàn, một số cán bộ biến chất trong các cơ quan chống buôn lậu nhằm tìm sự bảo kê của lực lượng chức năng địa phương…Ngoài ra, trong thực thi nhiệm vụ, lực lượng chống buôn lậu hải quan vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; Bộ Luật Tố tụng hình sự chưa quy định cho cơ quan Hải quan khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với một số tội danh như ma túy, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, sở hữu trí tuệ,... Bên cạnh đó, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 127 của Chính phủ, cấp Đội, Hải đội được tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức. Thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế các vụ bắt giữ của Cục Điều tra chống buôn lậu đều có trị giá hàng hóa vi phạm cao hơn (100 triệu đồng).
Ngoài ra, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với tội "buôn lậu" và tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới". Tuy nhiên, trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành, trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lý của ngành Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả…Một khó khăn nữa là cơ quan Hải quan khi phát hiện tội phạm tại cửa khẩu lại không được phép tạm giữ, bắt người. Nhiều vụ việc, dù bắt quả tang nhưng cơ quan Hải quan phải chuyển ngay cho cơ quan Công an để khởi tố và bắt giữ. Trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự, việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra hết sức quan trọng, tuy nhiên cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án...
Trước tình trạng buôn lậu vẫn “sôi động”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, do pháp luật chưa đủ mạnh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng các đối tượng buôn lậu “nhờn luật”. Ngoài ra, trách nhiệm và công tác phối hợp của các lực lượng chống buôn lậu như: Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… còn một số hạn chế. Bên cạnh đó còn có việc phân khúc, cắt khúc trong chỉ đạo điều hành của các đơn vị chống buôn lậu. Ví dụ: Hải quan thuộc Bộ Tài chính, Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, Biên phòng lại thuộc Quân đội…. dẫn đến công tác chống buôn lậu chưa hiệu quả.
Sai phạm trong cổ phần hóa: Chưa truy trách nhiệm hình sự, nên ít người sợ
Từ phân tích những sai phạm liên quan đến việc cổ phần hóa (CPH) ở Hãng phim truyện Việt Nam; cảng Quy Nhơn và rất nhiều thương vụ CPH khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng các thương vụ cổ phần hóa làm thất thoát tài sản nhà nước như vừa qua, tôi cho là có dấu hiệu hình sự nhưng rất khó để xử lý, vì luật pháp không rõ ràng. Hơn nữa, theo tôi, xem ra người ta cũng không muốn hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Do đó, có những việc đáng ra phải đưa ra hình sự thì người ta lại không đưa ra xử lý. Điển hình như lợi ích nhóm trong định giá tài sản không đúng làm thất thoát tài sản Nhà nước, là tham nhũng, là hình sự. Ví dụ việc xác định giá trị tài sản ở cảng Quy nhơn hay Khuyến Lương rất rẻ, chính là cố tình làm thất thoát tài sản Nhà nước, cần phải đưa ra xử lý nghiêm minh.
Ông Thịnh phân tích thêm, lý do chính là quản lý giám sát không nghiêm minh, trách nhiệm cụ thể từng người không được xác định rõ ràng. Ví dụ như với kiểm toán, khi ông ký vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nếu báo cáo đó sai thì phải chịu trách nhiệm. Tương tự như vậy, nếu định giá tài sản không đúng giá trị thì cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử lý. Nếu quy định và xử lý nghiêm minh thì công tác định giá, kiểm toán sẽ khác ngay. Tuy nhiên, quy trình này hiện nay không chặt chẽ nên rất khó xử lý.
Theo ông Thịnh, các quy định của cơ quan định giá cần phải rõ ràng. Nếu cơ quan quản lý phát hiện có lợi ích nhóm, cố tình sai phạm thì nhẹ nhất là phải tước quyền hoạt động của người giám định, thẩm định còn nặng thì phải đi tù. Vấn đề này chúng ta chưa làm được, truy trách nhiệm không nghiêm nên người ta không sợ.
