Dấu ấn bà Nguyễn Thị Bình trong “kỳ tích ngoại giao Việt Nam”

15/03/2019 15:05

(Pháp lý) - Cách đây khoảng 46 năm, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris ngày 27/1/1973 giữa bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhắc đến một người phụ nữ, có tầm vóc và ảnh hưởng đến Hội nghị Paris. Bà là Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người được biết đến là một trong những nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris. Bà từng chia sẻ: Hội nghị Paris mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong đàm phán ngoại giao. Kinh nghiệm là phải biết đánh giá tình hình, ta và địch như thế nào. Thứ hai là phải biết chớp thời cơ. Thứ ba là phải có sách lược khôn ngoan.

 Bà Nguyễn Thị Bình trả lời báo chí trong thời gian diễn ra hội nghị Paris (Ảnh tư liệu lịch sử).
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời báo chí trong thời gian diễn ra hội nghị Paris (Ảnh tư liệu lịch sử).)

Vận dụng thế chiến trường và thế trên bàn đàm phán

Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Hội nghị kéo dài 5 năm với 501 cuộc họp công khai và hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn. Khi hai bên ngồi vào đàm phán, thế ta ngày càng mạnh, thế địch ngày càng yếu nhưng thế mạnh và thế yếu là tương đối không phải tuyệt đối. Những người làm công tác ngoại giao trong đoàn, đã dựa vào thế ấy mà đưa ra những quyết sách khác nhau.

Trong đàm phán Paris, ta ngày càng thấy rõ dấu ấn ngoại giao là một khoa học và nghệ thuật. Khoa học và nghệ thuật này đòi hỏi ta phải nắm vững lực lượng ở chiến trường, phải nắm vững tình hình của địch, phải biết rõ chiến lược, sách lược và âm mưu của địch, phải tính đường đi nước bước cho khéo và phải nắm vững thời cơ.

Khoa học và nghệ thuật đàm phán đòi hỏi phải giành thắng lợi từng phần, phải biết ngả bài đúng lúc. Sớm quá hoặc muộn quá đều không có lợi.

Trong dịp kỉ niệm 45 năm sau, bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973, đã xúc động nói: "Những chứng nhân Hội nghị Paris giờ chỉ còn lác đác vài người. Kỷ niệm 45 năm gặp các đồng chí, nhắc lại một thời kỳ chiến đấu rất anh hùng trên mặt trận ngoại giao". Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khi đó chia sẻ: ông không trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định Paris nhưng ông luôn theo dõi sát sao cuộc hòa đàm lịch sử này. Đánh giá về đoàn đàm phán, ông cho biết các cán bộ ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán Paris thời kỳ đó không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao đa phương nhưng cuối cùng đã tạo ra được kỳ tích.

Trong khi đàm phán, ta và đối phương vẫn tìm mọi cách thay đổi so sánh lực lượng tại chiến trường. Bà Nguyễn Thị Bình vẫn nhớ rõ những cột mốc lịch sử của Hội nghị Paris kéo dài gần 5 năm. Phía địch, chính quyền Nich- xơn mở rộng chiến tranh sang các nước láng giềng của Việt Nam, tăng cường phá hoại miền Bắc để tạo thế cho mình... Phía ta mở nhiều chiến dịch, đặc biệt là ở chiến trường miền Trung (Quảng Trị)… Trong đàm phán, ta cũng phải nghiên cứu tình hình quốc tế rất kĩ lưỡng. Trong năm 1972 là năm bầu cử ở Mỹ và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam - đặc biệt là ở Mỹ - đang diễn ra rất mạnh, gây áp lực cho chính quyền Tổng thống Richard Nixon. "Ba năm trước đó, chúng ta nêu ra hai yêu sách: đòi Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam và xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Đến năm 1972, tình hình thế giới và chiến sự thay đổi, ta chỉ tập trung yêu cầu Mỹ rút quân, vấn đề miền Nam giải quyết sau" - bà Bình nhớ lại. Trong ba tháng tranh luận, đấu tranh với nhau, cuối cùng phía Mỹ căn bản chấp nhận văn bản của ta dù còn một số điều khoản chưa thực sự đồng ý và dự định ký Hiệp định này vào tháng 10/1972. Phía Mỹ trì hoãn, lấy lý do chính quyền Thiệu chưa tán thành hoàn toàn. Vì muốn giành thế chủ động, Mỹ đánh bom miền Bắc 12 ngày đêm để giành thế chủ động khi đàm phán Hiệp định Paris.

