(Pháp lý) - Mới đây, một vụ kiện gây chú ý dư luận đó là vụ kiện về tranh chấp hợp đồng góp vốn doanh nghiệp, mà bị đơn là Công ty Hoàng Anh Gia Lai(HAGL), còn nguyên đơn là Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư FPT (FPT Capital). Nhưng “nổi tiếng” và thu hút chú ý dư luận hơn nhiều có lẽ là vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab. Nguyên nhân của vụ kiện này một phần bắt nguồn từ bất cập trong chính sách và điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và công nghệ.
Trước đó được biết HAGL và FPT Capital đã ký hợp đồng góp vốn trị giá 76,5 tỷ đồng. Theo HAGL, giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của quỹ đầu tư là chưa hợp lý. Trong khi đó hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Vì thế, phía HAGL đã không chấp nhận đề nghị. Hai bên không tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital đã khởi kiện ra Tòa án.
Còn vụ Vinasun kiện Grab thì lại không liên quan đến vấn đề góp vốn mà chủ yếu liên quan đến vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh.
Theo đó, Vinasun khởi kiện Grab ra Tòa theo Luật Thương mại và đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 42 tỷ đồng thiệt hại do Grab gây ra.
Trong vụ kiện giữaVinasun và Grab, một trong những câu hỏi lớn đặt ra là Grab có vi phạm quy định về cạnh tranh hay không? Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Một trong những hành vi bị cấm trong Luật Cạnh tranh là "bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh" (nôm na là bán phá giá). Thực tế, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước rẻ như cho. Nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy. Mức giá quá thấp thời gian trước của Grab khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nếu thực sự họ đang "bán phá giá" nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường?. Tuy nhiên, ông Đức không kết luận Grab vi phạm luật cạnh tranh mà chỉ cho biết đây là một nội dung quan trọng cần làm rõ trong vụ việc. Vụ kiện này đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì sau khi đưa ra xét xử, ngày 29/10 vừa qua, TAND TP.HCM lại tuyên hoãn phiên tòa.
Xung quanh hai vụ kiện nêu trên, có rất nhiều bài học, quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật về góp vốn mà các doanh nghiệp hiện nay cần lưu ý.
Về vấn đề cạnh tranh: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm được quy định tại Luật Cạnh tranh 2004, quy định: "Đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi khác vi phạm quy định của Luật này không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiến hành phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.” (Khoản 2 Điều 118). Cụ thể hóa quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2014/NĐ-CP, trong đó, quy định cụ thể khung tiền phạt đối với từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh (từ Điều 28 đến Điều 36).
Khoản 4, Điều 3, Luật Cạnh tranh 2004 quy định: “ Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”. Trong đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh gồm các đặc điểm cụ thể như:
Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện nhằm mục đích lợi nhuận.
Thứ hai, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ tốt, nguyên tắc đạo đức kinh doanh, đó có thể là những quy tắc xử xự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Thứ ba, hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho các đối tượng khác. Vấn đề đặt ra, thiệt hại có phải là dấu hiệu bắt buộc phải có trong quá trình xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không? Trong nhiều trường hợp cơ quan xử lý có thể chấp nhận việc đe dọa gây thiệt hại, hoặc những thiệt hại không tính toán được cụ thể về cơ hội kinh doanh là đủ để coi một hành vi cạnh tranh là không lành mạnh và bị ngăn cấm.
Đối tượng chịu thiệt hại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm: các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp đối thủ của doanh nghiệp vi phạm.
Và người tiêu dùng – những người có nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ được xem xét và trở thành khách hàng của doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể tại Điều 39, Luật cạnh tranh 2004 đã liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có hành vi khuyến mại, bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử của hiệp hội; Bán hàng đa cấp bất chính và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định.
Còn về vấn đề góp vốn: Theo Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH là hành vi của thành viên công ty tiến hành chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần góp vốn của mình trong công ty cho thành viên khác hoặc cá nhân, tổ chức khác không phải thành viên. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ này sẽ được trị giá bằng tiền hoặc các giá trị vật chất khác theo thỏa thuận của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Nếu thành viên có yêu cầu chuyển nhượng vốn cho người khác thì phải tuân theo các quy định về trình tự tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014.
Cụ thể: 1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;b) Tổ chức lại công ty;c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.