Chế tài xử phạt tổ chức bán đấu giá, đấu giá viên: quá nhẹ
Hồi cuối tháng 7/2018, Bộ Tư pháp có Kết luận thanh tra quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản là công trình xây dựng và dây chuyền máy móc thiết bị của Công ty Cổ phần Dệt Long An, Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam. Những người liên quan có nhiều sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng kết quả bán đấu giá tài sản, vi phạm quy định của pháp luật. Trong đó, Thanh tra Bộ phát hiện có sự thông đồng giữa những người tham gia đấu giá. Từ kết luận đó, Bộ Tư pháp đã yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam tổ chức họp, xác định trách nhiệm cá nhân, có hình thức xử lý phù hợp đối với những cá nhân có sai phạm.
Bàn về những quy định xử phạt liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản, Thạc sỹ Phan Đăng Hải, Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng: tại Mục 5 Chương II Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, các hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá có thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc thời hạn 12 tháng. Trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung. Cùng với đó, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản bao gồm: hủy bỏ giấy tờ giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản. Có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá tài sản được quy định trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là tương đối thấp. Mức xử phạt này được xây dựng dựa trên mặt bằng chung về điều kiện kinh tế, mức xử phạt vi phạm hành chính khác, chứ không tính toán theo địa bàn tỉnh, thành phố và giá trị của tài sản được đưa ra đấu giá.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, tại Điều 218 quy định: cá nhân nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính từ hoạt động đấu giá tài sản có thể phải chịu mức phạt tù tối đa là 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những trường hợp được quy định trong Bộ luật Hình sự khá khó khăn, xuất phát từ những thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng trở nên tinh vi. Ngoài ra, mức xử phạt này so với nguồn lợi thu được trong những cuộc bán đấu giá tài sản có giá trị lớn là “không bõ bèn gì”. Điều này dẫn đến câu chuyện đấu giá viên, các tổ chức bán đấu giá tài sản sẵn sàng vi phạm để đạt được lợi ích khác.
Sai phạm trong xây dựng: Mức xử phạt thấp hơn nhiều so với lợi nhuận doanh nghiệp thu được
Mới đây, UBND TP HCM đã xử phạt Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình vì những vi phạm tại dự án tổ hợp nhà ở xã hội Tân Bình Apartment - số 32 Hoàng Bật Đạt, quận Tân Bình. Theo đó, công ty này bị phạt 1,64 tỉ đồng và đình chỉ kinh doanh 12 tháng, đình chỉ hoạt động xây dựng 6 tháng vì 19 lỗi vi phạm kéo dài. Tân Bình Apartment có quy mô 4.400 m2, gồm 2 block cao 14 tầng, 168 căn hộ, là dự án nhà ở thương mại nhưng sau đó chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi vay gói 30.000 tỉ đồng. Với số tiền phạt nêu trên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình đã thiết lập kỷ lục mới về số tiền bị xử phạt hành chính đối với một dự án bất động sản. Kỷ lục bị phạt trước đó là 1 tỉ đồng, thuộc về dự án Thảo Điền Sapphire do Công ty CP TDS làm chủ đầu tư, vì xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn - với tổng diện tích 1.127 m2.
Bàn về mức phạt và tính răn đe của các quyết định xử phạt trong lĩnh vực xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng mức phạt hiện nay vẫn chưa tương xứng so với những sai phạm. Thực tế, số tiền xử phạt các dự án vi phạm ngày càng lớn là do áp dụng Nghị định mới của Chính phủ trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản. Đây là những thay đổi lớn, có tính chất răn đe mạnh hơn, cần thiết hơn để ngăn chặn vi phạm. Điều này cũng giống các nước trên thế giới khi muốn minh bạch hóa thị trường. Tuy nhiên, mức phạt dù đã tăng vẫn chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Dự án Tân Bình Apartment có 19 lỗi vi phạm nhưng chỉ phạt hơn 1,6 tỉ đồng thì chưa đủ răn đe, bởi số tiền thu lại được của doanh nghiệp do vi phạm lớn hơn con số đó rất nhiều lần. Mức xử phạt tại Việt Nam khá thấp. Do đó, cần thay đổi để đủ sức răn đe, triệt tiêu ý chí tái phạm của người vi phạm. Với hành vi đe dọa tính mạng con người như thi công ẩu, không bảo đảm PCCC … thì cần cân nhắc biện pháp phạt tù, ông Châu kiến nghị.
Đình Hòa