Ngay những ngày đầu năm 2022, cùng với việc khôi phục hàng loạt đường bay quốc tế và sự trở lại nhanh chóng của hàng không trong nước, thị trường hàng không đã sôi động với sự xuất hiện của 2 “tân binh” gia nhập thị trường với những định hướng kinh doanh rất khác biệt,
Sun Air – mảnh ghép mới trong hệ sinh thái của “ông lớn” Sun Group, hướng tới sẽ là hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên, chuyên phục vụ cho đối tượng khách hàng thượng lưu.
Ở thị trường Việt Nam, bầu trời dành cho hàng không hạng sang vẫn còn mới mẻ và do đó cơ hội dành cho những người mới vẫn đang là câu hỏi để ngỏ đặc biệt trong một lĩnh vực “kén người” như hàng không.
Thị trường tiềm năng
Trên thế giới, các hãng hàng không hướng tới nhu cầu sử dụng máy bay cá nhân của giới thượng lưu như lãnh đạo doanh nghiệp lớn, khách hàng có khả năng chi trả cao thường xuyên phải di chuyển giữa các nước không phải là điều mới lạ.
Dữ liệu từ Stratos Jets cho thấy hiện có tổng cộng khoảng 22.000 máy bay phản lực tư nhân đang hoạt động trên toàn cầu, đặc biệt thịnh hành nhất tại thị trường Bắc Mỹ và thứ hai là châu Âu. Châu Á cũng là khu vực tiềm năng trên thế giới về phân khúc hàng không này. Riêng với Việt Nam đây còn là lĩnh vực hết sức mới mẻ.
Theo báo cáo hãng hàng không Honeywell Aerospace năm 2019 (trước đại dịch), ước tính khoảng 8.000 máy bay phản lực tư nhân mới sẽ được mua bởi các công ty đa quốc gia và giới siêu giàu, 7.600 máy bay phản lực tư nhân mới dự kiến sẽ cất cánh trên bầu trời trong thập kỷ tới.
Ông Brian Foley, chuyên gia phân tích lĩnh vực hàng không, cho biết các công ty đa quốc gia chiếm phần lớn thị trường máy bay riêng trên thế giới hiện nay. Trong khi đó, giới siêu giàu chiếm khoảng 15-25% thị trường máy bay riêng toàn cầu và khoảng một phần tư được mua bởi các công ty tổ chức theo “loại hình chia sẻ thời gian” máy bay, chẳng hạn như NetJets là một công ty toàn cầu cung cấp cho khách hàng cả quyền sở hữu máy bay theo từng phần (fractional aircraft ownership) và cho thuê máy bay riêng. Chuyên gia phân tích hàng không này cho biết vào cuối năm 2021 nhiều nhà sản xuất phi cơ riêng đã báo cáo lượng đơn đặt hàng nhiều gấp đôi so với mức sản xuất hiện tại của họ.
Thời gian tới, khi nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng dần phục hồi hậu đại dịch, nhu cầu đi lại, đặc biệt bằng các chuyến bay riêng nhằm bảo vệ sức khỏe, tiết kiệm thời gian, tăng cường giao thương cũng như hưởng thụ cuộc sống sẽ gia tăng. Theo báo cáo của Công ty tư vấn hàng không ARGUS International, hàng không tư nhân đã phục hồi nhanh hơn nhiều ngành khác, trong đó du lịch bằng máy bay tư nhân tăng trưởng cao hơn 15% so với thời điểm trước đại dịch.
Một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá về tiềm năng của hàng không hạng sang đó là sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu trên toàn thế giới. Theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank mới công bố gần đây, dự báo lượng dân số siêu giàu toàn cầu - những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên - sẽ tăng thêm 28% trong giai đoạn 2021-2026, trong đó châu Á và châu Đại Dương có mức tăng trưởng cao nhất (33%), kế tiếp là Bắc Mỹ (28%) và Mỹ Latin (26%). Cùng với việc người giàu càng giàu hơn, một cuộc chơi mới cũng sẽ bắt đầu để thu hút tập khách hàng vừa có tiền và vừa biết chi, tập trung vào cung cấp các dịch vụ đẳng cấp mang đến cảm giác "được phục vụ" và riêng biệt.