2. Khi có yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
3. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Theo đó, thành viên phải chào bán cho thành viên trong công ty trước với cùng một điều kiện và với tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ. Nếu các thành viên này không mua hoặc không mua hết trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán thì mới được chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty. Tuy nhiên có hai trường hợp không bắt buộc phải áp dụng nguyên tắc khi chuyển nhượng là:
Thứ nhất, trường hợp thành viên muốn sử dụng phần vốn góp để trả nợ, thành viên có thể sử dụng phần vốn góp của mình để trả trực tiếp một nghĩa vụ nợ nào đó, hoặc sử dụng như một loại tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ nợ khi đến hạn. Như vậy về mặt bản chất đây cũng là một hành vi chuyển nhượng vốn. Trong trường hợp chuyển nhượng đặc biệt này, người nhận thanh toán có thể trở thành thành viên nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Nếu người nhận thanh toán không muốn trở thành thành viên nữa hoặc không được Hội đồng thành viên chấp thuận, thì người này mới phải chào bán phần vốn góp theo quy định của Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2014.
Thứ hai, trường hợp Công ty không mua lại phần vốn góp, không thanh toán được phần vốn góp mua lại hoặc không thỏa thuận được về giá mua lại phần vốn góp như quy định tại khoản 2 Điều 52 thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Việc chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH MTV đơn giản hơn so với Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên do Công ty chỉ có một chủ sở hữu nhất định. Tuy nhiên, thành viên của Công ty TNHH MTV có nhu cầu chuyển nhượng vốn thì có thể xảy ra hai trương hợp:
Thứ nhất, nếu thành viên Công ty TNHH MTV chuyển nhượng một phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác thì công ty phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang mô hình nhiều chủ sở hữu.
Thứ hai, nếu thành viên Công ty TNHH MTV chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho cá nhân hoặc tổ chức khác thì công ty phải tiến hành thay đổi chủ sở hữu.
Hiện nay, ở Việt Nam đa phần các doanh nghiệp được thành lập mà cổ đông hay thành viên công ty có nguồn gốc từ quan hệ gia đình, họ hàng hoặc bạn bè thân thích. Bởi vậy, ngay từ khi thành lập đã không có sự thỏa thuận rõ ràng về cơ chế hay cách thức, quyền và nghĩa vụ, cách thức phân chia lợi nhuận cũng như việc góp và cam kết vốn góp vào công ty nên tranh chấp xảy ra là điều dễ hiểu. Khi tranh chấp về việc góp vốn trong doanh nghiệp, cần phải lưu ý căn cứ vào các giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Mặc dù GCNĐKDN có ghi rõ tỷ lệ vốn góp nhưng do trong quá trình thành lập doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh không bắt buộc các thành viên phải chứng minh phần vốn góp của mình nên hoạt động góp vốn này chủ yếu do nội bộ công ty tự kiểm soát và thực hiện dựa trên nhu cầu của hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty.
Điều lệ công ty.
Trong Luật Doanh nghiệp không quy định về việc yêu cầu thành viên công ty phải chứng minh phần vốn góp trong điều lệ công ty nên các nội dung về vốn góp trong điều lệ công ty cũng chỉ mang tính chất tham khảo.
Giấy chứng nhận phần vốn góp, cổ phiếu.
Đây là một tài liệu quan trọng trong việc chứng minh phần vốn góp của các thành viên, cổ đông công ty. Luật Doanh nghiệp có quy định tài liệu xác thực chứng minh phần tài sản mà thành viên hoặc cổ đông đã góp vào công ty là giấy chứng nhận phần vốn góp (đối với Công ty TNHH) và cổ phiếu (Công ty cổ phần).
Khi công ty đã phát hành các tài liệu này thì dù trên thực tế các thành viên, cổ đông công ty đã góp hay chưa thì tài liệu đó vẫn là căn cứ khi tranh chấp xảy ra.
Báo cáo tài chính, sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Các chứng từ được lưu giữ tại trụ sở doanh nghiệp hoặc cơ quan thuế chứng minh được phần vốn góp như: Biên lai thu tiền hoặc chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng; kết quả kiểm toán nội bộ doanh nghiệp, biên bản tự thỏa thuận giữa các thành viên về việc góp vốn, báo cáo thuế, báo cáo tài chính hằng năm...
Sổ đăng ký cổ đông, sổ đăng ký thành viên.
Luật Doanh nghiệp có quy định công ty TNHH và công ty cổ phần phải có sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông. Đây cũng là một trong những giấy tờ quan trọng để chứng minh phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong công ty khi tranh chấp xảy ra.
Như vậy, khi tranh chấp xảy ra thì việc tìm các chứng cứ, tài liệu để chứng minh là vô cùng quan trọng. Do vậy, trong quá trình thành lập và phát triển, doanh nghiệp cần lưu giữ cẩn thận các giấy tờ trên để làm căn cứ khi có tranh chấp xảy ra.
Thành Chung