Chính quyền Mỹ khi ấy âm mưu cô lập ta về ngoại giao, nuôi ảo tưởng dùng thế mạnh để ép ta nhân nhượng trên bàn hội nghị. Thế nhưng, đòn đánh cuối cùng của Mỹ đã thất bại thảm hại, B52 liên tiếp bị bắn rơi. Đây là đòn quyết định nhất buộc Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Ngày 8/1/1973, vòng đàm phán bốn bên tại Paris được nối lại sau trận "Điện Biên Phủ trên không", sau khi Mỹ xoay ngược những gì đã thỏa thuận khiến Hiệp định ngày 20/10/1972 không thể ký kết được. Trở lại Paris với tư cách là người chiến thắng, ông Lê Đức Thọ đề nghị cả đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa không ra đón đoàn Mỹ như thông lệ vì sự lật lọng của Washington trước đó.

Người “tranh thủ” sự ủng hộ của quốc tế

Trong suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari (từ 1968 - 1973) ngoài tên tuổi của những nhà ngoại giao tầm cỡ lớn như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, thì tên của bà Nguyễn Thị Bình - nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Pari năm ấy vẫn được nhân dân Việt Nam và thế giới nhắc đến với lòng ngưỡng mộ về một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và đầy bản lĩnh.

 Bà Nguyễn Thị Bình (đứng thứ 2 từ trái sang) trong một cuộc gặp gỡ nhân kỉ niệm 45 năm Hội nghị Paris (ảnh nguồn báo Tuổi trẻ).
Bà Nguyễn Thị Bình (đứng thứ 2 từ trái sang) trong một cuộc gặp gỡ nhân kỉ niệm 45 năm Hội nghị Paris (ảnh nguồn báo Tuổi trẻ).)

Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Pari, báo giới phương Tây đã rất ấn tượng với hình ảnh của "madam Bình" (tên mà các nhà báo phương Tây gọi bà khi đó). Họ ấn tượng không chỉ bởi trước mắt họ là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ vùng đất đầy khói lửa chiến tranh nhưng lại có phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng. Bà tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán tới... Bà Nguyễn Thị Bình kể, có những cuộc họp báo quốc tế tới 400 nhà báo, hoặc có lần truyền hình trực tiếp, bà phải trả lời phỏng vấn (bằng tiếng Pháp) với hàng chục Phóng viên Pháp, Mỹ. Mặc dù rất căng thẳng, hồi hộp, nhưng lúc nào bà cũng cười thật tươi, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng...

Trong những năm tháng tiến hành đàm phán, ngoài đấu tranh trực tiếp trên bàn đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình còn tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, các đoàn thể, các cá nhân thuộc các đoàn thể ở Mỹ, các nước phương Tây và các nước xã hội chủ nghĩa khác bằng tuyên truyền, vận động qua báo chí và gặp gỡ trực tiếp. Bà Bình là người trực tiếp phát biểu tại nhiều cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn nhiều nhà báo quốc tế.

Nén lòng thương nhớ con chờ hòa bình…

Đối với bà Nguyễn Thị Bình và những người tham gia đàm phán năm ấy, ngày ký kết Hiệp định Pari có lẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong đời. “Khi đặt bút ký vào bản Hiệp định Pari, tôi vô cùng xúc động, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam, Bắc, nghĩ đến những người đã ngã xuống không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, tôi bỗng trào nước mắt. Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi" - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ với báo chí.