Xa xỉ hay tiền được tiêu đúng chỗ?
Lý giải về sự bùng nổ của hàng không hạng sang, ông Chris Williams Martin, người sáng lập công ty quản lý máy bay tư nhân hạng sang FlyEliteJets (Anh) cho rằng do nhu cầu hưởng thụ của đối tượng khách hàng giàu có và sự tiện ích mà dịch vụ mang lại. Theo đó, máy bay tư nhân không phải dịch vụ quá xa xỉ mà là cách tốt nhất để tận dụng thời gian tối đa đến từng phút.
“Khách hàng thường là những công ty đang phát triển mạnh, các giám đốc điều hành phải di chuyển nhiều nơi trong thời gian ngắn. Vì vậy, sử dụng máy bay tư nhân sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc khi họ có thể rời từ một sân bay nhỏ hơn đi đến 2 hoặc 3 thành phố, sau đó quay trở lại.
Khách hàng sẽ được đón bằng xe limo sang trọng, chỉ mất 15 phút làm thủ tục, được đưa đến tận bậc thang máy bay phản lực và cất cánh trong vòng vài phút. Vì vậy họ không để thời gian chết. Hơn nữa, máy bay phản lực tư nhân di chuyển nhanh hơn máy bay theo lịch trình”, ông Chris Williams Martin giải thích.
Một số khách hàng khác rất quan tâm đến vấn đề quyền riêng tư, bảo mật và sự thuận tiện khi bay. Có những người bay đến 400 -500 giờ mỗi năm, họ sử dụng máy bay như văn phòng nên một chiếc máy bay riêng là điều rất cần thiết. Ông Chris Williams Martin chia sẻ: “Họ hoàn thành công việc trong ngày ngay trên máy bay và tham gia các cuộc họp, không phải tốn chi phí khách sạn và họ vẫn có thể về đến nhà vào buổi tối".
Một hiện tượng ít ai ngờ tới đó là trong khi nhiều hãng hàng không đối mặt với những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các nhà khai thác máy bay tư nhân lại chứng kiến sự bùng nổ.
Ở giai đoạn đầu đại dịch, nhiều người giàu có đã thuê máy bay tư nhân để thực hiện "chuyến bay sơ tán" khỏi quốc gia bị Covid-19 tấn công.
Ông Philippe Scalabrini, người đứng đầu bộ phận quản lý khu vực Nam Âu Công ty hàng không tư nhân quốc tế VistaJet, cho biết tác động của đại dịch đã buộc mọi người tìm kiếm giải pháp khác để đáp ứng nhu cầu đi lại. “Bất cứ ai có đủ khả năng chi trả đều muốn sở hữu một chiếc máy bay theo ý mình. Nhìn chung, hàng không tư nhân đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc về nhu cầu trong hai năm qua”, ông Philippe Scalabrini nói.
Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý không lưu Eurocontrol, di chuyển bằng máy bay tư nhân đã tăng gần gấp đôi thị phần toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2021, ở mức 12%. Ngoài việc đại dịch khiến nhiều người quan tâm hơn đến hình thức di chuyển và giải trí "hạn chế sự tiếp xúc", tài sản của giới nhà giàu tăng vọt cũng là một nguyên nhân của cơn sốt đồ xa xỉ trên thế giới. Theo Bloomberg Billionaires Index, trong năm 2021, tài sản của Top 500 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 1,2 nghìn tỷ USD bởi thị trường chứng khoán bùng nổ và các ngân hàng trung ương tăng bơm tiền vào các nền kinh tế.
Các công ty cho thuê chuyên cơ đang ghi nhận nhu cầu sử dụng dịch vụ cao ở mức chưa từng có từ phân khúc khách hàng siêu giàu với mục đích đi công tác, du lịch trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã nới lỏng biện pháp hạn chế Covid-19.
Hai công ty Flexjet và PrivateFly cung cấp máy bay tư nhân hạng sang đã ghi nhận "nhu cầu đặc biệt cao" trong tháng 9 và 10/2021, ngược lại với xu hướng giảm thông thường của các năm trước đại dịch khi mùa hè mới là cao điểm.
Bà Marine Eugène, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Flexjet và PrivateFly, cho biết: "Nhiều khách hàng của chúng tôi là các giám đốc điều hành cấp cao, doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, đã bắt đầu các chuyến công tác trở lại. Nhu cầu gặp mặt trực tiếp đối tác để bàn bạc, làm ăn đang gia tăng. Việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm đối với du khách Anh và châu Âu cũng làm nhu cầu cao bất thường trong quý cuối năm 2021".
Chuyên gia phân tích hàng không Brian Foley cho biết nhu cầu được thúc đẩy bởi "khách hàng giàu có lựa chọn đi máy bay riêng thay vì xếp hàng đông đúc ở sân bay và bị xếp ngồi giữa những người lạ"; “Dữ liệu cho thấy việc đi lại bằng máy bay tư nhân đang tăng cao hướng tới mức trước đại dịch, trong khi các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không tiếp tục trì trệ".
Chuyên gia phân tích hàng không này cho rằng nhu cầu máy bay hạng sang đang giống như nhu cầu sở hữu những mô hình mới nhất và đẹp nhất của người giàu. “Họ muốn trở thành người đầu tiên nhận một sản phẩm mới. Nó tương tự cảm giác muốn sở hữu (mania) dòng iPhone mới nhưng ở đây là đối với máy bay phản lực”, ông Brian Foley nói.
Nhiều yếu tố đã thúc đẩy xu hướng phát triển của ngành hàng không tư nhân trên thế giới, nhu cầu của giới siêu giàu và doanh nhân về những chuyến bay sang trọng, riêng tư, tiết kiệm thời gian ngày càng tăng. Ngành hàng không Việt cũng không nằm ngoài cục diện mới, sẵn sàng với sự bùng nổ của phân khúc hàng không hạng sang mà Sun Air là tiên phong.
Ông Scott Neal, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách kinh doanh toàn cầu của Gulfstream, cho biết: "Mối quan tâm đến máy bay Gulfstream ở châu Á ngày càng tăng, và chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam. Sun Air không chỉ là một khách hàng quan trọng, mà còn là cầu nối để chúng tôi mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường đầy tiềm năng này".
Bánh ngon nhưng có dễ nuốt?
Có thể thấy, phân khúc hạng sang trong hàng không vẫn là một vùng đất tiềm năng, nhưng không phải ai cũng có thể tham gia cuộc chơi nhiều rủi ro này.
Ông Chris Marich, người đồng sáng lập nền tảng quản lý chi tiêu MySky, lưu ý những người muốn tham gia vào cuộc chơi hàng không hạng sang cần tìm hiểu thật kỹ về các chi phí liên quan, không chỉ trong việc mua hàng mà còn việc vận hành máy bay. Ông nói: “Nhiều các chủ sở hữu máy bay tư nhân đã thiếu kiến thức về chi phí thực sự của việc sở hữu máy bay trong thời gian dài”.
Chuyên gia hàng không Anderson cho biết cần xác định 3 yếu tố trong tổng chi phí: đầu tiên là chi phí thu mua (acquisition); chi phí vận hành trực tiếp (direct operating costs) cho mỗi giờ bay, bao gồm nhiên liệu, ăn uống và phi hành đoàn; và các chi phí cố định (fixed costs) phải chi trả cho dù máy bay không vận hành - chẳng hạn như tiền thuê nhà chứa máy bay và bảo hiểm. Chi phí cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thuế khác nhau đáng kể giữa các khu vực pháp lý.
Một khó khăn lớn hiện nay mà ngành hàng không nói chung cần phải vượt qua là chi phí nhiên liệu cao trong khi nhu cầu vận tải chuyên chở hành khách và hàng hóa đang phục hồi hậu đại dịch.
Bên cạnh đó, phân khúc hàng không hạng sang cũng phải đối mặt với những ý kiến trái chiều từ công chúng bởi đi ngược lại với nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức phi chính phủ về Môi trường và Giao thông, một chuyến bay bằng máy bay tư nhân gây ô nhiễm hơn gấp 10 lần so với một chuyến bay thương mại. Ông Philippe Berland, chuyên gia vận tải hàng không của công ty tư vấn Sia Partners, nhận định về lâu dài môi trường là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành hàng không phải đối mặt.
Thực tế là nhu cầu hàng không tư nhân tăng cao sẽ khiến nhu cầu đối với các phi công có kinh nghiệm ngày càng tăng. Điều này đang có tác động đáng kể đến toàn ngành. Theo khảo sát của JETNET iQ, hơn 67% doanh nghiệp khai thác máy bay phản lực trên toàn thế giới đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng hoặc giữ chân nhân viên liên quan đến lĩnh vực hàng không. Sự thiếu hụt nhân viên bao gồm phi công, thợ máy và kỹ thuật viên. Vào cuối năm năm 2019, hãng Boeing (Mỹ) đã dự báo cho đến năm 2037 thế giới cần thêm 790.000 phi công mới, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt là Trung Quốc cần thêm 260.000 phi công.
Vấn đề nhân sự càng trở nên thách thức, trong bối cảnh lượng lớn nhân viên lành nghề bị nghỉ việc khi các hãng hàng không tái cơ cấu để ứng phó khó khăn do đại dịch Covid-19. Một số giải pháp giúp thu hút nhân công vào ngành hàng không như tư vấn lộ trình nghề nghiệp và các chương trình học, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nghề hàng không bởi họ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ số phi công toàn cầu.
Vào tháng 3/2020, Flybe, hãng hàng không độc lập khu vực lớn nhất tại châu Âu thực hiện các chuyến bay giữa 81 sân bay, đã tuyên bố phá sản sau khi không được đảm bảo khoản vay của nhà nước lên tới 100 triệu bảng Anh (129 triệu USD). Hãng hàng không 41 năm tuổi này là "nạn nhân" chịu ảnh hưởng rõ rệt trước sự giảm sút nhu cầu đi lại do đại dịch. Trước đó, hồi tháng 1/2020, hãng đã tránh được nguy cơ phá sản nhờ Chính phủ Anh cho hưởng ưu đãi thuế.
Tính toán của Sun Air
Tại Việt Nam, sự ra mắt của SunAir gây chú ý ngay thời điểm mở cửa hàng không, du lịch khi hướng tới đối tượng khách hàng hạng sang, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn liệu chiến lược này có phù hợp với thị trường hàng không Việt Nam vốn đang được chiếm lĩnh bởi các ông lớn, tâp trung vào phân khúc trung bình và giá rẻ.
Nói về con đường mà Sun Air đang theo đuổi, bà Lê Thuý Thanh Bình – Tổng Giám đốc Sun Air tự tin cho biết hãng này sẽ đóng vai trò là người dẫn dắt, khai mở trên bầu trời dành cho hàng không chung hạng sang- một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ tại Việt Nam.
“Trên thế giới, hàng không cao cấp với những chuyên cơ sang trọng dành cho giới tỷ phú, tài phiệt không phải quốc gia nào cũng có.
Bởi lẽ đó, việc Việt Nam có một hãng hàng không cung cấp những chiếc máy bay sang trọng bậc nhất thế giới, những chuyến bay riêng tư với những trải nghiệm được cá nhân hóa, an toàn, đẳng cấp, khác biệt, cũng đã đặt một dấu ấn Việt Nam ra thế giới. Sun Air sẽ đưa Việt Nam cất cánh trong mắt bạn bè quốc tế”, bà Bình khẳng định.
Chia sẻ về tiềm năng thị trường và lý giải nguyên nhân bùng nổ của hàng không hạng sang trong thời gian qua, Tổng Giám đốc Sun Air cho rằng nhu cầu và chất lượng cuộc sống ngày càng tăng cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, mọi người đều nhận ra rằng sức khỏe mới là điều quan trọng nhất, vì vậy mong muốn di chuyển một cách an toàn nhất, tiết kiệm thời gian và bảo vệ sức khoẻ nhất đang là xu hướng của hiện tại và tương lai. Đây chính là lý do khiến cho số lượng khách hàng đặt mua chuyên cơ đã tăng nhanh chỉ trong vài tháng vừa qua.
Tiết lộ kế hoạch đặc biệt trong năm 2022 của Sun Air, bà Lê Thuý Thanh Bình thông tin ngay trong năm 2022, Sun Air sẽ đưa những chiếc phi cơ đầu tiên của Gulfstream về Việt Nam để khai thác, và khách hàng của Sun Air sẽ được trải nghiệm các chuyến bay thượng lưu để du lịch, thăm quan các dự án trong hệ sinh thái Sun Group cũng như tới các điểm đến nổi tiếng toàn cầu.
“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho một màn chào sân chưa từng có tại Việt Nam vào quý III-2022, với triển lãm máy bay Gulfstream Airshow được tổ chức tại sân bay Vân Đồn.
Tại triển lãm này, khách tham quan sẽ được mục sở thị vẻ đẹp và hiệu suất của những phi cơ Gulfstream sang trọng bậc nhất hiện nay và chứng kiến màn trình diễn mãn nhãn của chúng trên bầu trời Việt Nam.
Cũng phải nói thêm rằng, không dễ để Gulfstream gật đầu đồng ý tổ chức một triển lãm máy bay bên ngoài lịch trình các triển lãm thông lệ mà hãng tham gia trên thế giới. Do đó, đây sẽ là một sự kiện vô cùng đặc biệt, không chỉ với Việt Nam hay Sun Air mà còn với chính hãng Gulfstream”, bà Bình chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng sự lựa chọn phân khúc khách hàng của Sun Air hoàn toàn là có cơ sở và phù hợp với hệ sinh thái chung mà Sun Group đang xây dựng.
“Sự lựa chọn phân khúc khách hàng hạng sang, thượng lưu của Sun Air cũng có thể khôn ngoan. Thứ nhất bởi phân khúc khách hàng đó ở Việt Nam đang có và đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng. Thứ hai, phân khúc ấy không chỉ dành cho khách Việt bởi vì định hướng của Sun Air là gắn hàng không với du lịch do đó tệp khách hàng còn mở rộng cả sang khách du lịch nước ngoài”, ông Thành chia sẻ.
Đồng tình về triển vọng trong đối tượng khách hàng mà Sun Air hướng đến, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng cần mạnh dạn hơn trong việc đánh giá thị trường hàng không.
“Trước đây, chúng ta từng nghĩ nông dân, công chức bình dân, người thu nhập thấp ai mà dám đi hàng không đắt đỏ nhưng thực tế đã có những lúc không có vé mà bán cho chính những đối tượng này.
Hiện nay trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước và du lịch quốc tế, lực lượng chuyên gia, doanh nhân, các nhà tư bản, khách du lịch có tiền vào Việt Nam sẽ ngày càng đông và việc đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách này là hoàn toàn cần thiết.”
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM cho rằng sự ra đời của một hãng hàng không hạng sang là không cần thiết và khó có triển vọng ở thị trường Việt Nam.
“Tôi cho rằng việc lập thêm một hãng hàng không hạng sang là không cần thiết trong lúc này. Các hãng hàng không hiện có như Vietnam Airlines, Bamboo Airways hay thậm chí như Vietjet đều có hạng thương gia với chất lượng phục vụ cao dành cho người những người có tiền và thực tế là đều kinh doanh rất tốt. Vậy thì bây giờ lập thêm để làm gì?”, ông Tống bày tỏ quan điểm.
Miếng bánh thị phần hàng không Việt Nam, ngoài lợi thế sẵn có của Vietnam Airlines, sự tham gia mạnh mẽ và sự thành công khi mở rộng phân khúc thị trường của Vietjet Air, Bamboo Airways thời gian qua cho thấy sức hấp dẫn lớn của ngành dịch vụ tỷ đô này. Tuy vậy, để cất cánh và giữ được vị trí trên bầu trời Việt, để gia nhập thị trường và tồn tại lâu dài, các hãng bay không chỉ cần xác định khách hàng mục tiêu... mà còn là nguồn lực tài chính dồi dào. Thất bại của Trãi Thiên, của Indochina Airlines trong quá khứ hay sự vật lộn của Vietravel Airlines qua giai đoạn dịch bệnh là bài học đắt giá mà những tân binh như Sun Air hay IPP Air Cargo cần tính đến.
Nguồn nguoiduatin.vn