(Pháp lý) – Theo PGS.TS Trần Văn Độ ( nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án tòa án quân sự Trung ương), về nguyên tắc trong tố tụng hình sự, dù trong lĩnh vực quân đội hay dân sự thì đều có quy trình tố tụng giống nhau… Tuy nhiên, thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ khác nhau. Theo đó, Cơ quan điều tra trong Quân đội sẽ điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Hai Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển bị khởi tố tội nhận hối lộ
Ngày 1/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với: Thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.
Ban Bí thư kết luận, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thiếu tướng Lê Văn Minh, với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cảnh sát biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ban Bí thư cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Cảnh sát biển; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; Thiếu tướng Trần Văn Nam Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.
Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, một số cán bộ cấp tướng, người đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.
Ban Bí thư giao cho Quân ủy Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các tổ chức đảng, cá nhân liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy trình tố tụng có gì đặc biệt ?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương cho biết, về nguyên tắc trong một vụ án hình sự, dù trong lĩnh vực quân đội hay dân sự thì đều có quy trình tố tụng giống nhau bởi đều tuân theo theo một trình tự nhất định theo quy định của pháp luật, bao gồm khởi tố vụ án; điều tra vụ án hình sự; truy tố; xét xử; thi hành án. Tuy nhiên, sự khác nhau ở đây chính là thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử.
Theo Điều 163 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp…
Đồng thời, Điều 272 của Bộ luật tố tụng hình sự, quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, cụ thể: Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng tại quy định nêu trên liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ…
Điều 273 của Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Theo đó, khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện như sau: Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
Trong vụ án liên quan đến Thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, do Cảnh sát biển là lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam nên việc 2 Thiếu tướng trên vi phạm pháp luật, việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ do các cơ quan tố tụng của Quân đội thực hiện.
Cụ thể, thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; thẩm quyền truy tố thuộc về Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự và Toà án quân sự xét xử.
Theo Điều 354 BLHS năm 2015, tội nhận hối lộ có khung hình phạt cơ bản là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Khung tăng nặng thứ nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2.
Khung tăng nặng thứ hai là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, áp dụng với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3.
Khung tăng nặng thứ ba là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết quy định tại khoản 4.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nam Kiên