Quá trình đàm phán là quá trình ta dần mạnh lên. Quá trình đàm phán cũng là quá trình địch đi xuống. Đàm phán đi đến kết thúc là khi đối phương không còn con bài nào nữa và khi ta đưa ra các yêu cầu phải chăng, chiến lược và sách lược đánh đổ địch từng bước, giành thắng lợi toàn phần.

Chia sẻ với báo chí, bà Bình kể: Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán, ngoài một số lần về nước ngắn ngủi, còn lại hầu như đều ở nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ, vận động, tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Cả mấy cái Tết, bà đều không có mặt bên cạnh chồng con, mà phải ăn Tết ở xứ người. Trong con mắt của mọi người, bà là một Bộ trưởng ngoại giao tài năng, luôn vui vẻ tươi cười, nhưng có mấy ai biết, trong lòng bà vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ chồng, con ở quê nhà.

Làm sao mà không nhớ, không lo, bởi khi bà đi, người con lớn của bà mới 8 tuổi, còn con nhỏ mới vỏn vẹn 4 tuổi, cái tuổi đang rất cần vòng tay chăm sóc, yêu thương của người mẹ, nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với đất nước, bà đã phải phó thác các con cho người thân nuôi dưỡng giúp. Mỗi khi nhớ chồng, con, nhất là vào những ngày Tết, bà chỉ còn biết lặng lẽ kìm nén lòng mình…

“Lúc đầu, anh em trong đoàn đều nghĩ cuộc đàm phán này chắc sẽ mất khoảng một năm hoặc hơn một chút, chứ không ai nghĩ nó sẽ kéo dài đến gần 5 năm. Nhiều lúc cũng cảm thấy chán vì nó kéo dài quá, nhưng có một điều lạ là trong lòng mọi người đều có một niềm tin, đó là chúng ta sẽ thắng lợi. Cũng nhờ niềm tin ấy mà anh em trong đoàn đã cố gắng” - nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Hiệp định Pari ký ngày 27/1/1973, nhưng bà cùng những người trong đoàn vẫn chưa được về nước, mà còn phải ở lại tổ chức Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Pari, 4 bên tham gia Hiệp định, đại diện 12 nước và khách mời là Tổng thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim. Tất cả các nước tham dự Hội nghị đã ký vào một bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế Hiệp định Pari về Việt Nam và đảm bảo cho Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh. Kết thúc Hội nghị quốc tế, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về nước, còn đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam do bà làm Trưởng đoàn tiếp tục ở lại để cùng đoàn Việt Nam Cộng hòa họp hai bên, để đi đến thành lập một chính phủ 3 thành phần, tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam và xác định chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam, cho nên mãi đến tháng 4/1973, bà mới được trở về Việt Nam, tiếp tục công việc của Bộ trưởng Ngoại giao. Sau này bà đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đánh giá cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (tháng 10/1973) viết: …“Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao kéo dài 5 năm, phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và chính trị trong nước, gây ảnh hưởng chính trị rộng lớn trên thế giới, đã kết thúc thắng lợi… Hiệp định Paris đã ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.

Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng;. Ông nội bà là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương. Thủa thiếu thời, bà cùng cha lao động để kiếm tiền nuôi các em ăn học, từ đi bán gạo, bán trứng, rồi đi làm gia sư... nhưng bà vẫn tham gia các hoạt động yêu nước như cứu tế nạn đói, tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiến khu... Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) ra đời. Năm 1962, tổ chức quyết định cử bà trở lại miền Nam làm Ủy viên Trung ương MTDTGPMN, hoạt động mảng đối ngoại (lúc này bà được tổ chức đặt tên là Nguyễn Thị Bình). Đến năm 1968, bà được cử đại diện đoàn MTDTGPMN tham gia đàm phán Hiệp định Pari.

Minh Hải (Bài viết có sử dụng tư liệu từ nguồn: Hiệp định Paris nhìn từ hai phía; Đàm phán Paris về Việt Nam; Báo Tuổi trẻ)

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn bà Nguyễn Thị Bình trong “kỳ tích ngoại giao Việt Nam”" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin